Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 2 - Cây cam lên ngôi trên đất Cao Phong
Năm 2013, toàn huyện Cao Phong có trên 160 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 16 hộ thu nhập từ 1 - 5 tỷ đồng nhờ cam, quýt. Thời điểm này, bình quân 1 ha cam, quýt cho giá trị thu nhập gần 600 triệu đồng. Những con số thống kê của hơn 10 năm về trước cho thấy hiệu quả kinh tế mà cây cam đem lại đối với người trồng cam tại huyện Cao Phong, đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2017. Thành quả có được khi Hòa Bình đã xây dựng thành công thương hiệu Cam Cao Phong.
Năm 2013, toàn huyện Cao Phong có trên 160 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 16 hộ thu nhập từ 1 - 5 tỷ đồng nhờ cam, quýt. Thời điểm này, bình quân 1 ha cam, quýt cho giá trị thu nhập gần 600 triệu đồng. Những con số thống kê của hơn 10 năm về trước cho thấy hiệu quả kinh tế mà cây cam đem lại đối với người trồng cam tại huyện Cao Phong, đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2017. Thành quả có được khi Hòa Bình đã xây dựng thành công thương hiệu Cam Cao Phong.
>> Bài 1 - Cây cam bén duyên với đất Cao Phong
mà trồng cả trên các sườn đồi. Ảnh chụp tại thị trấn Cao Phong ngày 15/10/2024.
Xây dựng, khẳng định thương hiệu Cam Cao Phong
Đến đầu những năm 2000, cam Cao Phong đã có lịch sử 40 năm phát triển. Thế nhưng cái tên cam Cao Phong vẫn còn lạ lẫm với người tiêu dùng. Khi đó, giá cam Cao Phong bán ra thị trường chỉ trên dưới 3.000 đồng/kg. Mặc dù chất lượng thơm ngon nhưng để đưa quả cam đến với người tiêu dùng, được người tiêu dùng đón nhận thì cần lộ trình xây dựng thương hiệu. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong Bùi Văn Dán cho biết: Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam, huyện Cao Phong đã hoạch định lộ trình cụ thể với những giải pháp đồng bộ. Nổi bật là ngày 8/5/2006, Huyện ủy Cao Phong ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020.
Có nghị quyết soi đường, từ đây cam Cao Phong có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2007, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu thương mại. Năm 2009, cam Cao Phong được bình chọn nằm trong top 100 thương hiệu Việt. Năm 2010, diện tích cam, quýt trên địa bàn huyện đạt 557 ha, sản lượng 9.000 tấn. Từ năm 2010 trở đi, cam Cao Phong ngày càng được người tiêu dùng đón nhận. Quả cam của đất Mường Thàng được đánh giá có ưu thế vượt trội với các loại cam trên thị trường, mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng.
Đến năm 2013, diện tích cam, quýt trên địa bàn huyện đã tăng lên 920 ha, sản lượng đạt gần gấp đôi so với 3 năm trước. Đây là năm đánh dấu bắt đầu giai đoạn phát triển hoàng kim của cam Cao Phong. Theo thống kê, thời điểm này toàn huyện có trên 160 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 16 hộ có thu từ 1 - 5 tỷ đồng từ cam, quýt. Bình quân 1 ha cam, quýt cho giá trị thu nhập gần 600 triệu đồng. Đặc biệt, ngày 5/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 3947/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Đây là kết quả xứng đáng cho nỗ lực suốt 50 năm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong, bước đột phá mang tính chiến lược trong phát triển tài sản trí tuệ, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi chỉ dẫn địa lý là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho sản phẩm có chất lượng đặc thù, do các điều kiện địa lý tự nhiên và con người khu vực đó quyết định.
Đua nhau trồng cam để đổi đời
Sau khi được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định giá trị thương hiệu, phấn đấu trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia. Cùng với đó, hiệu quả kinh tế cây trồng này đem lại ngày càng cao, khi giá bán cam phi mã. Niên vụ 2014 - 2015, sản lượng cam toàn huyện đạt 10 nghìn tấn; niên vụ tiếp theo sản lượng đạt gấp đôi. Năm 2011, giá cam Xã Đoài mua tại vườn bình quân khoảng 6.000 đồng/kg, cam V2 dao động từ 20.000 - 32.000 đồng/kg. Đến năm 2014, giá cam Xã Đoài, cam CS1 tăng 4 - 5 lần, từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Đặc biệt, cam V2 giá bán từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, thời điểm cuối vụ có hộ bán trên 100.000 đồng/kg. Mỗi cây cam đem lại thu nhập cả triệu đồng, mỗi vườn cam đem lại cho người nông dân tiền tỷ.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (3T Farm) là con của công nhân Nông trường Cao Phong. Trước năm 2014, chị Thủy nuôi ước mơ "ly nông” dù tuổi thơ đã gắn bó với cây trồng này. Do đó, chị có thời gian hợp đồng làm giáo viên, sau khi cắt hợp đồng do tinh giản biên chế, chị quay lại với cây cam. Theo chị Thủy, trước năm 2010, cam Cao Phong bán rất rẻ, thường xuyên bị tư thương ép giá nên nhiều người đã bỏ trồng cam. Nhưng đến năm 2014, khi cam có chỉ dẫn địa lý, giá bán tăng chóng mặt. "Tôi còn nhớ thời điểm năm 2014 - 2015, chỉ trong một ngày cũng tăng mấy giá. Vì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao nên thời điểm đó người dân đổ xô mua đất trồng cam. Không chỉ mua đất tại huyện Cao Phong mà còn mua ở các huyện khác để trồng cam”, chị Thủy nhớ lại.
Quả đúng như vậy, từ 2014 trở đi, có thể nói người người, nhà nhà ở Cao Phong đua nhau trồng cam với ước mơ đổi đời. Cây cam không chỉ được trồng ở vùng lõi, vùng quy hoạch, mà trồng ở cả các xã vùng cao trên những sườn đồi, sườn núi. Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Từ năm 2014 - 2017, đặc biệt là năm 2018, diện tích cây có múi trong tỉnh tăng mạnh, nhất là cây cam. Các năm 2015, 2016, 2017, mỗi năm diện tích cây có múi tăng hơn 1.000 ha. Đây là kết quả sau khi cam Cao Phong có Chỉ dẫn địa lý và hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại được chú trọng. Bên cạnh đó, thời điểm này một số giống mới được đưa vào trồng từ đầu những năm 2010 như: quýt Ôn Châu, cam CS1, cam V2 đã cho thu hoạch. Điều này giúp rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch sản phẩm cam. Ngoài ra, cam Cao Phong được hưởng lợi do thời điểm này vùng cam của một số tỉnh đến cuối chu kỳ nên giảm nhiều diện tích.
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người trồng cam, từ năm 2014, cam Cao Phong trở thành thương hiệu mạnh, niềm tự hào của người dân nơi đây, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng từ miền Bắc vươn tới các tỉnh, thành phố phía Nam. Các kênh tiêu thụ sản phẩm cũng được đa dạng và chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng đặt ra nhiều vấn đề khi nhà nhà, người người đầu tư vào loại cây trồng "khó tính”. Sự phát triển "nóng” diện tích cây cam trong giai đoạn hoàng kim đã đặt ra những thách thức đối với sự phát triển bền vững của cam Cao Phong.
(Còn nữa)