Phát huy vai trò giám sát của đại biểu HĐND trong thực hiện chính sách, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân

Thực tế tại một số địa phương, tình trạng chậm thực hiện chính sách, chế độ cho cán bộ không chuyên trách tại cơ sở sau khi nghị quyết HĐND tỉnh được ban hành còn diễn ra khiến người dân, cử tri bức xúc, kiến nghị.

Cử tri kiến nghị về chậm chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách cơ sở trong khi nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành có hiệu lực

Cử tri kiến nghị về chậm chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách cơ sở trong khi nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành có hiệu lực

Tham dự tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các Tổ đại biểu HĐND tỉnh mới đây tại các địa phương, chúng tôi lắng nghe ý kiến chính đáng, tâm huyết của cử tri gửi gắm, kiến nghị đến Đoàn ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh trước và sau mỗi kỳ họp. Ý kiến từ cử tri kiến nghị rằng có đại biểu HĐND thực hiện trách nhiệm giám sát chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa hiệu quả, một số địa phương còn quá chậm thực thi chế độ trong khi nghị quyết HĐND đã ban hành và có hiệu lực cả hơn một năm…

Mới đây, cử tri Phường 9 và một số phường trên địa bàn TP Đà Lạt, Đức Trọng… phản ánh việc chi trả phụ cấp cho cán bộ chi hội trưởng các chi hội còn chậm, điển hình như cán bộ chi hội khuyến học không có phụ cấp; hoặc các chi hội người cao tuổi, phụ nữ…

Trong khi đó, tại huyện vùng sâu, vùng xa Cát Tiên và một số địa phương khác lại thực hiện khá tốt. Cụ thể là chế độ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, về mức phụ cấp, khoản 1 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau: Đơn vị hành chính cấp xã loại I được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở; Đơn vị hành chính cấp xã loại II được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở; Đơn vị hành chính cấp xã loại III được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở.

Nghị quyết số 264/2023/NQ-HĐND quy định: “Người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng (bao gồm Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế) và phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở”. Như vậy, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bao gồm kinh phí do cơ quan sử dụng lao động (UBND cấp xã) đóng và phần kinh phí do người lao động (người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) đóng.

Về chế độ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, Nghị quyết số 264/2023/NQ-HĐND quy định mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tùy theo quy mô về số hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố.

Về chế độ đối với những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp theo quy định tại Nghị quyết số 264/2023/NQ-HĐND. Trong trường hợp ở thôn, tổ dân phố chưa bố trí đủ chức danh, kinh phí dôi dư được ưu tiên chi trả phụ cấp tăng thêm cho người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, hỗ trợ kinh phí hoạt động của thôn, tổ dân phố theo phương án đã được thống nhất giữa trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố (có biên bản họp thống nhất của các bên)...

Có thể nói, từ việc kịp thời hướng dẫn, ban hành văn bản và chi trả trợ cấp chế độ, chính sách kịp thời, trong thời gian qua tại huyện Cát Tiên và một số địa phương khác trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc ổn định, động viên, khích lệ tinh thần làm việc, cống hiến của đội ngũ cán bộ không chuyên trách cơ sở, góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Theo đó, có thể hiểu trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri và Nhân dân được thể hiện ở việc giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.

Theo đó, đối với cử tri đại biểu HĐND có trách nhiệm phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương.

Điều quan trọng nhất vẫn là mỗi đại biểu HĐND, khi được cử tri tín nhiệm, cần phải luôn có “cái tâm”, thật sự hiểu rõ những bức xúc, quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp Nhân dân thì mới có thể đầu tư công sức, trí tuệ, đi sâu, đi sát tìm hiểu ngọn ngành mọi vấn đề cũng như mạnh dạn phát biểu tại các diễn đàn HĐND. Có như vậy, đại biểu HĐND mới thật sự nêu cao vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202410/phat-huy-vai-tro-giam-sat-cua-dai-bieu-hdnd-trong-thuc-hien-chinh-sach-dam-bao-quyen-loi-chinh-dang-cho-nguoi-dan-fb102dd/
Zalo