Phát huy tối đa nguồn lực, đưa thương mại Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới

Với sự ủng hộ từ phía Trung Quốc trong việc mở thêm nhiều văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại đây là cơ hội nâng tầm mối quan hệ thương mại hai nước.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương để hiểu hơn về vấn đề này.

Với sự nỗ lực, đồng hành trong công tác xúc tiến thương mại giữa hai nước thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc trong thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai quốc gia?

Thực hiện Đề án thành lập 5 văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương của Trung Quốc gồm có Trùng Khánh, Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) và Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Công Thương làm đầu mối triển khai, qua thời gian dài tích cực đàm phán, trao đổi ở các cấp với phía Trung Quốc nhằm tháo gỡ những rào cản pháp lý để triển khai thực hiện nêu trên, đến nay, Việt Nam đã thành lập và đi vào hoạt động 2 văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, cụ thể: Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh (năm 2015) và Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (năm 2018).

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương Vũ Bá Phú

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương Vũ Bá Phú

Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh và Chiết Giang đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công thương, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với thành phố Trùng Khánh và tỉnh Chiết Giang ngày càng phát triển.

Điều này được thể hiện qua kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với hai thị trường này. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trùng Khánh mới chỉ đạt 2 tỷ USD, thì đến năm 2019 kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng lên gấp đôi, đạt trên 4,5 tỷ USD, năm 2020 tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 7,3 tỷ USD và năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch hai chiều vẫn giữ đà tăng trưởng khá, đạt 7,93 tỷ USD.

Năm 2022-2023 do tác động chung suy thoái kinh tế thế giới hậu Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch thương mại hai bên giảm nhẹ so với năm trước, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong các quốc gia ASEAN, và thành phố Trùng Khánh nhiều năm liền là thị trường xuất siêu của Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Đối với thị trường Chiết Giang, kể từ khi có sự hiện diện của Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, cho đến nay đã góp phần thúc đẩy đưa kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại song phương Việt Nam - Chiết Giang tăng trưởng vượt bậc, tăng 100% từ 9,3 tỷ USD năm 2018 lên 19,1 tỷ USD năm 2023 theo thống kê của Hải quan Trung Quốc. Đồng thời cũng góp phần đưa Việt Nam lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 2 trong các nước ASEAN trong hợp tác thương mại với tỉnh Chiết Giang và là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất trên thế giới của tỉnh Chiết Giang.

Những con số thống kê nêu trên là minh chứng cụ thể cho tính hiệu quả của hai văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai địa phương Trùng Khánh, Chiết Giang với Việt Nam.

Hiện Trung Quốc đã “mở đường” tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm mở thêm văn phòng xúc tiến thương mại tại một số địa phương của Trung Quốc vào Tuyên bố chung hai nước. Vậy Cục đã có kế hoạch gì về việc sẽ tiếp tục mở thêm văn phòng đại diện tại các địa phương của Trung Quốc, thưa ông?

Sau chuyến thăm Việt Nam của ông Thẩm Hiểu Minh, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Nam tháng 2/2023, phía Hải Nam đã có động thái tích cực ủng hộ Việt Nam sớm thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại thành phố Hải Khẩu. Cục Xúc tiến thương mại đã và đang tích cực tập trung trao đổi với Sở Thương mại tỉnh Hải Nam là đơn vị đầu mối của chính quyền tỉnh Hải Nam để triển khai làm các thủ tục liên quan nhằm sớm mở Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Khẩu trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18/8 - 20/8/2024, phía Trung Quốc cũng đưa việc sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm mở thêm văn phòng xúc tiến thương mại tại một số địa phương của Trung Quốc vào Tuyên bố chung hai nước. Đây sẽ là một tiền đề quan trọng để Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục phối hợp với tỉnh Hải Nam, Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Khẩu.

Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu ngành hàng, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc

Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu ngành hàng, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc

Mục đích hoạt động của các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc được thể hiện rõ trong chức năng và vai trò như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu: Tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Trung Quốc; tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, các luật lệ, quy tắc, tiêu chuẩn, thủ tục thâm nhập thị trường, đánh giá khả năng tiêu thụ của sản phẩm Việt Nam; trưng bày và giới thiệu mẫu hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu; hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam về thủ tục thành lập văn phòng đại diện, lập chi nhánh hoặc công ty (theo pháp luật, quy định hiện hành của Trung Quốc) tại Trung Quốc.

Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ và các sản phẩm của Trung Quốc có tiềm năng nhập khẩu về Việt Nam để phục vụ phát triển sản xuất, tiêu dùng tại Việt Nam.

Thứ ba, cung cấp thông tin, tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp Trung Quốc phát triển quan hệ kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Thứ tư, thực hiện chức năng đại diện của Cục Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc để duy trì và phát triển quan hệ hợp tác nghiệp vụ với các cơ quan xúc tiến thương mại và các tổ chức hữu quan của Trung Quốc.

Ông có đánh giá như thế nào về cơ hội và tiềm năng xuất khẩu của hàng Việt tại thị trường Trung Quốc. Để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc, thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là điểm sáng trong tổng thể quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, điều này được thể hiện ở việc Trung Quốc 19 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là đối tác nhập khẩu lớn nhất, đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ) và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trong năm 2023, là đối tác thương mại lớn nhất trong khối ASEAN.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo kim ngạch hai chiều giữa hai nước năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, vượt xa mức trao đổi thương mại trong năm 2023.

Dự báo trong thời gian tới, cơ hội và tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của hàng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là rất lớn bởi nhiều nhân tố. Trong đó, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ của hai nước ngày càng được thắt chặt và củng cố tạo tiền đề thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển; tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước là rất lớn; nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản có thế mạnh, có giá trị cao của Việt Nam như: sầu riêng (bao gồm cả sản phẩm tươi và đông lạnh), tổ yến, dừa tươi… đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; do đặc thù về vị trí địa lý nên hợp tác trong lĩnh vực logistics giữa hai nước rất đa dạng, hiệu quả, góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường Trung Quốc; thị trường Trung Quốc có quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, vì vậy có nhiều dư địa để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và khai thác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các lãnh đạo nhấn nút khai trương Khu gian hàng thương mại Việt Nam tại CAEXPO 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các lãnh đạo nhấn nút khai trương Khu gian hàng thương mại Việt Nam tại CAEXPO 2023

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, trên cơ sở những nguồn lực hiện có, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu ngành hàng, sản phẩm Thương hiệu Quốc gia, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Cụ thể:

Một là, tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan của phía Trung Quốc triển khai tổ chức doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả các hoạt động hội chợ lớn có uy tín được tổ chức tại thị trường Trung Quốc đó là: Hội chợ Trung Quốc – Nam Á, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN và Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong công tác quảng bá sản phẩm, thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, kết nối giao dịch với các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Trung Quốc, qua đó thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh, có giá trị cao của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, góp phần giảm nhập siêu từ thị trường này.

Hai là, tăng cường tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba để quảng bá giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam tiến sâu, vươn xa vào các địa phương nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc, qua đó thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch.

Ba là, thúc đẩy phía Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam nhằm mở rộng mạng lưới các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương của Trung Quốc để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường tỉnh Hải Nam là địa phương của Chính phủ Trung Quốc quy hoạch và xây dựng thành "Cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới" với nhiều chính sách ưu đãi quan trọng.

Bốn là, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hoạt động tập huấn, phổ biến thông tin, đặc biệt là các quy định, tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu mà Trung Quốc mới mở cửa thị trường cho phía Việt Nam để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định trong xuất khẩu những sản phẩm này sang thị trưởng Trung Quốc

Năm là, phối hợp với hệ thống các thương vụ/chi nhánh thương vụ/văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam đặt tại các địa phương của Trung Quốc tổ chức các đoàn doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đến Việt Nam để tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm lớn do Bộ Công Thương tổ chức tại Việt Nam như: Vietnam Expo, Food Expo và khảo sát, giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Nga thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-huy-toi-da-nguon-luc-dua-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-len-tam-cao-moi-342138.html
Zalo