Phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái bền vững
Với thuận lợi về tự nhiên, đất đai, Đông Nam Bộ (ĐNB) có lợi thế phát triển mạnh diện tích cây ăn trái. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, ĐNB phát triển mạnh những vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với thị trường xuất khẩu và chế biến. Trong đó có nhiều loại cây ăn trái xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế tốp đầu cả nước như: sầu riêng, chuối cấy mô...

Chế biến trái cây tươi tại một doanh nghiệp ở huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động, ĐNB cũng thuộc tốp đầu cả nước làm mã số vùng trồng, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư xưởng đóng gói xuất khẩu, chế biến sâu, góp phần phát triển ngành trái cây của Việt Nam.
Tăng nhanh diện tích cây ăn trái giá trị cao
Tính đến cuối năm 2024, tổng diện tích cây ăn trái của vùng ĐNB là 142,2 ngàn hécta, đứng thứ 4 về diện tích trong các vùng của cả nước. Theo Đề án Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và môi trường, cả nước có 14 loại cây chủ lực gồm: thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh leo, bơ... Đây cũng là những loại trái cây có nhiều thế mạnh phát triển tại vùng ĐNB như: xoài (tập trung nhiều ở Đồng Nai, Tây Ninh); chôm chôm, chuối (Đồng Nai); nhãn (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu); mít (Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh); sầu riêng (Đồng Nai, Bình Phước).
Nhiều loại cây đặc sản, trái cây xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao như: xoài cát Hòa Lộc, xoài giống Thái Lan, sầu riêng Dona, bưởi da xanh... Cụ thể, những cây ăn trái có lợi thế xuất khẩu đều có diện tích lớn như: sầu riêng có diện tích 25,4 ngàn hécta; chuối cấy mô có diện tích 23,5 ngàn hécta; xoài có diện tích 15,4 ngàn hécta...
Đồng Nai là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn của vùng ĐNB với tổng diện tích gần 81,8 ngàn hécta, tăng hàng ngàn hécta so với năm 2020. Trong đó có một số cây trồng diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Hiện tổng diện tích trồng chuối cấy mô của Đồng Nai lớn nhất cả nước với tổng diện tích đạt gần 16,7 ngàn hécta, sản lượng hơn 186,7 ngàn tấn. Diện tích sầu riêng đạt hơn 12,6 ngàn hécta, tăng gần gấp đôi so với vài năm trước.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu, ngành nông nghiệp vùng ĐNB đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng duy trì ở mức cao. Trong đó, riêng với cây ăn trái không chỉ tăng nhanh về diện tích, năng suất, mà sản lượng cũng không ngừng tăng lên nhờ việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển lựa sử dụng giống mới.
Các tỉnh, thành của vùng ĐNB tập trung phát triển những vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Các địa phương rất quan tâm hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách nhằm nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu để tăng lợi thế cạnh tranh cho cây ăn trái chủ lực của vùng. Nhờ đó, lĩnh vực cây ăn trái hình thành được các chuỗi liên kết hiệu quả, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đồng Nai đi đầu trong xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng trái cây tươi. Hiện toàn tỉnh có 844 tổ hợp tác với sự tham gia của gần 31,7 ngàn thành viên; diện tích tham gia liên kết sản xuất thông qua tổ hợp tác đạt gần 23,4 ngàn hécta. Các tổ hợp tác là đầu mối hỗ trợ các tổ viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó có 35 tổ hợp tác có sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 908 hécta; có 2 tổ hợp tác được chứng nhận hữu cơ với diện tích 4,3 hécta, 21 tổ hợp tác được cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 654 hécta.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường Trần Lâm Sinh, toàn tỉnh có 275 chuỗi liên kết, tăng 43 chuỗi liên kết so với năm 2023 với sự tham gia của 127 DN, 70 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác và 15,3 ngàn hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 47,6%. Tỉnh rất quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ 50% chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình trình diễn; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ giống, vật tư, thiết kế bao bì sản phẩm…
Khai thác lợi thế có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản ngon, nhiều tỉnh, thành của vùng ĐNB phát triển mạnh du lịch vườn, du lịch sinh thái gắn với những vùng đặc sản trái cây ngon. Vùng có nhiều địa phương nổi tiếng về du lịch vườn mùa trái chín như: thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương)... Mô hình này góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho những vùng chuyên canh cây ăn trái.
Thu hút đầu tư chế biến
ĐNB là đầu tàu kinh tế của cả nước, phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ và cũng là đầu mối giao thương hàng hóa nội địa và quốc tế. Đặc biệt, hầu hết nông sản, thủy sản của khu vực phía Nam chủ yếu tập kết và xuất khẩu thông qua các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Khai thác những lợi thế trên, các địa phương vùng ĐNB tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chuyển giao công nghệ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa lớn; hình thành quan hệ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, thu hút các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu trái cây tươi, trái cây chế biến. Mục tiêu nhằm giảm áp lực của tính thời vụ đối với mặt hàng trái cây tươi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho mô hình này.
Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng của Đồng Nai tiếp tục tăng cường hướng dẫn DN, người dân xây dựng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 189 mã số vùng trồng với diện tích hơn 27,9 hécta; 46 mã số vùng trồng nội địa với 453 hécta; 86 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu đi các thị trường: Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, Úc, New Zealand… Các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm.
Theo một số DN đầu tư xưởng sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, vị thế của trái chuối tươi Việt Nam trên thị trường quốc tế đang tăng lên. Trong đó, Đồng Nai là “thủ phủ” trồng chuối cấy mô xuất khẩu của cả nước. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh với diện tích lớn là điều kiện thuận lợi thu hút DN đầu tư xưởng sơ chế, đóng gói xuất khẩu ngay tại vùng trồng.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia (trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh) Hồ Quốc Thái chia sẻ, DN đã đầu tư 2 nhà máy chế biến trái cây ở Đồng Nai. DN chọn về Đồng Nai đầu tư vì vị trí địa lý của Đồng Nai cực kỳ thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đặc biệt vùng đất Long Khánh là điểm giao thương rất tốt, có các tuyến đường cao tốc kết nối từ miền Tây về và kết nối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Ngoài ra, sự hỗ trợ rất tích cực của chính quyền tỉnh, địa phương, các sở, ngành liên quan của Đồng Nai cũng tạo động lực cho DN yên tâm gắn bó.
Các tỉnh, thành vùng ĐNB tiêu biểu như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến nông sản, các chuỗi logistics dành riêng kết nối tiêu thụ nông sản. Trong đó, các địa phương ĐNB có sự hợp tác chặt chẽ trong xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của cả vùng.