Phát triển bền vững ngành hàng cá tra
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, địa phương tập trung phát triển ngành hàng cá tra theo hướng hiện đại, chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng điều kiện về chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong năm 2024, toàn tỉnh có diện tích nuôi cá tra ước đạt 2.630ha, vượt 7,3% so với chỉ tiêu, vùng nuôi chủ yếu tại TP Hồng Ngự và các huyện: Tân Hồng, Châu Thành, Thanh Bình. Giá trị sản xuất ngành cá tra năm 2024 ước đạt 8.802 tỷ đồng, chiếm 17,36% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản.
Toàn tỉnh hiện có 378 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi với diện tích 1.630ha. Diện tích hộ nuôi thực hiện liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến là 804,7ha. Đến nay, toàn tỉnh có 91,5% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định.
Về giống cá tra, toàn tỉnh có 94 cơ sở sản xuất giống, trong đó có 17 cơ sở sử dụng đàn cá tra cải thiện di truyền để cho sinh sản, chiếm 18%; hơn 1.000 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Trong năm 2024, các cơ sở sản xuất ước đạt hơn 1,2 tỷ con giống cá tra (trong đó cá tra chất lượng cao là 500 triệu con). Đồng thời, toàn tỉnh có 60 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng cá tra đến năm 2025, đề ra mục tiêu có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ; phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền; 60% diện tích vùng nuôi có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định; 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định...
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tuyên truyền, phổ biến công tác quy hoạch, quy định của pháp luật về quản lý giống, nuôi trồng thủy sản và các văn bản có liên quan của Trung ương và địa phương đến tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; tham mưu ban hành Quyết định phê duyệt, triển khai thực hiện phương án quản lý vùng nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song song đó, tiếp tục thực hiện quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 hỗ trợ địa phương đàn cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh và kháng bệnh nhằm nâng cao chất lượng con giống phục vụ nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao…