Phát triển bền vững cây mắc ca
Sau 25 năm bén rễ trên mảnh đất Sơn La, cây mắc ca đang trở thành một loại cây trồng bổ sung để khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu của tỉnh, phát triển thành cây lâm nghiệp đa mục tiêu, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và nâng độ che phủ rừng.
Định hướng đúng, trúng
Thực hiện việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh tầm nhìn đến năm 2030, ngày 7/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 253-KL/TU, với quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cây mắc ca trở thành loại cây đa mục tiêu, là cây chủ lực của địa phương, tăng hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; từng bước cơ cấu lại, ổn định, bền vững quy mô diện tích các loại cây trồng nông lâm nghiệp chủ lực của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc ban hành văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh trồng khoảng 5.000 ha cây mắc ca, thu hút đầu tư một nhà máy chế biến hạt mắc ca có quy mô, công suất, đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh. Đến năm 2030, toàn tỉnh trồng khoảng 10.000 ha cây mắc ca.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ phát triển cây mắc ca cấp tỉnh, phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận số 253-KL/TU và khâu nối, phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam về phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh Sơn La và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển mắc ca tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị; các doanh nghiệp, HTX và cá nhân, hộ gia đình về lợi ích của việc phát triển cây mắc ca để người dân biết, tham gia liên kết với các doanh nghiệp phát triển cây mắc ca trên tinh thần tự nguyện, lựa chọn địa bàn không chồng lấn các vùng trồng cây ăn quả, vùng cây công nghiệp của các địa phương; lựa chọn địa bàn phát triển cây mắc ca phù hợp, phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, lâu dài...
Hiệu quả bước đầu
Qua rà soát, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 16.163 ha đất rừng sản xuất không có rừng, giao cho các chủ rừng là cộng đồng quản lý kém hiệu quả. Đây là quỹ đất có thể bố trí khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư doanh nghiệp, HTX nghiên cứu phát triển cây mắc ca.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây mắc ca, huyện Quỳnh Nhai được chọn làm điểm triển khai trồng thử nghiệm mắc ca từ năm 2018. Đến nay, cây mắc ca đang được nhân rộng tại nhiều xã, bản, phủ xanh đồi đất trống, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, với tổng diện tích trên 305 ha; trong đó, khoảng 20 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở xã Mường Chiên, Mường Giôn, Chiềng Khay, Chiềng Khoang, Chiềng Ơn. Theo đánh giá, cây mắc ca thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt; trung bình 1 ha đang cho thu hoạch từ 7,5 - 8 tấn quả tươi; giá bán 70 nghìn đồng/kg quả loại 1; 30 nghìn đồng/kg quả loại 2, mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng mắc ca.
Gia đình ông Tẩn Văn Pặc, bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay trồng 3,2 ha cây mắc ca. Nhờ tích cực học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay, diện tích cây mắc ca của gia đình ông phát triển tốt. Ông Pặc phấn khởi nói: Năm nay, cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch hơn 3 tạ quả tươi, bán được 30 triệu đồng. Gia đình yên tâm sản xuất, bởi quả mắc ca được Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm. Năm nay, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng mắc ca.
Còn tại huyện Thuận Châu, trồng gần 300 ha cây mắc ca tại các xã Mường É, Phổng Lái, Phổng Lập, Púng Tra, Chiềng La, Nậm Lầu... Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Cây mắc ca phát triển tốt trên những diện tích đất đồi ở Thuận Châu. Đến nay, hơn 100 ha đã bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng trung bình 5-7 tấn/ha, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg quả tươi, bước đầu mang lại thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm, hứa hẹn là cây trồng đem lại nguồn sinh kế bền vững cho nông dân.
Đến nay, toàn tỉnh trồng trên 1.600 ha mắc ca, trong đó, 915 ha đã cho thu hoạch, năng suất trung bình khoảng 0,9 tấn/ha, sản lượng gần 823 tấn.
Phát triển bài bản, thận trọng, có lộ trình
Tổ chức, thực hiện chủ trương phát triển cây mắc ca theo hướng thận trọng, khoa học gắn với chuỗi giá trị lâm nghiệp từ trồng tới chế biến, tiêu thụ lâm sản và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện Dự án đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” cho sản phẩm mắc ca của tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ đã rà soát, lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học phát triển một số dòng cây mắc ca tại các huyện Quỳnh Nhai, Sốp Cộp giai đoạn 2022-2025. Ban hành Quyết định quy định kiểm soát sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La”.
Ngoài ra, tỉnh triển khai áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, như thuế suất ưu đãi; miễn thuế, giảm thuế; tiền thuê đất... và được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo Luật Thuê sử dụng đất phi nông nghiệp.
Đến nay, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận 3 nhà đầu tư dự án trồng cây mắc ca kết hợp với một số loài cây lâm nghiệp và một HTX rà soát quỹ đất xây dựng các dự án đầu tư phát triển cây mắc ca trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp.
HTX mắc ca Nà Ban, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn trồng hơn 40 ha cây mắc ca, trong đó, gần 10 ha cho thu hoạch. Ông Tạ Tiến Thường, Giám đốc HTX, chia sẻ: Trong 4 năm qua, HTX ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Đạt Thủy, xã Cò Nòi. Được Công ty cung ứng giống, hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành tạo tán nên cây mắc ca phát triển tốt, cho quả đồng đều, được Công ty cam kết thu mua với giá 70.000 đồng/kg quả đã tách vỏ, các thành viên HTX rất yên tâm sản xuất, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho sản phẩm mắc ca địa phương, gắn với quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ.
Các sở, ban, ngành của tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 253-KL/TU, phát triển cây mắc ca thận trọng, bài bản, có lộ trình; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển mắc ca hoàn thiện các thủ tục về đất đai; hoàn chỉnh hồ sơ giao đất cho doanh nghiệp đối với diện tích nằm ngoài quy hoạch rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất; nghiên cứu, xem xét, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX làm tốt vai trò đầu tàu dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ... Phấn đấu đến năm 2025, diện tích mắc ca của tỉnh đạt trên 5.000 ha; đến năm 2030, đạt khoảng 10.000 ha.