Phát triển cảng 'xanh', vững bước vươn ra biển lớn

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hoạt động vận tải đường biển giữ vị thế vô cùng quan trọng, gánh vác trên vai trách nhiệm giao thương tới những thị trường quốc tế. Những chuyến tàu vươn ra biển lớn trong bối cảnh mới còn thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong việc giữ lấy hành tinh 'xanh'. Do đó, phát triển cảng xanh là xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh hiện tại...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong hơn 30 cảng biển trải dài khắp cả nước, các cụm cảng lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Cái Mép – Thị Vải, Hải Phòng… đã vươn tầm quốc tế, lọt vào nhóm những cảng biển lớn nhất thế giới. Thế nhưng, thực tế cho thấy số lượng cảng biển đạt chuẩn “xanh” còn vô cùng khiêm tốn. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

CHUYỂN ĐỔI CẢNG BIỂN ĐẠT CHUẨN "XANH"

Nhận thức được đây là vấn đề cấp bách, Chính phủ cũng như Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định, đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp thực hiện mô hình phát triển hệ thống cảng xanh tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2023 – 2025 hướng tới việc điều chỉnh các quy định liên quan đến quản lý, đầu tư và xây dựng cảng biển để phù hợp với tiêu chí cảng xanh.

Thời gian không chờ đợi, bởi nhiều quốc gia đã và đang tiến rất nhanh trong chuyển đổi cảng xanh như một chiến lược tất yếu để đảm bảo tính cạnh tranh toàn cầu. Nếu các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam không kịp thời chuyển đổi, nguy cơ tụt hậu và mất thị phần là khó tránh khỏi.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nhấn mạnh các cảng tại Việt Nam cần phải nhanh chóng chuyển mình, nếu không sẽ mất cơ hội phát triển, thậm chí bị thụt lùi so với thế giới. Việc chuyển đổi xanh tuy khó khăn nhưng có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như tối ưu thời gian xếp hàng và sắp xếp container, trước khi chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết trong nhiều năm qua, đơn vị đã đề xuất và phê duyệt nhiều nội dung liên quan đến phát triển cảng xanh. Trong đó, bên cạnh việc trồng thêm cây để “tô xanh” cho hệ thống cảng biển, đại diện của Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cảng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động như làm sạch nước thải, sử dụng quy trình điện tử để tối ưu hóa, sắp xếp container thông minh, tận dụng năng lượng mặt trời…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để quá trình chuyển đổi hiệu quả, yếu tố then chốt xuất phát từ tâm lý của mỗi doanh nghiệp. Theo ông Phạm Hoài Trung, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Công ty TNHH Tư vấn thực hành phát triển bền vững Greeengo, việc thực hành cần bắt đầu từ những công việc cơ bản nhất bao gồm lập kế hoạch đào tạo các kiến thức và nhận thức cơ bản về phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG (bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng và hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp). Đặc biệt, cần có người phụ trách và thành lập ban Phát triển bền vững ESG với sự tham gia của các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp.

Song song đó, để phát triển hệ thống cảng biển theo tiêu chuẩn xanh thì một yếu tố tất yếu đó là ứng dụng các phát kiến về khoa học công nghệ. Thực tế cho thấy từ năm 2020, nhiều cảng biển đã sử dụng hệ thống robot vào các dịch vụ cảng thông minh và cảng tự động.

Nổi bật hơn trong số công nghệ là việc ứng dụng Mô hình BIM (Building Information Modeling) khi kết hợp với GIS (Geographic Information System) tạo nên giải pháp toàn diện và hiệu quả trong quản lý, phát triển hạ tầng cảng xanh.

Theo đó, BIM tập trung vào chi tiết công trình với các mô hình 3D chứa thông tin chi tiết về kết cấu, vật liệu, hệ thống vận hành và vòng đời công trình. Trong khi đó, GIS cung cấp dữ liệu địa lý, môi trường, quy hoạch và các yếu tố không gian rộng lớn, hỗ trợ phân tích vị trí chiến lược của cảng cũng như tác động của cảng đến môi trường xung quanh. Sự kết hợp của hai công nghệ này mang lại bức tranh toàn cảnh, từ thiết kế chi tiết đến tích hợp không gian thực tế, giúp nhà quản lý đưa ra quyết định chính xác.

Đối với với hệ thống cảng xanh, BIM giúp thiết kế các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong khi GIS phân tích vị trí tối ưu để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và xác định hành lang vận chuyển giảm khí thải. Bên cạnh đó, BIM và GIS còn giúp giám sát tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời tối ưu hóa mạng lưới giao thông kết nối cảng. Những ứng dụng này đã được triển khai thành công tại các cảng lớn trên thế giới như Rotterdam và Singapore, và nếu áp dụng tại Việt Nam, chúng sẽ giúp ngành hàng hải hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, gia tăng cạnh tranh quốc tế.

