Phát nguyện, cầu nguyện và phục nguyện khác nhau như thế nào?

GNO - Phát nguyện, cầu (kỳ) nguyện, phục nguyện, thứ nguyện, phổ nguyện có ý nghĩa khác nhau như thế nào? Mong được quý Báo giải thích tường tận.

(VICKY BÙI, Vicky...@gmail.com)

Bạn Vicky Bùi thân mến!

Phát nguyện là tự mình phát khởi một chí nguyện thiện lành với tâm thức tỉnh, tự giác, dũng mãnh và chân thành. Đơn cử như phát nguyện từ bỏ, chấm dứt một tật xấu nào đó của bản thân. Phát nguyện dấn thân tu học thành tựu giác ngộ và phụng sự chúng sinh v.v... Sự phát nguyện có thể đối trước lương tâm của chính mình, đối trước một bậc tôn kính (cha mẹ, thầy tổ), đối trước chư vị Phật Thánh. Trong đó, sự phát nguyện trước các bậc tôn kính hay Phật Thánh, cầu các Ngài chứng minh, gia hộ sẽ dễ thành công hơn. Lời phát nguyện nếu được gia cố bằng tâm tha thiết và chí thành, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp người phát nguyện đầy đủ sức mạnh, sự kiên định để vượt qua các trở ngại và hoàn thành chí nguyện.

Cầu (kỳ) nguyện là mong cầu và ước nguyện một thành tựu tốt đẹp cho bản thân, cho người hay sự việc nào đó. Như cầu nguyện cho bản thân làm ăn phát đạt, cầu mong cha mẹ mạnh khỏe, cầu nguyện thế giới hòa bình v.v… Cầu nguyện có thể tâm niệm, cũng có thể đọc thành tiếng rõ ràng. Cầu nguyện có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, cho mọi đối tượng. Trong Phật giáo, cầu nguyện còn là pháp hành. Thiền rải tâm từ là hành giả mở rộng lòng thương, nguyện cho mọi người, mong cho mọi loài được hạnh phúc, an vui. Nhờ rải lòng bi mẫn mà tâm từ được nuôi lớn, ngày càng phát triển.

Kỳ nguyện cũng chính là cầu nguyện nhưng thường dùng trong các khóa lễ Phật giáo. Bắt đầu khóa lễ, vị chủ lễ quỳ trước Tam bảo dâng hương cúng dường, sau đó bạch Phật chứng minh, tỏ bày tâm nguyện tổ chức buổi lễ và chí thành kỳ nguyện (cầu an, cầu siêu…). Kỳ nguyện có thể tâm niệm, cũng có thể đọc thành tiếng rõ ràng. Kết thúc khóa lễ là phục nguyện, hồi hướng.

Phục nguyện có nghĩa là lại nguyện; nghĩa của chữ phục là lại. Do trước buổi lễ đã kỳ nguyện, nay lặp lại thêm lần nữa lòng ước nguyện nên gọi là lại nguyện. Phục nguyện cũng chính là cầu (kỳ) nguyện. Chỉ khác cầu nguyện ở chỗ, cầu nguyện là mong cầu nói chung, còn phục nguyện là sau khi đã tu tập lễ Phật, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, ngồi thiền rồi đem công đức, phước báo có được hồi hướng cầu nguyện an, siêu. Phục nguyện có năng lực chuyển hóa mạnh mẽ hơn vì mang năng lượng thiện lành lớn đến cho các đối tượng cầu nguyện.

Thứ nguyện là những phần nội dung của phục nguyện. Có nhiều thứ nguyện trong phục nguyện. Đơn cử như chúng ta tổ chức lễ cầu an cho mẹ, nội dung phục nguyện chủ yếu là mong cho mẹ an lành. Sau đó nguyện thêm cầu an cho gia đình, anh em, bà con, dòng tộc; cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc. Nhân đó nguyện thêm cầu siêu cho ông bà, cửu huyền thất tổ được nương nhờ công đức mà tăng trưởng phước báo để sinh về cõi lành. Các nội dung nguyện thêm đều thuộc thứ nguyện.

Phổ nguyện là nguyện rộng lớn, phổ quát, nội dung cuối cùng của phục nguyện. Lời nguyện cầu rộng lớn như âm được siêu, dương được thái, các chúng sinh trong pháp giới mười phương đều được an vui, giác ngộ và giải thoát. Phổ nguyện còn thể hiện tâm lượng rộng rãi, bao trùm, vô phân biệt. Công đức, phước báo được chia sẻ càng nhiều thì càng thêm lợi ích, an vui.

Như vậy, ngoài phát nguyện thì cầu nguyện, kỳ nguyện, thứ nguyện, phổ nguyện đều mang ý nghĩa gần giống nhau, mong cầu sự tốt đẹp. Trong Phật giáo, có cầu nguyện mà không cầu xin, cầu nguyện phải là Thánh cầu. Cầu nguyện là mong kết quả tốt đẹp sau khi đã làm được những việc lành.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/phat-nguyen-cau-nguyen-va-phuc-nguyen-khac-nhau-nhu-the-nao-post73812.html
Zalo