Phát triển bền vững không gian cư trú các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc

Kiến trúc nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, sự biến đổi mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa xã hội đã dẫn tới số lượng nhà truyền thống bị giảm sút, làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc.

Sáng 16/5, Viện Bảo tồn và phát triển bền vững (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển bền vững không gian cư trú các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.

Hội thảo nhằm đưa ra các đánh giá thực trạng kiến trúc về nhà ở không gian cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc; xác định những vấn đề tồn tại và nguy cơ mai một kiến trúc truyền thống; đưa ra các đề xuất định hướng phát triển kiến trúc nhà ở theo hướng bền vững.

PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: Hội thảo hôm nay diễn ra đúng dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), là hoạt động rất ý nghĩa, không chỉ với giới nghiên cứu mà còn trong thực tiễn phát triển.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: "Trường Đại học Xây dựng nhiều năm qua đã đào tạo đội ngũ kỹ sư phục vụ công cuộc xây dựng đô thị, hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy sự mai một không gian cư trú và giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua quá trình tham gia các chương trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên, tôi thấy rằng, khi nơi ở truyền thống mất đi, đồng bào khó hòa nhập với môi trường mới, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội. Trong khi đó, nhiều nhà cổ đang bị di dời về vùng xuôi, chỉ còn phần xác, mất đi phần hồn văn hóa.

Vì vậy, tôi kỳ vọng kết quả hội thảo hôm nay sẽ được đưa vào chương trình đào tạo, giúp sinh viên không chỉ biết xây dựng công trình mới mà còn biết bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số".

TS.KTS Nguyễn Duy Dũng trình bày tham luận "Thực trạng kiến trúc nhà ở các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc và định hướng phát triển bền vững".

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, giàu tiềm năng kinh tế, văn hóa và du lịch. Nơi đây tập trung hơn 7 triệu dân thuộc nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao... Sự khác biệt về văn hóa, phong tục và môi trường sống đã tạo nên sự đa dạng, độc đáo trong kiến trúc nhà ở truyền thống.

Kiến trúc nhà ở truyền thống miền núi phía Bắc lưu giữ giá trị văn hóa vật thể (di sản kiến trúc cần bảo tồn và phát huy) và phi vật thể (bản sắc văn hóa, lối sống, tín ngưỡng). Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và giao thoa văn hóa đang làm biến đổi không gian văn hóa và xã hội khu vực.

Làng cổ Ma Lé (Hà Giang) là một ngôi làng nhỏ nhưng mang đậm dấu ấn văn hóa của người H’Mông và Lô Lô.

Làng cổ Ma Lé (Hà Giang) là một ngôi làng nhỏ nhưng mang đậm dấu ấn văn hóa của người H’Mông và Lô Lô.

Ngày nay, kiến trúc nhà ở truyền thống đang dần mai một do tác động của đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội, thay thế bằng nhà bê tông hiện đại, ảnh hưởng đến không gian, môi trường và làm phai nhạt giá trị văn hóa kiến trúc bản địa. Việc này dẫn đến nguy cơ mất bản sắc văn hóa và những kinh nghiệm xây dựng quý báu.

Do đó, cần nâng cao nhận thức về giá trị kiến trúc truyền thống miền núi phía Bắc và có giải pháp bảo tồn trong quá trình phát triển nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Hội thảo được kỳ vọng là diễn đàn khoa học nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và các giải pháp cải thiện không gian cư trú cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc; Thảo luận các định hướng phát triển bền vững phù hợp với điều kiện văn hóa - xã hội và đặc trưng sinh thái vùng miền; Thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và tổ chức phát triển cộng đồng; Định hướng tổ chức cảnh quan làng bản, làng các dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc, phục vụ phát triển du lịch tạo sinh kế cho người dân…

Tuyết Hạnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/phat-trien-ben-vung-khong-gian-cu-tru-cac-dan-toc-thieu-so-mien-nui-phia-bac-192250516130344989.htm
Zalo