Phạt nặng, không nương tay
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề xuất nâng mức phạt với hành vi cho thuê, mượn hoặc mua bán tài khoản ngân hàng lên 200 triệu đồng. Thông tin này được dư luận hoàn toàn ủng hộ, coi đây là vấn đề cấp bách cần thực hiện một cách quyết liệt trước vấn nạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng đang diễn ra nhức nhối, phức tạp.
Tài khoản ảo tiếp tay cho lừa đảo online
Theo Dự thảo lần 3 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đang được lấy ý kiến, việc mua bán, thuê, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng hoặc mua bán thông tin từ 1 - 10 tài khoản sẽ bị phạt từ 100 - 150 triệu đồng. Mức xử phạt tăng lên 150 - 200 triệu đồng khi có vi phạm tương tự, với số lượng từ 10 tài khoản ngân hàng trở lên, mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Số tiền phạt theo dự thảo mới tăng gấp 2 - 4 lần so với hiện hành. Mức phạt này được nâng lên trong bối cảnh có nhiều dịch vụ mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trên các mạng xã hội. Một số cá nhân mua, gom tài khoản ngân hàng, sim điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến rồi rao bán với giá tiền triệu cho các đường dây lừa đảo.

Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề cập phạt từ 200 - 250 triệu đồng khi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh. Mức phạt tương tự áp dụng khi có hành vi sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, giao dịch thanh toán khống... mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Trần Quang ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi hoàn ủng hộ việc nâng mức phạt. Tất cả vụ lừa đảo qua mạng đều mua bán tài khoản cá nhân hay sim điện thoại của người Việt, sau khi nạn nhân chuyển tiền thành công lập tức số tiền này được chuyển ra tài khoản nước ngoài". "Cần xử lý dứt điểm càng sớm, càng tốt vì lừa đảo quá nhiều. Thậm chí phạt tiền nặng hơn, truy tố tội hình sự nếu thấy có dấu hiệu tiếp tay lừa đảo” - anh Lê Nguyên, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc này NHNN phải làm từ lâu và phải mạnh tay hơn. “Hằng năm số tiền lừa đảo lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, cho nên ngoài phạt tiền ra còn có thêm chế tài cấm người mua, bán hoặc cho mượn tài khoản ngân hàng sử dụng tất cả dịch vụ của tất cả ngân hàng trong thời gian 1 năm đến nhiều năm” - tài khoản Ly Lê bình luận.
Ngày càng phức tạp, tinh vi
Hiện cả nước có gần 183 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và 120 triệu thuê bao di động. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại, sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.
Cuối năm 2024, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá ổ nhóm thuê, mua hơn 500 tài khoản ngân hàng tại nhiều ngân hàng khác nhau (bao gồm cả tài khoản cá nhân và tài khoản DN) để lừa đảo, rửa tiền. Sau khi thuê mở thành công tài khoản ngân hàng, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin tài khoản, sim điện thoại, email, quay lại video khuôn mặt của mình và làm theo các yêu cầu khác của các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.
Đầu năm 2025, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an các quận triệt phá, thu giữ tổng số hơn 15.600 sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động. Đáng chú ý, qua các vụ việc này, lực lượng Công an đã phát hiện có hơn 900 sim các loại đã bị sử dụng với mục đích vi phạm pháp luật.
Tội phạm mạng quốc tế đang lợi dụng lỗ hổng công nghệ, tâm lý người dân, và sự yếu kém trong nhận thức số để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Do đó, cần rà soát lại quy trình bảo mật thông tin người dùng của những cơ quan, tổ chức dịch vụ. Các ngân hàng cần tăng cường kiểm soát công tác hoạt động phát hành và sử dụng thẻ, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi sử dụng thẻ ngân hàng (đặc biệt là thẻ tín dụng) không đúng quy định pháp luật và kiểm soát các rủi ro, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, hiện nay việc mua, bán tài khoản ngân hàng sim điện thoại để thực hiện hành vi lừa đảo là một vấn đề đáng báo động. Chúng có thể xâm nhập thẳng vào các tài khoản facebook, hoặc gửi các đường link trên mạng xã hội để cài cắm các mã độc. Thậm chí gửi các mail chứa các đường link dẫn đến các web nhằm mục đích cướp tài khoản. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, cũng như triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng lan rộng. Không chỉ tài khoản ngân hàng, sim điện thoại, mà hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin về căn cước công dân/chứng minh Nhân dân của người dân diễn biến phức tạp.
Có ý kiến cho rằng, cần xử phạt nặng những người cho thuê, mượn hoặc mua, bán tài khoản ngân hàng. Song cũng có những trường hợp bị lộ thông tin cá nhân. Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng xấu sẽ bán thông tin cho các đối tượng khác để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.
Nâng cấp công nghệ ứng phó với tội phạm mạng
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sáng 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công an phối hợp với Bộ KH&CN, NHNN và các cơ quan, DN liên quan triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để tăng cường quản lý Nhà nước, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Các chuyên gia của BkAV đã từng cảnh báo nguy cơ lừa đảo deepfake (công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các hình ảnh, video hoặc âm thanh giả có thể bắt chước hoàn hảo giọng nói và ngoại hình của một cá nhân) trong giao dịch ngân hàng. Những kẻ xấu có thể lạm dụng công nghệ này để lừa đảo người dùng, thực hiện các giao dịch tài chính trái phép. Theo BkAV, dù các biện pháp xác thực sinh trắc học như nhận diện khuôn mặt, vân tay hay giọng nói đang được áp dụng rộng rãi song deepfake vẫn có thể lách qua những biện pháp bảo mật này. BkAV khuyến nghị các ngân hàng cần liên tục cập nhật các giải pháp công nghệ tiên tiến và kết hợp nhiều lớp bảo mật để chống lại các cuộc tấn công deepfake. Việc nâng cao nhận thức và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và khách hàng là rất quan trọng để bảo vệ an toàn tài chính trong kỷ nguyên số.
“Thời gian qua, cơ quan công an cảnh báo có rất nhiều đầu số 024, 028 gọi và nháy liên tục. Bên cạnh việc rà soát số chính chủ thì cần có chế tài quản lý chặt chẽ các nhà mạng. Đồng thời nên có chính sách quy định, tài khoản cá nhân tại ngân hàng nếu không còn tiền và không duy trì hoạt động một thời gian nhất định thì tự động xóa” - một chuyên gia tài chính chia sẻ quan điểm.
Về phía người dùng cần hết sức cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học. Người dùng cần thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch, không chia sẻ thông tin cá nhân và đề cao cảnh giác.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo: người dân cần nâng cao ý thức trong việc mở, sử dụng, quản lý tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân, tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho tặng, cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Hạn chế chia sẻ các thông tin, dữ liệu cá nhân như: hình ảnh căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản thanh toán... để tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ.