Phát huy trách nhiệm học tập suốt đời
Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, để kịp thời cập nhật và thích ứng với sự chuyển đổi nhanh của xã hội, đòi hỏi mọi cá nhân luôn trong trạng thái sẵn sàng học tập nâng cao năng lực, kỹ năng, hướng đến thực hiện tốt nhất sứ mệnh của mình. Ðối với cán bộ, đảng viên, để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, học tập suốt đời trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Tranh: KIỀU LOAN
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới về quản lý Nhà nước và phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội, đã đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao trách nhiệm trong việc học tập suốt đời.
Ðồng chí Tô Lâm, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định: “Qua học tập suốt đời để nhận thức được trách nhiệm đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể; có năng lực làm chủ, năng lực tổ chức cuộc sống; để không ngừng tiến bộ, có sức khỏe, có chất lượng sống tốt hơn; hiểu biết, giữ gìn và góp phần xây dựng truyền thống văn hóa dân tộc; tin tưởng vào tương lai đất nước, vào đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, có khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[1].
Ðối với mỗi cán bộ, đảng viên, học tập suốt đời không chỉ đơn thuần là việc tiếp thu kiến thức, mà còn là quá trình tự hoàn thiện bản thân, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh chính trị và phong cách làm việc chuyên nghiệp của mỗi cá nhân. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên chính là những người trực tiếp xây dựng, tổ chức thực thi các quyết sách đối với sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương, vì vậy, họ cần tiên phong trong việc học tập, đổi mới và cải tiến phương thức làm việc. Một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh phải được vận hành bởi những cán bộ, đảng viên có tư duy, có kiến thức, có tâm huyết và luôn khát khao hoàn thiện, nâng tầm bản thân.
Học tập suốt đời giúp cán bộ, đảng viên có tư duy đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác. Những thách thức ngày càng phức tạp của xã hội đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có tư duy chiến lược, biết cách vận dụng linh hoạt mô hình quản lý tiên tiến vào thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và Nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[2]. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cán bộ, đảng viên không thể chỉ giới hạn mình trong khuôn khổ kiến thức truyền thống mà cần mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Việc học hỏi kinh nghiệm quản lý, mô hình hành chính tiên tiến của các nước sẽ giúp cải thiện chất lượng hoạt động công vụ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ Nhân dân.
Một trong những yêu cầu quan trọng trong cải cách hành chính hiện nay là xây dựng nền hành chính Nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Muốn làm được điều đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải liên tục học tập, nghiên cứu và cập nhật các phương pháp quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc để giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết, nâng cao hiệu suất làm việc và gia tăng sự hài lòng của Nhân dân.
Học tập suốt đời không chỉ giúp cán bộ, công chức, viên chức làm giàu trí tuệ, trau dồi thêm tri thức, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ mà còn giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về trách nhiệm phụng sự, trách nhiệm phòng chống tham nhũng, lạm quyền; từ đó, xây dựng môi trường làm việc trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của Nhân dân vào chính quyền.
Ngoài ra, thông qua việc không ngừng học tập, cán bộ, đảng viên sẽ rèn luyện được khả năng làm chủ công việc, nâng cao tư duy tổ chức, quản lý; phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần; nhận thức đúng trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo dựng niềm tin vững chắc vào tương lai đất nước, vào sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng.
Hiện nay, đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, sánh vai với thế giới, có nhiều cơ hội lớn để vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong hành trình ấy, đất nước cần những cán bộ, đảng viên có tư duy sắc bén, có tầm nhìn chiến lược, sẵn sàng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và cống hiến hết mình vì lợi ích chung.
Trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đội ngũ cán bộ không chỉ cần phẩm chất đạo đức trong sáng mà còn phải có năng lực chuyên môn sâu rộng, đủ bản lĩnh để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, phục vụ Nhân dân hiệu quả nhất. Do đó, Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII khẳng định "Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời" bởi cán bộ, đảng viên phải học suốt đời, học trong sách vở, học lẫn nhau và học từ Nhân dân; "bể học" mênh mông, không bao giờ cạn.
Ðể góp phần xây dựng xã hội học tập và học để làm giàu trí tuệ, để có kiến thức, ý tưởng, sáng kiến để nâng cao năng lực công tác và giải quyết tốt những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn phát triển đất nước đặt ra, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc hơn về chủ trương học tập suốt đời; xác định việc học tập suốt đời là nhu cầu tự thân, là nhiệm vụ cách mạng với thái độ nghiêm túc, ý thức tự giác cao, cầu thị và khiêm tốn.
Ðội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí có chức vụ, cương vị càng cao càng phải gương mẫu trong thường xuyên tự học tập, tự tu dưỡng. Cán bộ, đảng viên không ngừng học tập về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; phương pháp, kỹ năng công tác và khả năng phối hợp trong tập thể; học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức về hội nhập, thông lệ quốc tế, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần chủ động triển khai sâu rộng phong trào "học tập số", phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát động trong cơ quan, đơn vị, địa phương phong trào học tập suốt đời gắn với việc tổ chức, phát động các phong trào thi đua yêu nước và tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng cán bộ, đảng viên am hiểu và sử dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, địa phương hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế động viên, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ tự giác học tập và tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.
[1] Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm (2025): Học tập suốt đời.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208.