Phát minh độc đáo của sao Hollywood
Là ngôi sao điện ảnh quyến rũ, Hedy Lamarr còn khiến nhiều người thán phục khi thể hiện tài năng về sáng tạo kỹ thuật.
Chỉ bằng năng khiếu và tự học, bà đã phát triển công nghệ có thể giúp đánh chìm tàu ngầm Đức Quốc xã, đặt nền tảng quan trọng cho các hệ thống liên lạc sau này, như GPS, Bluetooth và wifi.
Đường vào điện ảnh
Hedy Lamarr, tên khai sinh là Hedwig Eva Kiesler, sinh tại Vienna (Áo) vào năm 1914, con độc nhất trong một gia đình Do Thái thế tục giàu có. Từ nhỏ, bà đã được học múa ballet, chơi đàn piano, cưỡi ngựa và ham thích những món đồ chơi công nghệ.
Lớn lên, Hedy muốn trở thành kỹ sư hoặc nhà khoa học nhưng con đường sự nghiệp này không dành cho các cô gái ở Vienna vào những năm 1930. Không được như ý nguyện, bà đặt mục tiêu vào lĩnh vực điện ảnh và quyết tâm trở thành một ngôi sao màn bạc.
Bắt đầu chỉ với tư cách là một cô gái viết kịch bản, nhưng rồi Hedy nhanh chóng được giao một số vai diễn phụ trong một số bộ phim đáng quên, trước khi nhận vai diễn chính ở tuổi 19 trong một bộ phim đặc sắc có cảnh nóng gây tranh cãi vào năm 1933, mang tên Ecstasy.
Sau đó, Hedy lọt vào mắt xanh của một nam tước buôn vũ khí giàu có người Áo tên là Fritz Mandl. Hai người kết hôn năm 1933, nhưng cuộc hôn nhân này đã ngột ngạt ngay từ đầu. Mandl là một người chồng gia trưởng, thường buộc vợ phải đi cùng khi ông ta thực hiện các giao dịch với khách hàng, bao gồm các quan chức của Đức Quốc xã và Phát xít Italy.
Năm 1937, Hedy chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình và rời khỏi nước Áo, quốc gia theo chính sách bài Do Thái của Adolf Hitler. Bà đến London, nơi nhà sản xuất phim Louis B. Mayer của hãng MGM Studios đang tìm các diễn viên Do Thái không còn có thể làm việc an toàn ở châu Âu để hợp đồng với thù lao thấp.
Hedy gặp Mayer, nhưng từ chối lời đề nghị không lấy gì làm mặn mà của ông ta. Sau đó, bà đặt vé đến Mỹ trên con tàu sang trọng SS Normandie, cũng chính là con tàu mà Mayer đang đi về quê nhà.
Đến New York, Hedy đã đạt được thỏa thuận tốt hơn nhiều với Mayer với điều kiện là bà phải nói được tiếng Anh trong sáu tháng. Mayer còn có một yêu cầu khác: Hedy phải đổi tên vì Hedwig Kiesler nghe có vẻ quá Đức, không phù hợp ở Mỹ lúc bấy giờ. Ông đề nghị tên của người diễn viên mới là Hedy Lamarr.
Không mất nhiều thời gian để Hedy nổi lên như một ngôi sao sáng giá ở Hollywood. Vai diễn đột phá của bà cùng với Charles Boyer (cũng là người di cư từ châu Âu) trong Algiers (1938) đã tạo được tiếng vang tại Kinh đô điện ảnh.
Ý tưởng sáng tạo từ… đàn piano
Mặc dù, Hedy rất thích danh vị ngôi sao Hollywood nhưng vẫn không quên sáng tạo kỹ thuật. Năm 1940, bị sốc trước những tin tức về các tàu ngầm của Đức Quốc xã tung hoành khắp Đại Tây Dương, bà quyết tâm góp phần vào nỗ lực chống lại chúng.
Bước ngoặt xảy ra khi Hedy gặp George Antheil - nhà soạn nhạc tiên phong, trong bữa tiệc tối. Cả hai nhận ra họ là những người đồng điệu, căm ghét Đức Quốc xã. Trong những lúc cùng trao đổi ý tưởng vào những buổi tối, Hedy và Antheil đã chơi một trò chơi âm nhạc. Họ ngồi bên cây đàn piano, một người bắt đầu chơi một bài hát nổi tiếng, người kia phải nhận ra giai điệu, tiết tấu của nó nhanh như thế nào và bắt đầu chơi theo.
Tại đây, Hedy và Antheil lần đầu tiên nảy ra ý tưởng về “nhảy tần số”. Nếu hai nhạc sĩ đang chơi cùng một bản nhạc, họ có thể “nhảy” xung quanh bàn phím một cách đồng bộ, hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu người kia không biết bài hát đó thì sẽ không biết phím nào sẽ được nhấn tiếp theo.
Nói cách khác, “tín hiệu” bị ẩn giấu trong những tần số thay đổi liên tục. Người Đức có thể dễ dàng gây nhiễu một tần số vô tuyến duy nhất, nhưng không thể làm điều đó với một “bản giao hưởng” tần số thay đổi liên tục.
Đối với bất kỳ ai tìm cách gây nhiễu tín hiệu, họ sẽ không biết nó ở đâu từ thời điểm này sang thời điểm tiếp theo, bởi vì nó sẽ “nhảy” khi được phát. Chính Hedy là người đã đặt tên cho hệ thống thông minh của họ là “nhảy tần số”.
Khi sáng chế nhảy tần của họ được hoàn thiện vào năm 1942 và được cấp bằng, Antheil đã trình bày sáng tạo này với Hải quân Hoa Kỳ nhưng không nhận được sự ủng hộ. Hai nghệ sĩ của làng giải trí quay trở lại công việc hằng ngày của họ và cho rằng đó là thời điểm kết thúc những ngày phát minh đầy thú vị. Họ không hề biết sáng chế này sẽ có đời sống thứ hai.
Khi điện thoại trên ô tô lần đầu tiên trở nên phổ biến vào những năm 1970, các nhà mạng đã sử dụng tính năng nhảy tần, cho phép hàng trăm người gọi chia sẻ phổ tần số vô tuyến hạn chế. Công nghệ tương tự cũng được triển khai cho các mạng điện thoại di động đầu tiên.
Đến những năm 1990, nhảy tần phổ biến đến mức nó trở thành tiêu chuẩn công nghệ, được Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) ứng dụng nhằm đảm bảo liên lạc vô tuyến an toàn. Đó là lý do tại sao Bluetooth, wifi và các công nghệ thiết yếu khác đều dựa trên cốt lõi của ý tưởng do Hedy Lamarr và George Antheil đưa ra.
Mãi đến khi Hedy ở tuổi 80, một nhóm kỹ sư mới nhận ra rằng “Hedwig Kiesler Mackay”, tên được ghi trong bằng sáng chế nhảy tần không ai khác chính là huyền thoại Hollywood, Hedy Lamarr. Hưởng niềm vui được tôn vinh không lâu, ngày 19 tháng 1 năm 2000, bà từ giã cõi đời thọ 86 tuổi.
Ngày 9/11/2015, nhân kỷ niệm sinh nhật 101 của Hedy Lamarr, Google đã chọn hình vẽ bà làm biểu trưng thanh tìm kiếm của hãng.
Theo History