Phát huy vai trò các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường..., góp phần xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập.

Chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGap tại HTX na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (xã Phú Long, huyện Nho Quan).

Chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGap tại HTX na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (xã Phú Long, huyện Nho Quan).

Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 516 HTX, trong đó có 409 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 68 HTX hoạt động lĩnh vực phi nông nghiệp. Tổng số thành viên, lao động trong HTX là trên 85.000 người. Để phát huy vai trò của HTX trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Anh Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Ngô Đồng (xã Gia Phú, Gia Viễn) cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, HTX nông nghiệp Ngô Đồng đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Hiện HTX có tổng diện tích 127 ha, trong đó diện tích vụ mùa chiếm 80 ha, sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn. HTX đã thay đổi giống lúa, kỹ thuật sản xuất, nâng năng suất, chất lượng sản phẩm, cung ứng giống, phân bón, kiểu tra bảo vệ thực vật, đưa năng suất đạt 2,6-2,7 tạ/sào. Đồng thời, HTX hợp đồng với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, HTX quan tâm tuyên truyền về phát triển kinh tế trang trại, nâng cao thu nhập cho các thành viên…

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên, trong việc tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các HTX còn chú trọng bảo vệ môi trường nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Trong đó thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thành viên về chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (xã Phú Long, Nho Quan) cho biết: Từ khi được tỉnh, huyện, các cơ quan chuyên môn, Liên minh HTX tỉnh vào cuộc hỗ trợ đưa HTX na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long từ sản xuất manh mún phát triển lên mô hình lớn, từ 47 ha trồng na lên gần 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

HTX đã thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt từ bón phân, chăm sóc, cắt tỉa, thụ phấn, định hình ra hoa trên cây. Quả na xuất ra thị trường có nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ rõ ràng, người tiêu dùng có thể kiểm định qua tem và mẫu mã bao bì sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm của HTX. Na của HTX đã đạt OCOP 4 sao. Với năng suất đạt từ 300-350 triệu đồng/1 ha, sản phẩm na của HTX góp phần thực hiện tiêu chí về kinh tế, thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở xã vùng cao Phú Long.

Hòa nhịp cùng công cuộc chuyển đổi số quốc gia, nhiều HTX đã triển khai, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Để giúp các HTX thích ứng với việc chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số. Tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Tiến hành khảo sát và tổng hợp đăng ký nhu cầu về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX gửi các cơ quan quản lý thực hiện...

HTX Dược liệu Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đã số hóa quy trình sản xuất bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đầy đủ về thông tin, quá trình sản xuất của sản phẩm.

HTX Dược liệu Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đã số hóa quy trình sản xuất bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đầy đủ về thông tin, quá trình sản xuất của sản phẩm.

Chị Đinh Thị Loan, Quản lý HTX Dược liệu Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị, HTX Dược liệu Đông Sơn đã số hóa quy trình sản xuất bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR được gắn trên tem truy xuất nguồn gốc NBC-Trace của Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia là có đầy đủ về thông tin sản phẩm, quá trình sản xuất của sản phẩm.

Từ khi được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, chống được hàng giả, hàng kém chất lượng; người tiêu đùng xem được quy trình sản xuất của sản phẩm từ giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói sản phẩm, từ đó giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng sản phẩm của HTX, thuận lợi trong quá trình quảng bá sản phẩm nhanh, hiệu quả.

Ngoài ra, việc đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử đã giúp HTX mở rộng thị trường bán hàng trong nước. Trung bình 1 năm ,HTX tiêu thụ từ 12.000-15.000 sản phẩm tinh dầu tràm và một số sản phẩm dược liệu từ đào. Doanh thu 1 năm của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng.

Đặc biệt, các HTX giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số chuỗi sản phẩm như chuỗi các sản phẩm dược liệu; chuỗi rau, củ, quả an toàn; chuỗi các sản phẩm dê, gà, lợn thảo dược; chuỗi chạch sụn; chuỗi gạo chất lượng cao, bột rau má, mật ong, ốc nhồi, hươu nai... với lợi ích mang lại cho thành viên là chi phí đầu vào thấp, chất lượng sản phẩm cao, giá bán và thu nhập tăng trên 25-35%, hoạt động của HTX năng động, sáng tạo, hiệu quả hơn.

Những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh của các HTX đã góp phần vào kết quả xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM; 119/119 xã đạt chuẩn NTM, 50/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Yên Khánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Bài, ảnh: Phương Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-huy-vai-tro-cac-hop-tac-xa-trong-xay-dung-nong-thon-moi/d202408140844463.htm
Zalo