Phát huy vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Truyền đạt các chuyên đề tại Hội nghị Bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI (diễn ra 25-26/9), các báo cáo viên đều khẳng định sự cần thiết đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong tình hình mới và nhấn mạnh vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong quá trình đổi mới của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội; chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình; bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao… Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định một số yêu cầu cụ thể trong việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo đó đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội, tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đặc biệt là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ khâu quy hoạch, đào tạo, lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng, phê chuẩn, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật đến các điều kiện bảo đảm cần thiết khác.
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI hoạt động trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước, với nhiều cơ hội và khó khăn và tình hình diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong các nhiệm kỳ tiếp theo, việc tìm tòi và bồi dưỡng những người hiền tài là "nguyên khí quốc gia", là tinh hoa của dân tộc, tham gia đóng góp cho Quốc hội là một trong những công việc hết sức quan trọng.
Ngay từ những năm đầu của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt quan tâm vấn đề quy hoạch đại biểu Quốc hội, trong đó nhấn mạnh đến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội. Ngày 12/03/2024, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 757/KH-UBTVQH15 về Bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2024, trong đó đặc biệt quan tâm tới bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI.
Cụ thể hóa Văn kiện, nghị quyết của Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cho rằng, cần đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội; Tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp; Gắn trách nhiệm của đại biểu với đơn vị bầu cử và cử tri; Đồng thời đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Theo đó, cần tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ khâu quy hoạch, đào tạo, lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng, phê chuẩn, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật đến các điều kiện bảo đảm cần thiết khác.
“Cần có giải pháp đảm bảo số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo quy định (ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội), tạo lực lượng nòng cốt trong triển khai hoạt động của Quốc hội, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách. Chế định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần đầu tiên được thể chế hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 và luôn là vấn đề được quan tâm thảo luận, từng bước hoàn thiện qua 4 lần sửa đổi. Trải qua thực tiễn hơn 30 năm thi hành, đến nay có thể khẳng định việc xây dựng và phát triển đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách luôn là nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược trên con đường hướng tới một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội chuyên trách là trung tâm của quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, những đổi mới mạnh mẽ, thực chất trong các hoạt động của Quốc hội trong những năm gần đây đều gắn với việc phát huy vai trò tiên phong của đại biểu Quốc hội chuyên trách, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận và tranh luận”. Với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm, nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách đã sử dụng các phương thức đăng ký tranh luận, nêu vấn đề yêu cầu giải trình trực tiếp tại các phiên họp, tiến hành hỏi nhanh đáp gọn, đã tạo dấu ấn đậm nét, xây dựng hình ảnh tích cực trên các diễn đàn Quốc hội.