Phát lộ mặt bằng ngôi chùa cổ sau khai quật khảo cổ tháp Mường Luân

Cuộc khai quật tháp Mường Luân đã làm phát lộ mặt bằng kiến trúc một ngôi chùa cổ và một số tượng Phật bằng kim loại, tiền kim loại; đồ dùng sinh hoạt…

Thông tin này được lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên cho biết tại cuộc họp báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tháp Mường Luân, chiều ngày 7/1.

Cuộc khai quật khảo cổ di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân được tiến hành từ tháng 12/2024. Với tổng diện tích 120m2, quá trình khai quật đã phát lộ gần như toàn bộ mặt bằng kiến trúc của ngôi chùa cổ, với tổng chiều dài móng lên tới hơn 14,2m, rộng 7,4m.

 Khu vực khai quật khảo cổ tháp Mường Luân. Ảnh: An Chi

Khu vực khai quật khảo cổ tháp Mường Luân. Ảnh: An Chi

Kết cấu móng của công trình bằng gạch, gia cố thêm bằng đá cuội và có tường gạch chịu lực. Tại không gian sau có phòng đặt tượng Phật và hai trụ đặt linh vật hai bên; phía trước chùa có bậc lên xuống.

Các dấu tích cho thấy ngôi chùa trước đây có mặt bằng khá quy mô; lối kiến trúc xây dựng theo hình chữ nhật. Đặc biệt, kết cấu móng của công trình khá kiên cố với chân móng rộng hơn mặt móng tới 40cm; cơ bản được xây từ 10 - 12 hàng gạch chồng xếp lên nhau.

Ngoài ra, đoàn khai quật còn phát hiện một số di vật, báo gồm vật liệu xây dựng bằng gạch; một số tượng Phật bằng kim loại, tiền kim loại; một số đồ dùng sinh hoạt…

Dựa vào loại hình gạch xây móng và những ghi chép còn lại, đoàn khai quật bước đầu nhận định công trình này được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Sau đó ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa ít nhất 1 lần.

Được biết, tháp cổ Mường Luân nằm trên địa bàn xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Công trình này được xây dựng theo hình bút tháp thân vuông, bên dưới to, thu nhỏ dần lên trên. Tháp có tổng chiều cao 15m, chia làm ba phần chính: chân tháp, thân tháp và ngọn tháp. Tháp được xây dựng bằng nguyên liệu gạch, vôi, vữa, cát và mật mía.

Toàn bộ kiến trúc của tháp cũng như trang trí hoa văn nổi bật nhất của tháp được thể hiện ở phần thân tháp. Nổi bật nhất là hình rồng cách điệu được đắp nổi tạo thành hình số 8 kép chạy quanh cây tháp, 4 mặt của tháp đều thể hiện 5 cặp rồng.

 Tháp cổ Mường Luân là công trình kiến trúc mang nét văn hóa, tôn giáo của dân tộc Lào tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: TL

Tháp cổ Mường Luân là công trình kiến trúc mang nét văn hóa, tôn giáo của dân tộc Lào tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: TL

Tất cả họa tiết, hoa văn trang trí trên tháp Mường Luân đều được làm bằng đất nung màu đỏ được phủ lên màu rêu phong của thời gian tạo cho tháp một nét đẹp cổ kính nổi bật.

Theo người dân bản Mường Luân 1, vào năm 1939 tại khu vực Mường Luân đã xảy ra trận động đất rất mạnh đã làm cho tháp bị nghiêng.

Năm 1991, tháp Mường Luân được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-lo-mat-bang-ngoi-chua-co-sau-khai-quat-khao-co-thap-muong-luan-post329437.html
Zalo