Phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai

Trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã chủ trì Chương trình Đối thoại với thanh niên.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì Chương trình Đối thoại với thanh niên. Ảnh: Ly Na

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì Chương trình Đối thoại với thanh niên. Ảnh: Ly Na

Với chủ đề: “Tăng cường giáo dục truyền thống, đạo đức, văn hóa cho thanh thiếu nhi”, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến nhiều vấn đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai.

Quan tâm đến vấn đề văn hóa

Là một trong những thanh niên đồng bào dân tộc Chăm tham gia Chương trình Đối thoại, chị A Mi Roh (huyện Long Thành) quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trước tốc độ đô thị hóa, bùng nổ thông tin hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ khiến văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm nói riêng và các dân tộc nói chung, đang đứng trước những thách thức lớn. Chị A Mi Roh đặt vấn đề thời gian tới Đồng Nai có những chính sách và phương hướng nào để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Hồng Ân cho hay, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số thời gian qua luôn các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Đồng Nai đã ban hành, triển khai nhiều đề án liên quan đến phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ngành văn hóa đã tổ chức sưu tầm, kiểm kê các hiện vật liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần đồng bào; tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào Chơro, Mạ; mở các lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào Chăm, Chơro; thực hiện mô hình du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

“Ngày 12-12-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trong cho sự phát triển toàn diện và bền vững. Nghị quyết có rất nhiều nội dung liên quan đến các dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở quan trọng để Đồng Nai thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong thời gian tới” - ông Ân cho biết.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được các cấp, các ngành quan tâm, song trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều di tích xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo.

Chị A Mi Roh, dân tộc Chăm, huyện Long Thành đặt câu hỏi tại chương trình đối thoại. Ảnh: Ly Na

Chị A Mi Roh, dân tộc Chăm, huyện Long Thành đặt câu hỏi tại chương trình đối thoại. Ảnh: Ly Na

Chị Trần Thị Thắm (Thành đoàn Biên Hòa) quan tâm đến lộ trình trùng tu, tôn tạo di tích và những giải pháp để phát huy giá trị di tích, đưa di sản đến gần với người trẻ.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028. Theo đó, sẽ có 13 di tích quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Với các di tích phát sinh các nguyên nhân gây xuống cấp, các sở, ngành, đơn vị, địa phương được phân cấp quản lý có thể linh hoạt đưa vào kế hoạch tu sửa cấp thiết theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh: “Để đưa di tích đến với nhân dân, nhất là thanh thiếu nhi, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bảo tồn và phát huy giá trị di sản được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện. Từ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu giá trị văn hóa di tích đến mã hóa địa chỉ đỏ, xuất bản ấn phẩm di tích, xây dựng tour tham quan di tích bằng công nghệ số… Qua đó, quảng bá và lan tỏa di sản trong các tầng lớp nhân dân”.

Bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN MINH KIÊN cho biết: “Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội rất quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Trong đó, đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số cũng được quan tâm, chăm lo, đồng hành để thanh niên dân tộc tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu, những thiết chế văn hóa có sự quan tâm đầu tư để duy trì hoạt động, tổ chức đa dạng các sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi”.

Không ngừng trang bị kiến thức, kỹ năng

Liên quan đến sử dụng mạng xã hội, chị Võ Thị Ngọc Bích (Trường trung học phổ thông Hoàng Diệu, thành phố Long Khánh) bày tỏ, mạng xã hội được ví như “con dao 2 lưỡi” tiềm ẩn hiểm họa khó lường đối với thanh thiếu niên. Những biện pháp nào để quản lý thông tin giúp thanh niên bảo vệ, phòng tránh, cũng như các chế tài đã thực hiện để răn đe những cá nhân cố tình vi phạm, lan truyền những thông tin không chính thống.

Trả lời câu hỏi của chị Ngọc Bích, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, một trong những biện pháp được triển khai là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thanh niên, bằng nhiều hình thức, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan để cảnh báo; trang bị kỹ năng cho thanh niên để họ nhận diện được các thông tin xấu, độc; phát huy tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, thanh niên cần cập nhật thông tin ở các báo, đài, các trang mạng chính thống… Riêng về chế tài, với các hành vi vi phạm liên quan, cơ quan chức năng sẽ căn cứ xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên lĩnh vực quản lý nhà nước, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông cho rằng, đoàn viên thanh niên cần nhận thức rõ vai trò an toàn thông tin trong thời đại số. Khi sử dụng mạng xã hội, người trẻ luôn ý thức, thái độ và văn hóa sử dụng mạng xã hội tích cực; tự trang bị kiến thức và cập nhật thông tin. Trên không gian ảo phải luôn chủ động kiểm chứng, xác thực thông tin.

Lực lượng nòng cốt phát huy giá trị văn hóa

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai là tỉnh có quy mô lớn, văn hóa đa dạng, có địa kinh tế - chính trị - văn hóa trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với những giá trị riêng biệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ phát huy các giá trị văn hóa, con người Đồng Nai cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức mà thanh niên là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị vốn có của vùng đất này.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức giao Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tập trung các giải pháp xây dựng con người Đồng Nai, trong đó chú trọng đối tượng đoàn viên thanh niên, phát triển toàn diện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần xây dựng môi trường và đời sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên phong phú, lành mạnh. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các chương trình, kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức bày tỏ tin tưởng thế hệ trẻ Đồng Nai sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại. Thông qua học tập, lao động và rèn luyện, tuổi trẻ hôm nay ngày càng hoàn thiện mình, thật sự là lớp người mới có đạo đức cách mạng, có tâm hồn trong sáng, có trí tuệ, hiểu biết, sống có hoài bão, lý tưởng, có nghề nghiệp vững vàng, cống hiến xứng đáng cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202409/phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-trong-xay-dung-van-hoa-con-nguoi-dong-nai-5c900d7/
Zalo