Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân - từ 40 năm Đổi mới đến Nghị quyết 68
Ban hành ngày 4/5/2025, Nghị quyết 68 thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc tạo động lực chiến lược mới cho phát triển đất nước - bằng cách phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kỹ nghệ Cửa Ý-Á Châu ở thành phố Tân Uyên (Bình Dương). (Ảnh: TTXVN phát)
Nghị quyết 68 là lời hiệu triệu để doanh nhân Việt trở thành “chiến binh thời bình” - dấn thân, sáng tạo vì một Việt Nam hùng cường. Khu vực tư nhân được trao cơ hội và nguồn lực toàn diện, dẫn dắt kinh tế quốc gia tới phồn vinh 2045.
Tạo động lực chiến lược mới cho phát triển đất nước
Gần 40 năm sau công cuộc đổi mới 1986, Việt Nam đã vươn mình từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường sôi động. Thành tựu phát triển là không thể phủ nhận: Đất nước từ chỗ thiếu thốn đã trở thành một nền kinh tế năng động trong khu vực.
Tuy nhiên, trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình quốc tế và yêu cầu phát triển trong nước, mô hình tăng trưởng hiện tại đang bộc lộ những giới hạn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình số hóa, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và biến động địa chính trị đang tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức.
Thực tế cho thấy không một quốc gia nào đạt được thịnh vượng mà thiếu đi một khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Trên thế giới, khu vực tư nhân đã được chứng minh là “động cơ” chính của nền kinh tế: Nó tạo ra 90% việc làm, đóng góp khoảng 70% GDP và tới 75% tổng đầu tư của các nền kinh tế đang phát triển.
Ở các quốc gia thuộc OECD, khu vực tư nhân cũng chiếm tỷ trọng áp đảo trong GDP và việc làm, là nguồn gốc của hầu hết các sáng kiến đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, tại Việt Nam, dù khu vực tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ, vẫn còn nhiều rào cản kìm hãm đóng góp của nó so với tiềm năng.

Tiến sỹ Trần Văn Khải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: Vietnam+)
Những động lực tăng trưởng cũ (lao động giá rẻ, đầu tư nhà nước, vốn FDI) dần suy giảm hiệu quả, đòi hỏi một sự chuyển dịch chiến lược. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thắp lửa cho khu vực tư nhân, biến khu vực này thành đầu tàu thực sự đưa nền kinh tế bứt phá.
Ban hành ngày 4/5/2025, Nghị quyết 68 thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc tạo động lực chiến lược mới cho phát triển đất nước - bằng cách phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân.
Đây là một bước ngoặt quan trọng về tư duy phát triển: một lời khẳng định mạnh mẽ rằng Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò khu vực tư nhân, sẵn sàng đổi mới tư duy và hành động quyết liệt vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Nghị quyết 68 ra đời như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng khơi dậy xung lực giúp kinh tế tư nhân cất cánh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển quốc gia.
Khơi thông mạnh mẽ dòng chảy của trụ cột quan trọng nền kinh tế
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến đầu năm 2025, cả nước có trên 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Chiều 14/5/2025, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 82% lực lượng lao động cả nước. Điều đó có nghĩa là cứ 10 lao động thì hơn 8 người đang làm việc trong khu vực tư nhân - từ những doanh nghiệp lớn cho tới các hộ kinh doanh, tiểu thương.
Kinh tế tư nhân không chỉ tạo sinh kế cho phần lớn người dân, mà còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực tế 40 năm qua cho thấy khu vực tư nhân đã góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống xã hội.
Nhiều thương hiệu Việt đã hình thành và khẳng định tên tuổi trên thị trường khu vực, toàn cầu, như Vinamilk (sữa), Vingroup/VinFast (công nghệ, ôtô), Thaco (công nghiệp ôtô), Vietjet (hàng không), Masan (hàng tiêu dùng)... Những doanh nghiệp tư nhân tiên phong này vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, vừa mang hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động ra thế giới.
Đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân hiện hữu trong mọi ngành nghề, từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho đến nông nghiệp.
Khu vực tư nhân chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội địa về hàng tiêu dùng, bán lẻ, xây dựng, du lịch..., đồng thời ngày càng tham gia sâu hơn vào những lĩnh vực trước đây do kinh tế nhà nước thống lĩnh như hạ tầng, năng lượng, tài chính, công nghệ cao.
Nhờ sự nhanh nhạy và linh hoạt, doanh nghiệp tư nhân thường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới và thích ứng với thị trường.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện khả năng chống chịu và sáng tạo, góp phần cùng nhà nước đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tuy vậy, nhìn một cách công bằng, tiềm năng của khu vực tư nhân Việt Nam còn rất lớn nếu được khơi thông mạnh mẽ hơn.
So sánh quốc tế cho thấy dư địa phát triển còn nhiều: Tỷ trọng 50% GDP của kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước phát triển (nơi khu vực tư nhân thường đóng góp 70-80% GDP).
Số lượng doanh nghiệp trên đầu người của Việt Nam cũng còn khiêm tốn - với khoảng 10 doanh nghiệp/1.000 dân, thấp hơn nhiều so với các nước OECD.
Chúng ta mới chỉ có vài doanh nghiệp tư nhân đạt tầm cỡ khu vực về doanh thu và quy mô, trong khi ở các nền kinh tế lớn hơn, những tập đoàn tư nhân đa quốc gia là động lực chính đưa quốc gia tiến lên.
Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” và trở thành nước phát triển, việc phát huy tối đa nguồn lực tư nhân là con đường tất yếu.
Đột phá tư duy, thống nhất nhận thức và hành động
Để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia đến 2030 và 2045, việc tháo gỡ các điểm nghẽn được xem là vấn đề cấp bách.
Nghị quyết 68 ra đời nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể, toàn diện và đột phá để khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chiều 8/5/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách để thảo luận và cho ý kiến về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nghị quyết nêu rõ: “Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động... với các giải pháp đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế...”
Điều này cho thấy Đảng ta nhìn nhận việc hỗ trợ khu vực tư nhân trỗi dậy không chỉ là cần thiết, mà là nhiệm vụ “cấp thiết và cấp bách” để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đáng chú ý, Nghị quyết 68 lần này đặt ra mục tiêu rất cao cho khu vực tư nhân vào các mốc 2030 và 2045, thể hiện tầm nhìn dài hạn đầy tham vọng. Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu:
Một là, kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khu vực tư nhân được kỳ vọng đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng.
Hai là, tốc độ tăng trưởng khu vực tư nhân đạt bình quân 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP chung của cả nước.
Đóng góp vào GDP khoảng 55-58%, vào ngân sách nhà nước khoảng 35-40%, và tạo việc làm cho khoảng 84-85% lực lượng lao động. Năng suất lao động khu vực tư nhân tăng bình quân 8,5-9,5%/năm.
Ba là, quy mô doanh nghiệp tăng mạnh: Cả nước có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động (tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân). Hình thành ít nhất 20 doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thương hiệu tầm khu vực và quốc tế.
Trình độ phát triển: Năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của khu vực tư nhân thuộc nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN và nhóm năm nước hàng đầu châu Á.
Vươn tầm xa hơn, tầm nhìn đến năm 2045, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, khu vực tư nhân được định hướng sẽ phát triển nhanh, mạnh, bền vững, có năng lực cạnh tranh cao trên phạm vi khu vực và quốc tế.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến 2045 Việt Nam có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP quốc gia. Khi đó, kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực chủ đạo, cùng với các khu vực kinh tế khác đưa Việt Nam vươn lên phát triển thịnh vượng.
Vị thế mới được xác lập cho khu vực tư nhân: từ chỗ là “một động lực quan trọng” nay vươn lên thành “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.”
Nói cách khác, khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ là đầu tàu chiến lược kéo nền kinh tế tiến bước trong những thập niên tới.
Đây là một thay đổi có tính đột phá về tư duy: Mạnh dạn giao trọng trách và niềm tin cho khu vực tư nhân, coi khu vực này bình đẳng và đóng vai trò ngang hàng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể trong vai trò nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng.
Để đạt được những mục tiêu tham vọng đó, Nghị quyết 68 đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tài sản và tự do kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, đất đai, thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính... Những giải pháp này sẽ tạo nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra.
Trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế
Phát triển kinh tế tư nhân vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài và mạnh dạn giao trọng trách đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cho khu vực tư nhân, Đảng và Nhà nước xác định muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào sức mạnh của người dân và doanh nghiệp, khơi dậy mọi nguồn lực trong Nhân dân vì mục tiêu chung.
Nếu như trước đây, khu vực kinh tế nhà nước thường được nhấn mạnh là “chủ đạo” thì nay quan điểm đã rất cởi mở: Kinh tế tư nhân, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đều giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập.

Kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất, cạnh tranh quốc gia, đồng thời tham gia tích cực vào các mục tiêu lớn như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Quy luật thị trường được thừa nhận và tôn trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước chuyển mạnh sang vai trò kiến tạo, hỗ trợ, thay vì can thiệp hành chính quá sâu, để thị trường và doanh nghiệp tự quyết định trong khuôn khổ pháp luật.
Nghị quyết 68 đề ra yêu cầu xóa bỏ triệt để định kiến, rào cản về kinh tế tư nhân. Điều này hàm ý loại bỏ những suy nghĩ cũ kỹ cho rằng kinh tế tư nhân đối lập với kinh tế nhà nước hay chủ nghĩa xã hội.
