Phát triển các cụm công nghiệp đúng hướng, hiệu quả

Mặc dù có những đóng góp nhất định trong việc giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập và chuyển đổi cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, thế nhưng, việc phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn chậm và gặp nhiều bất cập. Trước thực tế này, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp rà soát, tháo gỡ khó khăn các dự án, phát triển CCN phù hợp, đúng hướng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Cụm công nghiệp Đồng Sóc (Vĩnh Tường) được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Chu Kiều

Cụm công nghiệp Đồng Sóc (Vĩnh Tường) được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Chu Kiều

Theo phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh dự kiến hình thành 47 CCN với tổng diện tích hơn 1.895 ha (bao gồm cả phần diện tích mở rộng các CCN); giai đoạn 2031-2050, phát triển thêm 4 CCN, diện tích 140 ha.

Đến nay, đã có 16 CCN được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích hơn 490 ha, trong đó có 12 CCN thu hút gần 700 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động.

Mặc dù vậy, việc phát triển CCN trên địa bàn tỉnh chưa đạt được các mục tiêu chủ yếu đã đề ra như: Số lượng CCN hoàn thành hạ tầng mới đạt tỷ lệ 23,8%; tỷ lệ lấp đầy mới đạt khoảng 39,84%; chỉ có 6/16 CCN được thành lập đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng 2 trạm đã hư hỏng; đóng góp của các CCN vào sự phát triển công nghiệp, thu ngân sách thấp.

Nguyên nhân là do công tác quy hoạch phát triển CCN còn nhiều hạn chế; một số CCN chưa có sự chọn lọc, nghiên cứu kỹ về vị trí, địa điểm, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần hoặc không thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng. Năng lực một số nhà đầu tư hạ tầng còn yếu kém.

Các quy định liên quan đến quản lý phát triển CCN còn nhiều bất cập, quy trình, thủ tục đầu tư chưa đồng bộ với các luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...; chưa có quy định về giám sát, đánh giá đầu tư; chưa có quy định về chế tài xử lý đối với các dự án chậm tiến độ.

Đặc biệt, khó khăn trong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các CCN chậm, hầu hết phải điều chỉnh, gia hạn tiến độ.

Đơn cử như tại huyện Yên Lạc, hiện nay, một số CCN trên địa bàn còn chưa giải phóng mặt bằng xong toàn bộ như CCN làng nghề Đồng Văn, CCN làng nghề Trung Nguyên… do các hộ chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường Nhà nước phê duyệt.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, tại hội nghị UBND tỉnh làm việc với Sở Công thương và các sở, ngành, đơn vị liên quan, chủ đầu tư hạ tầng, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các dự án, thực hiện đầu tư phát triển các CCN chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng đầu tư hạ tầng các CCN.

Đồng thời phát triển CCN mới có chọn lọc; ưu tiên phát triển các CCN tại các địa phương có điều kiện thuận lợi; lựa chọn doanh nghiệp thực hiện đầu tư hạ tầng CCN có năng lực, kinh nghiệm, có khả năng thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có chất lượng vào các CCN.

Nghiên cứu, có biện pháp để chuyển giao các CCN hiện nay đang do các đơn vị sự nghiệp công lập của các địa phương làm chủ đầu tư sang cho doanh nghiệp, HTX làm chủ đầu tư theo quy định.

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN tập trung nhân lực, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường - giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng CCN đồng bộ theo đúng quy hoạch và tiến độ đã duyệt; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để linh hoạt trong việc xác định giá sử dụng hạ tầng, các tiện ích công cộng và dịch vụ kèm theo nhằm giảm áp lực về chi phí, suất đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCN...

Với vai trò là cơ quan đầu mối, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã và đang tập trung rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc đối với từng CCN trên địa bàn tỉnh hiện nay, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp xử lý; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng của CCN đã được thành lập.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường, kinh phí duy tu, bảo dưỡng tại các CCN do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý hoặc tiến hành chuyển đổi mô hình, đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật...

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122553//phat-trien-cac-cum-cong-nghiep-dung-huong-hieu-qua
Zalo