Phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển sản phẩm OCOP

Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Lớp tập huấn đã cung cấp các nội dung liên quan đến việc xây dựng mô hình cụ thể mang tính liên kết; hướng dẫn giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Chị Phạm Thị Bích Thủy, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Sen Đông Hòa (phải) giới thiệu các sản phẩm hạt sen khô sấy giòn và bột hạt sen đạt tiêu chuẩn OCOP đến khách hàng. Ảnh: CTV

Chị Phạm Thị Bích Thủy, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Sen Đông Hòa (phải) giới thiệu các sản phẩm hạt sen khô sấy giòn và bột hạt sen đạt tiêu chuẩn OCOP đến khách hàng. Ảnh: CTV

Mỗi địa phương đều có sản phẩm tiềm năng

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các sản phẩm OCOP Phú Yên rất đa dạng, từ thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn…, trong đó nhóm hàng thực phẩm chiếm số lượng nhiều nhất. Hầu hết sản phẩm có nguyên liệu từ ngành Nông nghiệp, do chính nông dân, ngư dân, diêm dân, các HTX, doanh nghiệp địa phương làm ra với chất lượng tốt, mang tính đặc trưng cho từng vùng.

Thực tế cho thấy, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh đều có sản vật đặc trưng nên chị em chỉ cần thay đổi cách nhìn, thay đổi tư duy, tiếp cận thông tin và biết khai thác từ nguồn lợi thủy hải sản, cây trồng, vật nuôi… đều có thể chế biến thành sản phẩm độc đáo, cho giá trị kinh tế cao.

Năm 2024, Phú Yên có 351 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 341 đạt chuẩn 3 sao. Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, ngoài việc giúp khẳng định thêm về chất lượng, thì đây cũng là bước đệm giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn cũng như sản phẩm nhận thêm sự quan tâm, hỗ trợ từ chương trình để giúp các chủ thể có thêm động lực đầu tư, mở rộng cơ sở và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Minh Thùy, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Kinh tế (Hội LHPN tỉnh) khẳng định: Ngày càng có nhiều điển hình nữ quản lý các HTX, doanh nghiệp, hội viên phụ nữ được đào tạo, trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp. Cùng với tinh thần mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương, các chị đã thực hiện tốt phương châm “Ly nông bất ly hương”. Với những dự án khởi nghiệp mang lại hiệu quả, nhiều chị đã góp phần bảo tồn nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cần nhiều hơn về kỹ năng và thái độ

Theo bà Đặng Thị Thủy, khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa nói riêng yêu cầu ba yếu tố chính là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, thái độ của người khởi nghiệp rất quan trọng. Sự kiên trì và quyết tâm trong việc theo đuổi ý tưởng kinh doanh, cùng với tâm lý đón nhận thất bại và học hỏi từ nó sẽ giúp họ vượt qua khó khăn trong quá trình khởi nghiệp để đi đến thành công.

Tham dự lớp tập huấn, chị Hồ Thị Bích Loan, chủ cơ sở sản xuất sữa chua Kim Loan (thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa) chia sẻ hành trình khởi nghiệp của mình. Chị Loan cho biết mình từng bán quần áo, giày dép ở chợ nhưng do việc mua sắm online phổ biến cộng với buôn bán ở chợ truyền thống mấy năm nay gặp khó nên chị đã sang sạp hàng và tìm hướng kinh doanh khác để vừa làm việc vừa chăm sóc con cái. Chị bắt đầu kinh doanh từ việc làm và bán sữa chua ở chợ với mong muốn kiếm thêm mỗi tháng 1-2 triệu đồng phụ kinh tế với chồng. Được khoảng 1 năm, nhờ sản phẩm chị làm chất lượng nên lượng đơn đặt hàng càng tăng. Chỉ trong 5 năm, sản phẩm sữa chua do chị Loan sản xuất có mặt ở nhiều tỉnh thành lân cận. Hiện mỗi ngày chị làm hơn 10.000 hũ sữa chua và thuê 8 công nhân làm việc thường xuyên. Công việc này mang về cho chị vài chục triệu đồng lợi nhuận mỗi tháng. Tham dự hội nghị, chị Loan muốn tìm hiểu thông tin để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP để nâng cao uy tín cho sản phẩm, cũng như xây dựng tiền đề để tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm khác trong thời gian tới.

Là một trong những thành viên khởi nghiệp với sản phẩm kem đánh răng và sữa rửa mặt từ thảo dược, chị Hồ Thị Anh Đào (phường 5, TP Tuy Hòa) tham dự hội nghị với mong muốn tìm kiếm các kênh kết nối quảng bá, phân phối sản phẩm và nhờ chuyên gia định hướng hướng đi phù hợp trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. “Tất nhiên, tiếp theo sau đó, tôi phải chủ động tìm phương án kinh doanh phù hợp với sản phẩm của mình và phải tự mình nỗ lực để tìm chỗ đứng trên thị trường, nhưng những sự hỗ trợ ban đầu lúc mọi thứ còn bỡ ngỡ, lúng túng là vô cùng cần thiết”, chị Đào cho biết.

Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy giá trị văn hóa của địa phương, bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian tới, hội LHPN các cấp sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho phụ nữ về phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có chương trình OCOP; tích cực triển khai chương trình OCOP gắn với Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, Đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030; tăng cường kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế số cho phụ nữ nông thôn.

Năm 2024, Phú Yên có 351 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 341 đạt chuẩn 3 sao. Phú Yên tiếp tục đề ra các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển bền vững hơn cho các sản phẩm OCOP trong tương lai.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/323928/phat-huy-vai-tro-phu-nu-trong-phat-trien-san-pham-ocop.html
Zalo