Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã và đang tích cực tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

 Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các ý kiến góp ý không chỉ tập trung vào những điểm sửa đổi cụ thể trong dự thảo mà còn làm nổi bật vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục hoàn thiện thể chế và tinh gọn bộ máy nhà nước.

Theo đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, dự thảo lần này tuy chỉ sửa đổi một số điều nhưng có ý nghĩa quan trọng, trong đó đáng chú ý là những nội dung liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và việc sắp xếp tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội. Việc bổ sung quy định Mặt trận là một bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã nâng tầm vị thế, khẳng định vai trò trung tâm của Mặt trận trong đời sống chính trị - xã hội đất nước.

Đồng chí nhấn mạnh: Trong đó các nội dung quan trọng được sửa đổi tại khoản 1 Điều 9 khẳng định “Mặt trận Tổ quốc là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” và khoản 2 Điều 9 quy định: “Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Đây là những nội dung sửa đổi quan trọng khẳng định vai trò, vị trí, cơ chế hoạt động của MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị có các tổ chức thành viên trực thuộc là các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác, đồng thời các nội dung sửa đổi như trên cũng cần thiết và phù hợp để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên thống nhất hoạt động đảm bảo hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.

 Đại biểu Đinh Thị Chuyên San cho rằng việc không quy định chi tiết là hợp lý, song cần bổ sung bắt buộc phải lấy ý kiến nhân dân địa phương khi chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính...

Đại biểu Đinh Thị Chuyên San cho rằng việc không quy định chi tiết là hợp lý, song cần bổ sung bắt buộc phải lấy ý kiến nhân dân địa phương khi chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính...

Một điểm mới quan trọng trong dự thảo là quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức trực thuộc Mặt trận và hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận. Đây được xem là bước tiến mang tính hệ thống, góp phần tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo trong hoạt động và tăng cường hiệu lực điều phối trong hệ thống chính trị.

Đại biểu Hoàng Ngọc Đường, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn, đề nghị bổ sung thêm nội dung “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật việt Nam, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...”. Vì Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức Việt Nam, không nên xếp chung vào các tổ chức xã hội khác.

Dự thảo lần này cũng lần đầu tiên khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề xuất và trình các dự thảo luật. Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa cho rằng, điều này thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ vai trò phối hợp sang chủ động tham gia vào hoạt động lập pháp – một bước tiến quan trọng để Mặt trận khẳng định thực quyền, gắn kết chặt chẽ hơn với quá trình hoạch định chính sách.

 Các hội thảo thu hút được nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 của đại biểu.

Các hội thảo thu hút được nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 của đại biểu.

Tuy nhiên, để cơ chế hoạt động đạt hiệu quả cao, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần luật hóa cụ thể cơ chế phối hợp, phân công rõ vai trò chủ trì – phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên. Ông Triệu Đức Lân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh kiến nghị: “Phải cụ thể hóa cơ chế chủ trì của Mặt trận để phát huy tính chủ động của từng tổ chức thành viên. Đồng thời, cần có cơ chế pháp lý rõ ràng và đủ mạnh để chức năng giám sát, phản biện xã hội được thực hiện thực chất, khắc phục tình trạng né tránh, hình thức”.

Liên quan đến nội dung sửa đổi tại Điều 110 của dự thảo về đơn vị hành chính, đại biểu Đinh Thị Chuyên San, thành viên Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng việc không quy định chi tiết là hợp lý, song cần bổ sung bắt buộc phải lấy ý kiến nhân dân địa phương khi chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính. Bà nhấn mạnh: “Việc lấy ý kiến nhân dân là biểu hiện rõ nét quyền làm chủ ở cơ sở. Thực tế đã cho thấy, người dân có rất nhiều ý kiến tâm huyết, phản ánh sâu sắc về lịch sử, địa lý và văn hóa vùng đất mà các cơ quan có thẩm quyền cần phải lắng nghe”.

Có thể thấy, các góp ý từ địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời làm rõ thêm các luận cứ lý luận và thực tiễn trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Trong đó, nổi bật là việc khẳng định rõ ràng và toàn diện hơn vai trò trung tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết quyền làm chủ của Nhân dân với hoạt động của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò tích cực trong giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng thể chế trong giai đoạn mới./.

Duy Khánh

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-trong-xay-dung-va-hoan-thien-hien-phap-post70948.html
Zalo