Phát triển bền vững kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển

Được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đến nay Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo đã và đang được các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và người dân thực thi hiệu quả trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.

Đảo Hòn Mê có vị trí, địa hình lý tưởng để trở thành khu cảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng.

Đảo Hòn Mê có vị trí, địa hình lý tưởng để trở thành khu cảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng.

Ngay sau khi Luật được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 12125/UBND-NN giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ TN&MT tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt phổ biến luật. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển, hải đảo đến các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân.

Từ năm 2016 đến hết năm 2023, Sở TN&MT đã tổ chức 16 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về TN&MT cho cán bộ làm công tác TN&MT ở cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh với tổng số 7.230 người tham gia, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về luật, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật cho đội ngũ công chức làm công tác quản lý Nhà nước về biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hưởng ứng “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, “Ngày Đại dương Thế giới ngày 8/6” hằng năm, Sở TN&MT đều tổ chức in ấn băng zôn tuyên truyền với chủ đề về quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển, đảo; chủ quyền biển, đảo để cấp phát cho 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các chuỗi sự kiện trong Tháng hành động bảo vệ môi trường; ra quân dọn vệ sinh môi trường, chiến dịch làm sạch biển, trồng rừng ngập mặn,... góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, cán bộ, đảng viên đối với công tác phát triển bền vững kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, trong những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo và vùng bờ. Đơn cử như: Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển tỉnh Thanh Hóa; Đề án “Xây dựng mô hình xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Mã, sông Yên tỉnh Thanh Hóa”; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thanh Hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường biển và hải đảo; lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo... Trong đó, thực hiện Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển, mỗi năm có hàng trăm mẫu trầm tích đáy, nước biển ven bờ và sinh vật biển... thuộc các khu vực như cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh được Sở TN&MT phối hợp với đơn vị chức năng lấy để phân tích, đánh giá. Từ kết quả quan trắc, Sở TN&MT đã thông báo đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển để nắm bắt hiện trạng, xu hướng diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố ô nhiễm môi trường cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.

Đối với việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo, là địa phương có cụm đảo Hòn Mê và đảo Hòn Nẹ với vị trí, vai trò quan trọng cả về an ninh chính trị và phát triển kinh tế. Vì vậy, từ năm 2019, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với đơn vị chức năng thực hiện lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo theo quy định. Đến nay 24 hồ sơ tài nguyên đảo (cụm đảo Hòn Mê với 23 đảo lớn, nhỏ; đảo Hòn Nẹ) đã được phê duyệt. Theo ông Trịnh Ngọc Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Biển, Hải đảo, Khí tượng thủy văn và BĐKH, Sở TN&MT, việc lập hồ sơ tài nguyên đảo nhằm đánh giá sát hiện trạng tài nguyên hải đảo của tỉnh, qua đó đưa ra giải pháp, chiến lược khai thác nguồn tài nguyên này, góp phần nâng cao công tác quản lý và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế biển của tỉnh.

Cùng với nhiệm vụ trên, việc hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng được tỉnh và ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Minh chứng cho thấy, để chủ động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng vùng ven biển của tỉnh, từ năm 2012 đến nay, Sở TN&MT đã chủ động đấu mối với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (thông qua Dự án tăng cường năng lực phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho các vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa - Dự án CATREN) tổ chức được 10 lớp tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực về ứng phó BĐKH, phòng ngừa giảm thiểu rủi ro thiên tai tại vùng biển cho cán bộ công chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị cấp tỉnh, UBND các huyện, cán bộ cấp xã và đại diện cộng đồng dân cư các xã ven biển của tỉnh; đồng thời tổ chức 2 hoạt động điều tra đánh giá tác động của BĐKH đến huyện Hoằng Hóa và huyện Quảng Xương...

Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực từ phía cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cùng tinh thần, trách nhiệm và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, sau gần 10 năm thực thi Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo, công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác phát triển bền vững kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển được nâng lên rõ rệt. Đây cũng chính là mục tiêu và là yêu cầu đặt ra khi thực thi Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-dao-nbsp-gan-voi-bao-ve-moi-truong-he-sinh-thai-bien-223002.htm
Zalo