Thay vào đó, cần đánh giá đúng vai trò to lớn và đóng góp tích cực của khu vực tư nhân đối với phát triển kinh tế-xã hội, coi thành công của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là sự chuyển biến tư tưởng rất đáng ghi nhận, tiếp nối tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” từ thời Đổi Mới.
Hành động quyết liệt của bộ máy lãnh đạo để biến chủ trương thành hiện thực, Tổng Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành Nghị quyết này cho thấy sự cam kết ở cấp cao nhất.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành nhanh chóng xây dựng kế hoạch thể chế hóa Nghị quyết 68 thành các cơ chế, chính sách cụ thể.
Tinh thần “thượng tôn pháp luật, bảo vệ doanh nghiệp” được đề cao: Bảo đảm thực thi nghiêm minh quyền tài sản, tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng đề ra nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, thương mại; phân định rõ trách nhiệm cá nhân và pháp nhân khi có vi phạm, tạo tấm lá chắn để doanh nhân yên tâm hoạt động dám nghĩ, dám làm, dám thất bại và làm lại.
Đây là những thông điệp rất mạnh mẽ, trấn an cộng đồng doanh nghiệp và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Dân giàu, nước mạnh là thông điệp xuyên suốt nhiều thập kỷ nay được Nghị quyết 68 cụ thể hóa bằng những quyết sách mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân. Bởi lẽ, muốn “dân giàu” thì phải khuyến khích làm giàu chính đáng, phải có nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều người dân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả.
Muốn “nước mạnh” thì nền kinh tế phải có những đầu tàu đủ sức kéo cả đoàn tàu đi lên - và những đầu tàu đó không ai khác chính là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh.
Khi khu vực tư nhân thật sự lớn mạnh, đất nước sẽ có thêm nguồn lực dồi dào để đầu tư cho giáo dục, y tế, khoa học, quốc phòng..., tạo nền tảng cho một quốc gia giàu mạnh và phồn vinh.
Nghị quyết 68 - “ngọn cờ” định hướng, “lời hiệu triệu” hành động
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời năm 2025 là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình phát triển của Việt Nam.
Nếu công cuộc Đổi Mới 1986 đã mở cánh cửa cho kinh tế tư nhân hồi sinh từ bóng tối, thì Nghị quyết 68 chính là luồng gió mạnh đưa cánh buồm kinh tế tư nhân căng gió ra biển lớn.

Hoạt động tại xưởng đột dập của Công ty Cổ phần Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Tầm vóc của Nghị quyết thể hiện ở chỗ: lần đầu tiên, khu vực tư nhân được đặt vào vị trí “động lực quan trọng nhất” đối với nền kinh tế - một sự khẳng định dứt khoát về vai trò chiến lược của kinh tế tư nhân trong mô hình phát triển của đất nước ta.
Đây không chỉ là sự tiếp nối tư tưởng từ Nghị quyết 10 mà còn là một bước phát triển cao hơn, táo bạo hơn trong nhận thức và hành động.
Giờ đây, cánh cửa lớn đã mở, nhiệm vụ đặt ra là làm sao để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống nhanh, mạnh, thực sự tạo chuyển biến rõ nét cho khu vực tư nhân.
Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các chủ thể: Các cơ quan nhà nước phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách thuận lợi, minh bạch; chính quyền các cấp phải thay đổi cách phục vụ doanh nghiệp, loại bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực; các tổ chức tài chính, giáo dục... cần chung tay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp vốn và công nghệ cho doanh nghiệp; và quan trọng nhất, bản thân cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực quản trị, đạo đức kinh doanh, chuẩn bị tốt tâm thế để đón nhận thời cơ mới.
Mỗi doanh nhân cần ý thức hơn nữa về sứ mệnh quốc gia của mình: Làm giàu cho mình nhưng cũng chính là đóng góp xây dựng đất nước. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cần được thổi bùng trong giới doanh nhân, để họ dám nghĩ lớn, dám làm lớn, hình thành nên những doanh nghiệp Việt Nam tầm cỡ khu vực và thế giới, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Có thể nói, Nghị quyết 68 vừa là “ngọn cờ” định hướng, vừa là “lời hiệu triệu” hành động đến toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp: Hãy coi doanh nghiệp tư nhân là đối tượng phục vụ, là động lực phát triển; hãy trân trọng người dân làm kinh tế, tạo mọi điều kiện cho họ góp sức làm giàu cho mình và cho đất nước.
Từ đây, một hành trình mới đã bắt đầu - hành trình mà ở đó khu vực tư nhân được trao trọng trách lịch sử để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” trong những thập niên tới./.