Phát triển bền vững phá Tam Giang

Ngoài lăng tẩm, đền đài, xứ Huế còn có viên ngọc quý của tự nhiên là đầm phá Tam Giang. Câu chuyện khuyến khích phát triển kinh tế, xã hội mà vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo tồn cảnh quan mở ra vấn đề phát triển du lịch một cách bền vững ở vùng đất này…

Từ tiềm năng vùng đầm phá

Với kinh nghiệm thiết kế các dự án kiến trúc tại nhiều vùng văn hóa khác nhau ở cả trong nước và thế giới, KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh nhìn ra màu sắc đặc trưng của vùng đất cố đô. Theo ông, cảnh quan, thiên nhiên, kiến trúc hòa quyện với hệ thống sông, chùa chiền, đền đài, lăng tẩm… là dẫn chứng tuyệt vời cho hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Riêng phá Tam Giang như viên ngọc quý chưa được mài giũa. Hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với chiều dài gần 70km, diện tích mặt nước rộng trên 22.000ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đến nay chưa phát lộ hết giá trị và tiềm năng.

 Ngoài lăng tẩm, đền đài, xứ Huế còn có viên ngọc quý của tự nhiên là đầm phá Tam Giang. Nguồn: TTH

Ngoài lăng tẩm, đền đài, xứ Huế còn có viên ngọc quý của tự nhiên là đầm phá Tam Giang. Nguồn: TTH

Vẻ đẹp của đầm phá Tam Giang nổi bật ở vùng nước mênh mông, trong xanh, phẳng lặng nằm kề các đụn cát chắn. Sự bình yên nơi đây được bao bọc bởi đường ven biển và cảnh sắc thay đổi theo các thời điểm khác nhau trong ngày. Cư dân có nguồn gốc lâu đời, nếp sinh hoạt gắn với cuộc sống mưu sinh trên đầm phá, thể hiện bản sắc văn hóa thông qua các lễ hội dân gian, tín ngưỡng vùng sông nước… Chỉ ra những điểm nổi trội này, KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh nhận định: “Phá Tam Giang có những thế mạnh sẵn có về cảnh quan, thiên nhiên và giá trị văn hóa - cái mà không phải mất tiền mua, không mất quá nhiều công sức tạo dựng, nói cách khác là chúng ta chỉ cần tác động rất ít cho sự phát triển. Tuy nhiên, để khai thác tối ưu những gì mà thiên nhiên ban tặng, chúng ta phải hiểu nó, nhìn ra sự khác biệt của điểm đến so với các nơi khác”.

Thực tế từ nhiều năm trước, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được đưa ra gắn với các đề án với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ở Huế, việc phát triển du lịch vùng ven biển, đầm phá còn nhiều hạn chế, sản phẩm du lịch nghèo nàn, thiếu các mô hình dịch vụ, chưa tận dụng, khai thác hết giá trị của vùng… Theo Phân Viện trưởng phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, TS. Trần Đình Hằng, tư liệu, câu chuyện văn hóa đã hiện hữu trong đời sống tuy nhiên qua mắt nhìn của nhà thiết kế, nhà thi công có thể thăng hoa giá trị và ngược lại.

“Từ 20 năm trở lại đây, chúng ta đã có chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá nhưng tới nay, vùng đất này vẫn chưa phát triển, chưa thấy được sự bứt phá. Phá Tam Giang là một phức hệ thống nhất cảnh quan, kiến trúc và văn hóa cần sự chung tay của các nhà kinh doanh, nhà kiến trúc, nhà văn hóa… cùng tư duy làm sao phát triển các dự án có quy mô bài bản, xứng tầm, có khả năng dẫn dắt sự phát triển một cách bền vững”, TS. Trần Đình Hằng nhận định.

