Phát huy vai trò của tổ truyền thông cộng đồng: Nhìn từ một hội thi

Không chỉ là câu chuyện bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hay là một vấn đề của một cộng đồng, những phần thi của 19 đội thi trên địa bàn huyện Bát Xát cũng chính là sự phản ánh rõ nét nhất những vấn đề cấp thiết về phụ nữ và trẻ em đang tồn tại ở các bản làng, cần cách thức hiệu quả để giải quyết.

 Quang cảnh hội thi.

Quang cảnh hội thi.

Trong 2 ngày (21 - 22/11), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bát Xát tổ chức Hội thi liên hoan các mô hình sáng tạo, xóa bỏ định kiến giới, phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em năm 2024.

 Tiết mục mang hơi thở cuộc sống ở vùng cao.

Tiết mục mang hơi thở cuộc sống ở vùng cao.

Để mang đến hội thi tiết mục hấp dẫn, sau khi bàn bạc, thống nhất, đội thi xã Tòng Sành lựa chọn tiểu phẩm với chủ đề “Phụ nữ tiếp cận y tế, chăm sóc sức khỏe”. Tiểu phẩm được xây dựng từ một câu chuyện đã và đang quẩn quanh trong cộng đồng người Dao về việc phải sinh con trai để nối dõi. Có lẽ, các thành viên của đội thi đã quen thuộc với câu chuyện này nên việc nhập vai rất thuận lợi, tự nhiên.

 Thông điệp được gửi gắm sau mỗi tiểu phẩm.

Thông điệp được gửi gắm sau mỗi tiểu phẩm.

Chị Triệu Thị Lưu ở thôn Tả Tòng Sành là thành viên của đội thi và được nhập vai mẹ chồng. Bởi nhận thức còn hạn chế, bị tư tưởng cũ ăn sâu vào nhận thức nên bà mẹ luôn thúc ép vợ chồng con trai phải sinh bằng được con trai và hạn chế sự tham gia các hoạt động xã hội của con dâu. Nhờ có cán bộ y tế thôn bản, cán bộ hội phụ nữ đến tuyên truyền, giải thích, người phụ nữ Dao ấy mới có cái nhìn khác, tiến bộ, văn minh hơn. Bà hiểu chính phụ nữ phải giúp nhau “cởi” sợi dây hủ tục để vươn lên, được sống vui vẻ, hạnh phúc.

Sự thể hiện tốt ở các phần thi cùng phong cách diễn tự nhiên, thông điệp rõ ràng đã giúp đội thi xã Tòng Sành đạt giải Nhất hội thi. Chị Triệu Thị Lưu cho biết, quá trình tìm hiểu, tập luyện và tham gia giao lưu đã giúp chị cũng như các thành viên của các tổ truyền thông cộng đồng có thêm thông tin, kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, đóng góp tiếng nói cho sự phát triển của cộng đồng.

Chị Tẩn Tả Mẩy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tòng Sành chia sẻ: Tòng Sành là địa bàn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trước đây, khái niệm về kế hoạch hóa gia đình, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản của phụ nữ Dao còn hạn chế. Đội thi không chỉ đề cập đến vấn đề cấp thiết về giới đang tồn tại mà còn đóng góp tiếng nói để góp phần xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.

Còn đội thi xã A Lù mang đến tiết mục về câu chuyện bất bình đẳng giới trong một gia đình người Mông. Người chồng trong câu chuyện thường có những cơn say ngày nối ngày, lại thêm lối mòn ăn sâu trong nhận thức nên luôn kìm hãm vợ và con gái, với việc không cho con đi học, vợ không được lên tiếng tham gia vào chuyện gia đình.

Anh Vàng A De, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cán Cấu và cũng là thành viên của đội thi xã A Lù cho hay: Việc gỡ nút thắt của gia đình người Mông trong tiểu phẩm cũng chính là gỡ hủ tục trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Do vậy, thành viên tổ truyền thông cộng đồng cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong nâng cao nhận thức cho bà con.

Là năm thứ 2 tổ chức, hội thi vẫn tiếp tục cho thấy sức hút với sự tham gia sôi nổi, hết mình của 19 đội thi đến từ các xã, thị trấn. Thành viên của các đội cũng là những nhân tố tích cực trong các tổ truyền thông cộng đồng. Tham gia hội thi, các đội lần lượt trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và diễn tiểu phẩm.

 Phần thi kiến thức.

Phần thi kiến thức.

Mỗi phần thi đều phản ánh được sự chuẩn bị, trình độ, năng lực và kỹ năng của thành viên các tổ truyền thông cộng đồng. Hội thi đã khép lại thành công, Ban tổ chức trao 3 giải chuyên đề, 13 giải Khuyến khích, 3 giải Ba, 2 giải Nhì và 1 giải Nhất.

Việc trao giải không chỉ để ghi nhận kết quả, động viên sự nỗ lực của các đội thi mà hơn cả là tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các địa phương, tiếp thêm kiến thức, kỹ năng, lan tỏa những thông điệp giá trị và đặc biệt là khơi dậy vai trò, tinh thần trách nhiệm của thành viên các tổ truyền thông trên địa bàn.

 Trao giải Nhất cho đội thi xã Tòng Sành.

Trao giải Nhất cho đội thi xã Tòng Sành.

Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới. Toàn huyện có 20 xã, 1 thị trấn, trong đó 10 xã biên giới, 12 xã đặc biệt khó khăn; 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 83%. Trên thực tế, tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn tồn tại một số hủ tục, định kiến về khuôn mẫu giới; các vấn đề xã hội cấp thiết như bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ, trẻ em… vẫn có nguy cơ xảy ra.

 Trao giải Nhì cho các đội thi.

Trao giải Nhì cho các đội thi.

Triển khai thực hiện Dự án 8 về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, toàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động của gần 70 tổ truyền thông cộng đồng.

 Trao giải Ba cho các đội thi.

Trao giải Ba cho các đội thi.

Để nâng cao năng lực vận hành của tổ truyền thông, Hội Phụ nữ huyện Bát Xát đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tập huấn. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.500 người, trong đó phần lớn là thành viên tổ truyền thông cộng đồng được truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tiếp đó, Hội Phụ nữ huyện tổ chức sân chơi thiết thực, hiệu quả là Hội thi liên hoan các mô hình sáng tạo, xóa bỏ định kiến giới, phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em năm 2024.

Hoạt động được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bát Xát có cơ hội bình đẳng, vươn lên.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phat-huy-vai-tro-cua-to-truyen-thong-cong-dong-nhin-tu-mot-hoi-thi-post393775.html
Zalo