Phát huy vai trò tiên phong để xây dựng chương trình đào tạo chung

Thời gian qua, Đại học Huế đảm nhận vai trò xây dựng nhiều chương trình đào tạo chung cho các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế.

 Đại học Huế luôn chủ động trong xây dựng và phối hợp xây dựng chương trình đào tạo mới

Đại học Huế luôn chủ động trong xây dựng và phối hợp xây dựng chương trình đào tạo mới

Chủ trì xây dựng chương trình chung

Cuối năm 2023, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài ở bậc đại học. Chuẩn chương trình đào tạo đã được thông qua và có hơn 100 trường đại học, học viện trong cả nước triển khai theo chuẩn chương trình mới này.

Chuẩn chương trình được đánh giá cao khi các nội dung trang bị cho người học sau tốt nghiệp có kiến thức sâu rộng, năng lực ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài để giải quyết tốt các công việc thuộc các ngành nghề chuyên môn, như biên dịch, phiên dịch, du lịch, nghiên cứu ngôn ngữ, các lĩnh vực khác có sử dụng ngôn ngữ. Trang bị cho người học năng lực tự bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức của bản thân, nhu cầu phát triển của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế cho biết, có 2 vấn đề được quan tâm hiện nay trong đào tạo đại học chuyên ngữ là năng lực ngoại ngữ thứ 2 và lộ trình phát triển đội ngũ cho một số ngoại ngữ, như tiếng Nhật, tiếng Hàn… Đây không phải là ngoại ngữ truyền thống, nhưng đang đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, chương trình đào tạo này đặc biệt chú trọng chuẩn đầu ra, như chuẩn đầu ra ngoại ngữ phải đạt từ 5 - 6 theo khung năng lực đối với người Việt Nam. Với chuẩn đầu ra này, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng mà xã hội có thể an tâm.

Sau thành công của chuẩn chương trình đào tạo khối ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài ở bậc đại học, tháng 5/2024, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ xây dựng chương trình tương tự ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ (bậc sau đại học) để dùng chung cho toàn hệ thống các trường đại học trong cả nước.

Hiện tại, Trường đại học Ngoại ngữ gấp rút hoàn thiện các bước cuối cùng để nghiệm thu, ban hành chuẩn chương trình đào tạo. Chương trình dự kiến sẽ được áp dụng cho 31 cơ sở giáo dục đào tạo đại học toàn quốc đã được phép đào tạo khối ngành này ở bậc sau đại học. Được biết, chuẩn chương trình đào tạo bậc sau đại học khối ngành ngôn ngữ, văn hóa văn học nước ngoài vừa đảm bảo được các yêu cầu về kiểm định chương trình, vừa nâng cao tính tự chủ của các đơn vị.

Chương trình thạc sĩ Sinh thái Nông nghiệp tại Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã được đưa vào đào tạo được 3 năm (Ảnh minh họa)

Chương trình thạc sĩ Sinh thái Nông nghiệp tại Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã được đưa vào đào tạo được 3 năm (Ảnh minh họa)

Cơ hội để khẳng định vị thế

Cùng với chương trình đào tạo cho khối các ngành ngôn ngữ đang được gấp rút hoàn thiện, Đại học Huế đang đảm nhận xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ về Chính sách và Pháp luật môi trường, được áp dụng tại 3 nước Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam sau khi hoàn thiện.

Chương trình đào tạo này thuộc dự án CCP_Law do Liên minh châu Âu tài trợ. Với vai trò là điều phối viên, Đại học Huế chịu trách nhiệm quản lý, điều hành và tham gia vào tất cả hoạt động. Mục tiêu là phát triển chương trình giảng dạy mới về Chính sách và Pháp luật môi trường; hướng đến xây dựng chương trình đào tạo có thể giải quyết những thách thức mà hệ thống giáo dục đại học ở Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam đang phải đối mặt; nâng cao trình độ năng lực, kỹ năng trong hệ thống giáo dục đại học bằng cách phát triển chương trình giáo dục dựa trên công nghệ thông tin - truyền thông mới.

Trước đó, nằm trong chương trình Erasmus+ do Liên minh châu Âu tài trợ, sau 3 năm, Đại học Huế đã hoàn thành xây dựng và đưa vào đào tạo chương trình thạc sĩ Sinh thái Nông nghiệp tại Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Chương trình được triển khai đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật về lĩnh vực sinh thái nông nghiệp; đáp ứng yêu cầu xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu. Người học sau khi học xong sẽ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoạt động chuyên môn về sinh thái nông nghiệp và có thể làm việc ở môi trường quốc tế.

Trở lại việc xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo do Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đảm nhận, PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, chuẩn chương trình đào tạo khối ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài ở các cấp đào tạo được áp dụng là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, thẩm định, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo; ban hành các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, đảm bảo khung năng lực và yêu cầu chung về nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ hiện nay, nhất là khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng. Với uy tín về chuyên môn và chất lượng đào tạo thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng này cho Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho rằng, việc được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đối tác quốc tế tin tưởng giao nhiệm vụ và phối hợp để xây dựng chuẩn chương trình và các chương trình đào tạo mới, mang tính đón đầu xu hướng, đã phần nào khẳng định được vai trò và vị trí của đơn vị. Đại học Huế đang là một trong ba Đại học vùng, định hướng sẽ trở thành Đại học Quốc gia trong thời gian ngắn nữa, nên tính tiên phong trong các nhiệm vụ được Đại học Huế đặt mục tiêu phát huy hơn nữa; trong đó, việc chủ động xây dựng, cũng như phối hợp để xây dựng các chương trình đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội là tiền đề để Đại học Huế tiếp tục thể hiện vai trò của mình.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/phat-huy-vai-tro-tien-phong-de-xay-dung-chuong-trinh-dao-tao-chung-143038.html
Zalo