Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt, việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay.

Hơn 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị

Tại Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” do Tạp chí Kinh doanh tổ chức sáng ngày 28/8, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho biết, trong gần 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng, đây là lĩnh vực tạo ra tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.

Điều này phần nào khẳng định, việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo, trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 HTX nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên HTX là nông dân.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.

“Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 hiệp định thương mại đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân” - bà Vân nói.

Thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định; nhiều loại nông sản chính liên kết gắn với yêu cầu bảo đảm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị nông sản là một vấn đề lớn, một chủ đề quan trọng đối với tăng trưởng, phát triển bền vững của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp thực hiện chủ trương tái cơ cấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn, tăng trưởng duy trì ở mức cao - năm 2023 tăng 3,83%, cao hơn mức Chính phủ giao. 6 tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp tăng trưởng 3,38%, nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế (kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản). Sản lượng các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực như lúa, cà phê, cao su, trái cây, thủy sản ngày càng tăng.

Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương đê nâng cao giá trị sản phẩm; nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp đã được hình thành, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là nhiệm vụ cấp bách

Mặc dù vậy, phát triển nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại và thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; bảo vệ môi trường; phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao...

Từ những khó khăn trên, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục cơ cấu lại và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.

Xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 196 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa

Xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 196 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; trong đó có Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ trưởng nêu một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi; sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng… Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chia sẻ thêm, ngành Nông nghiệp cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất như: Hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn; khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với vai trò là người điều hành chuỗi cần chủ động tiếp cận và ký kết các bản ghi nhớ về liên kết; sau đó tiến tới ký kết hợp đồng chính thức với các hộ sản xuất trong vùng nguyên liệu đã quy hoạch, theo hướng hợp đồng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo lập niềm tin cho các hộ nông dân nuôi trồng, khuyến khích họ có trách nhiệm với việc nuôi trồng sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 196 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 -56 tỷ USD. Trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, với 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-ben-vung-chuoi-gia-tri-nong-san-la-van-de-song-con-trong-tai-co-cau-nong-nghiep-158220.html
Zalo