CẢNG KHÔNG XANH, TÀU "XANH" KHÔNG TỚI

Trong bối cảnh vận tải biển toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, những “ông lớn” như Mỹ, Trung Quốc và Singapore đã bắt tay hình thành “vành đai hàng hải xanh”, nơi các cảng và hãng tàu phải khoác lên mình chiếc áo tiêu chuẩn xanh quốc tế để hòa vào dòng chảy bền vững. Vành đai này không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển tiến bộ mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của nhân loại trong việc bảo vệ hành tinh xanh. Việt Nam, với tiềm năng và khát vọng hội nhập sâu rộng, cũng đã và đang ghi dấu ấn trên hành trình này.

Nổi bật trong đó, Tân Cảng Sài Gòn hiện lên như một “ngọn hải đăng xanh” giữa đại dương của các biển tại Việt Nam. Đại diện của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết chuyển đổi xanh tại cảng được chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn lại như một chuyến hải trình dài, đòi hỏi bản lĩnh và quyết tâm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở giai đoạn đầu, Tân Cảng đã bắt đầu bằng những bước đi thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành. Việc chuyển đổi từ sử dụng dầu diesel sang năng lượng điện đã mang lại những kết quả ấn tượng, giúp chi phí nhiên liệu giảm từ 200 tỷ đồng xuống còn 66 tỷ đồng mỗi năm. Những “cỗ máy khổng lồ” một thời xả khói đen nay đã vận hành êm ả, nhẹ nhàng như những “vũ công công nghiệp”, hòa nhịp cùng dòng chảy xanh của thời đại. Đồng thời, sự chuyển đổi này cũng giúp tối ưu hóa công tác quản lý, nâng cao năng lực điều hành và dự trữ vật tư sửa chữa, tạo nên một bộ máy vận hành hiệu quả và hiện đại.

Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi không dừng lại ở đó. Ở giai đoạn hai, Tân Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu sử dụng pin năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Đây thực sự là một “đại dương thử thách” khi chi phí đầu tư quá lớn, gấp hai đến ba lần chi phí thông thường. Để vượt qua sóng gió, doanh nghiệp buộc phải tìm đến những “vùng đất tri thức” ở nước ngoài để học hỏi công nghệ. Thế nhưng, việc tiếp cận nguồn vốn xanh và các chương trình tín dụng ưu đãi lại không hề dễ dàng. Câu hỏi “tiền đâu?” như một bức tường vô hình chắn lối, khiến hành trình chuyển đổi xanh trở thành cuộc chiến cam go.

Chia sẻ chung khó khăn với Tân Cảng Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Trưởng Phòng Quan hệ công chúng Công ty CP Gemadept, cho rằng để doanh nghiệp mạnh dạn bước vào “con đường xanh”, cần có những ưu đãi thiết thực từ chính sách thuế và nguồn vốn vay. Đặc biệt, một khung pháp lý rõ ràng và ổn định là “bàn đạp” để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Song song đó, việc điều chỉnh giá bốc xếp cảng biển là cần thiết, bởi mức giá hiện tại còn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư mà còn làm giảm hiệu quả hoạt động của các cảng biển trong nước.

Tập đoàn Gemadept đã sớm thành lập Ban ESG để truyền thông, thúc đẩy sáng kiến xanh và triển khai đo đạc khí nhà kính. Đơn vị cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào các giải pháp như SmartPort, RiverGate, SmartGate. Ngoài ra, Gemadept đã công bố báo cáo phát triển bền vững, đầu tư, quản trị và vận hành xanh thông minh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực quản trị xanh để đạt được hiệu suất cao, tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

Mới đây, siêu dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ như một “cánh buồm khổng lồ” đang vươn mình ra biển lớn. Với diện tích 571 ha và tổng mức đầu tư hơn 114 nghìn tỷ đồng, cảng Cần Giờ được kỳ vọng trở thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam, mang lại từ 6.000 - 8.000 việc làm trực tiếp và hàng chục nghìn việc làm gián tiếp trong chuỗi dịch vụ hậu cần. Không chỉ là biểu tượng của sự phát triển kinh tế, cảng Cần Giờ còn là minh chứng cho sự hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ thiên nhiên.

Siêu cảng Cần Giờ không chỉ mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới. Đây là công trình mang tầm vóc chiến lược, hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư, dự án này sẽ trở thành “cánh tay vững chắc”, đưa Việt Nam tiến xa trên hành trình trở thành cường quốc hàng hải.

Hành trình chuyển đổi xanh của Tân Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Gemadept và dự án siêu cảng Cần Giờ chính là những minh chứng hùng hồn cho ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn xa của Việt Nam. Những con sóng lớn có thể ập đến, nhưng với chiến lược đúng đắn và sự đồng lòng, vận tải biển Việt Nam sẽ hóa thành “đoàn thuyền lớn”, căng buồm vươn ra khắp các đại dương, mang theo niềm tự hào dân tộc và khát vọng thịnh vượng bền vững.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Tuấn Khang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phat-trien-cang-xanh-vung-buoc-vuon-ra-bien-lon.htm
Zalo