Câu chuyện làm du lịch bền vững

Chúng ta không chỉ mong Phá Tam Giang phát triển du lịch, mà cao hơn nữa, đó phải là sự phát triển bền vững. Nhìn nhận như vậy, TS. Trần Đình Hằng cho rằng, dựa trên am hiểu đất và người nơi đây, các dự án hướng đến phát triển du lịch vùng phá Tam Giang phải tính đến từ những yếu tố rất nhỏ. “Ví dụ các cây trồng bờ rào tưởng vô thưởng, vô phạt nhưng thực ra có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, nói về chức năng chắn cát, chắn gió hiệu quả ở vùng đầm phá, có hai loài cây độc đáo là dứa dại và phi lao, với cơ chế vận hành bộ rễ đan xuống, bện chặt lấy đất, thân, lá rất phù hợp chống gió bão. Thay vì phá bỏ, thay thế, chúng ta hoàn toàn có thể trồng hai loại cây này và quy hoạch, biến nó thành cây cảnh quan, thích ứng với môi trường tự nhiên vùng đầm phá”.

Cảnh quan hiện trạng và văn hóa bản địa là hai yếu tố “chìa khóa” tạo nét riêng, độc đáo thu hút khách du lịch - KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh gọi đó là “ngách” phải tính đến khi phát triển kinh tế du lịch mỗi vùng, mỗi địa phương. Tương tự với kiến trúc, nếu không dựa trên bối cảnh đặc thù thì câu chuyện sáng tạo, thiết kế không bứt phá được. “Cá nhân tôi khi thiết kế bất kỳ dự án nào ở địa phương cũng luôn chú trọng nghiên cứu, khảo sát thực địa. Phát triển du lịch muốn thành công phải đưa ra câu chuyện trải nghiệm của người khách du lịch. Câu chuyện đó đến từ đâu nếu không phải đến từ chính cộng đồng, tự nhiên nơi đây? Chẳng hạn, mô hình nhà chồ vốn gắn với đời sống làm nghề của người dân trên phá Tam Giang, hoàn toàn có thể ứng dụng tích hợp trong thiết kế kiến trúc hiện đại, bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch mà không mất đi giá trị đặc trưng vùng sông nước”, KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh nói.

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh cho rằng một mặt phát triển dịch vụ du lịch phá Tam Giang cần có tổ chức, đơn vị làm các dự án với tiềm lực tài chính đủ mạnh, quy mô bài bản, gắn với định hướng phát triển dựa trên thế mạnh của vùng. Mặt khác, quan trọng hơn là quá trình phát triển du lịch phá Tam Giang phải có sự đồng hành của người dân địa phương tham gia và hưởng lợi. Ông dẫn chứng Mũi Né, Phan Thiết, những năm 90 của thế kỷ trước chỉ là làng chài thuần túy, sau khi du lịch xuất hiện, cư dân ở đây đã dịch chuyển ngành nghề nhanh chóng. Người làm làng chài trở thành hướng dẫn viên du lịch cho du khách, thậm chí tự học tiếng Anh, tiếp đón khách phương Tây, dần dần góp phần quan trọng đưa Mũi Né dần trở thành điểm đến của du lịch thế giới. Tương tự, những nông dân, ngư dân của phá Tam Giang cũng có thể làm du lịch rất tốt nếu mảnh đất này được tiếp nhận làn gió phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp.

“Bước chuyển tiếp này tất nhiên không thể vội vàng, nhanh chóng. Nhiều người nói Huế phát triển du lịch chậm so với các địa phương khác nhưng cá nhân tôi nhìn điều đó là điểm tốt. Tôi đã gặp nhiều dự án đầu tư theo kiểu “sáng vẽ, chiều xây, mai xong, mốt vận hành”, cái được là thấy ngay kết quả, có sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển ngay tức thời. Nhưng tiêu chí bây giờ là nhanh nhưng phải bền vững. Với phá Tam Giang, chúng ta cần nghiên cứu sâu, bảo đảm nhất quán trong quản lý và thực hiện quy hoạch. Làm điều đó nhiều khi chúng ta sẽ đi chậm một chút, chậm nhưng chưa chắc là thiệt thòi, là mất đi cơ hội. Ngược lại, cái chậm ấy với phá Tam Giang là làm cho giá trị thiên nhiên, cảnh quan của Huế bền vững hơn”, KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh nhận định.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-trien-ben-vung-pha-tam-giang-post402524.html
Zalo