Phát triển bền vững: Doanh nghiệp cần đầu tư và đón đầu cơ hội
Hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững chưa bao giờ dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những hành động mạnh mẽ để đạt được mục tiêu.Trong 'cuộc đua' xanh toàn cầu, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí, mà là sự đầu tư và đón đầu cơ hội.
Phát triển bền vững là nhu cầu cấp thiết
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2024 với chủ đề “Bồi đắp niềm tin, kiến tạo chuyển đổi” diễn ra vào ngày 10/9, đa số ý kiến đều cho rằng: Phát triển bền vững là nhu cầu cấp thiết và tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh người tiêu dùng đang rất quan tâm đến phát triển bền vững và có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh cho biết, tại Việt Nam hiện nay có các doanh nghiệp tiêu biểu như ngân hàng HSBC, Vinamilk, Greenfeed, Traphaco, PAN Group, Nestlé Việt Nam, Coca- Cola Việt Nam, Unilever Việt Nam,… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, phát thải thấp, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, xét trên bình diện tổng thể chung của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn có nhiều thách thức cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Theo Báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện và trình Chính phủ cuối tháng 7/2024, kết quả khảo sát diện rộng từ 2.734 doanh nghiệp cho thấy trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với 3 khó khăn lớn nhất là: nguồn vốn để thực hiện; nhân sự có chuyên môn và các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp...
Ông Vinh nhấn mạnh, đây là những rào cản cần được gỡ bỏ để khơi thông con đường chuyển đổi xanh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía cơ quan chức năng, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Trong hành trình hướng tới Net Zero, bên cạnh sự dẫn dắt, định hướng của cơ quan chức năng, sự sáng tạo, tham gia mạnh mẽ và thúc đẩy sự chuyển đổi trong cộng động doanh nghiệp là rất quan trọng. Điều này thể hiện qua việc thay đổi nhận thức; thay đổi mô hình kinh doanh và lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Lê Việt Anh cho rằng, hiện nay mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh vị lợi nhuận (business as usual) đã không còn là một lựa chọn tối ưu. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang kinh doanh “vị tự nhiên” (nature positive business). Theo đó, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn cân bằng đa dạng sinh thái… là những hướng đi tiên tiến của doanh nghiệp kinh doanh “vị tự nhiên”.
“Trong "cuộc đua" xanh toàn cầu, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí, mà là sự đầu tư và đón đầu cơ hội. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần định nghĩa lại về tiêu chuẩn thành công của doanh nghiệp ngày nay. “- ông Lê Việt Anh nhấn mạnh.
Lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam nhấn mạnh, phát triển bền vững và lợi nhuận tựa như hai mặt của một đồng xu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên coi đầu tư phát triển bền vững là chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận, vì thực hiện phát triển bền vững đúng cách, về lâu dài, doanh nghiệp sẽ gia tăng lợi nhuận. Trên cơ sở đó, muốn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần được định hướng ngay từ cấp lãnh đạo cao nhất.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Trà My - đồng sáng lập và là CEO tập đoàn PAN cho rằng, mấu chốt để thực hiện thành công phát triển bền vững là ý chí và quyết tâm của người đứng đầu. Khi đội ngũ lãnh đạo - đầu tàu hiểu được vai trò và tầm quan trọng của phát triển bền vững thì mọi việc mới thông.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cùng chung quan điểm rằng, cần cấy "gen" phát triển bền vững trong suy nghĩ của cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như cụ thể hóa mục tiêu này bằng nhiều hoạt động thiết thực và sáng tạo.
Ví dụ thực tế, để bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, Nestlé Việt Nam thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy; Coca - Cola Việt Nam thay thế chai nhựa bằng chai giấy; Mondelez Kinh Đô Việt Nam sử dụng bao bì bằng giấy và tái chế để tạo ra mô hình tuần hoàn, đồng thời sử dụng nguyên liệu đầu vào sản xuất là trứng gà từ các trang trại không nuôi nhốt dù giá thành đắt hơn 30% so với trứng gà nuôi nhốt…
Từ phía ngân hàng, ông Daniel Small, Giám đốc Bộ phận thu xếp nguồn vốn và tài chính bền vững, HSBC Việt Nam cho biết, HSBC đã sắp xếp khoản vay liên kết bền vững đầu tiên cho Gemadept - một doanh nghiệp cảng logistics và Mavin - một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam để hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của họ.
Bên cạnh đó, thông qua Quỹ Kinh tế mới trị giá 200 triệu đô la Mỹ tại Singapore nhằm hỗ trợ các công ty trong giai đoạn đầu phát triển, HSBC đã cung cấp khoản vay xã hội đầu tiên cho Gene Solutions, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học do quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ. Doanh nghiệp này chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả hợp lý tại Việt Nam và trong khu vực.
Đại diện HSBC cho rằng, các doanh nghiệp cũng có thể bắt đầu tìm hiểu các chứng chỉ và tiêu chuẩn quốc tế tự nguyện như FSC, Rainforest Alliance, LEED/EDGE…Những chứng chỉ và tiêu chuẩn này sẽ giúp đo lường và xác thực các hoạt động tốt mà họ thực hiện. Việc công bố thông tin ESG theo các hướng dẫn quốc tế có thể là một trong những bước để tăng tính minh bạch và toàn vẹn.
Theo ông Daniel Small, các công ty sau đó có thể tạo ra lộ trình phát triển bền vững/chuyển đổi với các mục tiêu ngắn hạn-trung hạn-dài hạn cụ thể phù hợp với lộ trình của Việt Nam hoặc thậm chí sớm hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm tài chính bền vững như sản phẩm liên kết bền vững.
“HSBC đánh giá rủi ro tín dụng và môi trường đang thay đổi và khách hàng là trọng tâm của sự thay đổi này. HSBC luôn hỗ trợ khách hàng trong hành trình chuyển đổi của chính họ. Chúng tôi thừa nhận rằng khởi đầu không dễ dàng và bản thân HSBC thực hiện hành trình này đã được vài năm. Chúng tôi có các sản phẩm từ tài trợ thương mại để hỗ trợ chu kỳ vốn lưu động, cho đến các khoản vay hợp vốn lớn và sản phẩm thị trường nợ (DCM), cũng như các chuyên gia trong ngành có thể chia sẻ kinh nghiệm và giúp hỗ trợ các khách hàng của chúng tôi trong hành trình của họ”- ông Daniel Small cho hay.