Phát thuốc 2 tháng/lần: Giảm quá tải bệnh viện, giảm thời gian chờ cho người dân

Phát thuốc 2 tháng/lần cho người bệnh mãn tính đã điều trị ổn định giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chờ khám đối với người dân.

Từ tháng 11-2024 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) áp dụng phát thuốc 2 tháng/lần cho người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm gan B, viêm mao mạch dị ứng, Parkinson...

Tổng số người bệnh đang khám và nhận thuốc theo hình thức này là khoảng 2.300 người. Con số này có xu hướng tăng dần theo thời gian.

Giai đoạn 2020-2023, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã triển khai hình thức phát thuốc tối đa 3 tháng/lần cho người bệnh điều trị ngoại trú.

Ông Lương Đức Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết tỉ lệ bệnh nhân nhận thuốc 2 tháng/lần phải quay lại tái khám trong vòng 50 ngày chiếm 3%. Các nguyên nhân chủ yếu là do xuất hiện tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn, cần điều chỉnh liều hoặc đổi thuốc, phát sinh triệu chứng bất thường...

97% còn lại trong tổng số khoảng 2.300 bệnh nhân được phát thuốc 2 tháng/lần đều điều trị an toàn, không cần phải tái khám trước khi đến đợt khám mới.

"Việc phát thuốc 2 tháng/lần giúp tiết kiệm thời gian đi lại, thời gian chờ khám đối với người dân, đặc biệt với người bệnh cao tuổi và người ở xa bệnh viện", ông Dũng nói.

 Phát thuốc 2 tháng/lần cho người bệnh mãn tính đã điều trị ổn định giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chờ khám của người dân. Ảnh minh họa: TT

Phát thuốc 2 tháng/lần cho người bệnh mãn tính đã điều trị ổn định giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chờ khám của người dân. Ảnh minh họa: TT

Cũng theo ông Dũng, chính sách này góp phần giảm đáng kể tần suất đến bệnh viện của người bệnh, đặc biệt trong các khung giờ vốn đông bệnh nhân là 8-10 giờ sáng và 13-15 giờ chiều, qua đó thuận lợi hơn cho công tác chuyên môn tại các khoa khám bệnh.

Khoảng 230.000 người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Nếu số người bệnh mãn tính đăng ký nhận thuốc 2 tháng/lần gia tăng thì hiệu quả giảm tải bệnh viện có thể còn cao hơn.

Ông Lương Đức Dũng

Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Theo Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, tình trạng quá tải tại một số bệnh viện lớn trên cả nước gây khó khăn cho người dân khi đi khám chữa bệnh. Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp khắc phục, đưa ra phương án giải quyết tình trạng này.

Theo đó, 2 ngành đã hướng dẫn các bệnh viện phát thuốc 2-3 tháng/lần cho người mắc các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp...) đã được điều trị ổn định.

"Từ 2 năm nay, BHXH Việt Nam đã đề xuất nhiều lần cách làm này và Bộ Y tế cũng đồng thuận. Tuy nhiên, chỉ rất ít bệnh viện áp dụng hình thức phát thuốc 2 tháng/lần sau COVID-19", ông Hòa cho biết.

Ngoài ra, theo Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, để giảm quá tải tại các bệnh viện lớn, bên cạnh việc kéo dài thời gian cấp phát thuốc cho người bệnh mãn tính thì cần nâng cao chất lượng cơ sở y tế tuyến dưới.

"Tuyến dưới khám chữa bệnh chất lượng, tinh thần thái độ phục vụ tốt thì người bệnh sẽ không phải lên tuyến trên để chờ đợi nữa; hoặc ngành y tế cần có chính sách luân phiên đưa bác sĩ về tuyến dưới khám chữa bệnh thì mới có thể giảm tải được cho tuyến trên", ông Hòa nói thêm.

Thí điểm kê đơn thuốc 3 tháng/lần với bệnh mãn tính

Giữa tháng 9-2024, tại một cuộc họp về công tác kê đơn thuốc điều trị ngoại trú đối với các bệnh mãn tính, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Việc triển khai thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú điều trị bệnh mãn tính kéo dài tối đa 90 ngày, thời gian thí điểm là 6 tháng, từ 1-10-2024 đến hết tháng 3-2025, giao giám đốc các bệnh viện ban hành danh mục thí điểm cho từng đơn vị.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có trách nhiệm đề xuất, lựa chọn các bệnh viện phù hợp đưa vào thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú dài ngày. Sau thí điểm, Cục sẽ đánh giá, tổng kết, đề xuất đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú một cách phù hợp.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn lưu ý việc áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú cần tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và các yếu tố khác, đặc biệt phải trên cơ sở đánh giá cụ thể của bác sĩ điều trị.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phat-thuoc-2-thanglan-giam-qua-tai-benh-vien-giam-thoi-gian-cho-cho-nguoi-dan-post849879.html
Zalo