Phát huy tính tự lực, tự cường
Sau 18 năm nghiên cứu, xây dựng và trình các phương án, đến ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Với quy mô đặc biệt lớn, chưa từng có tiền lệ, dự án sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai.
Khơi thông nguồn lực chính sách
Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam có quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự án được xác định đầu tư theo hình thức đầu tư công, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả với tổng mức đầu tư hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD).
Đây là dự án đặc biệt lớn, vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, Quốc hội đã đồng ý cho phép dự án áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Hiện Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể như: trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án, hoặc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư hàng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.
Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách T.Ư giữa các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương để bố trí vốn cho dự án; không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga ĐSTĐC, UBND cấp tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi; được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.
HĐND cấp tỉnh quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất đấu giá nhằm phát triển đô thị theo quy định của pháp luật.
Đối với số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao sau khi trừ các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách T.Ư để cân đối ngân sách Nhà nước đầu tư cho Dự án….
Phát huy sức mạnh nội sinh
Đánh giá Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam có vai trò quan trọng, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta, đồng thời là cơ hội "thay da đổi thịt", là "trận địa công nghệ" chưa từng có. Nhiều nhà thầu và DN giao thông, xây dựng trong nước cho biết, rất mong chờ cơ hội được góp sức vào dự án này và có những cơ chế chính sách tạo sự thuận lợi cho DN về vốn, thuế, bảo lãnh, quy trình đấu thầu…
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, Bộ GTVT đều đưa ra cơ chế chính sách để huy động tổng lực sức mạnh nội sinh, làm sao để DN trong nước tham gia được dự án này. “Bộ GTVT sẽ ràng buộc các điều kiện tiên quyết với những tổng thầu tham gia dự án phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được; đưa ra chính sách trình Quốc hội giao nhiệm vụ cho các DN 100% vốn Nhà nước, hoặc đặt hàng các DN trong nước với những hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được” - Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.
Hơn nữa, đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.
Về nhân lực, theo tính toán cần khoảng 227.670 người để đáp ứng cho dự án từ khi nghiên cứu cho đến quá trình vận hành, khai thác về sau. Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban QLDA Đường sắt Bộ GTVT cho biết, Bộ đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực theo 3 loại hình: đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước. Trong đó, có những nhân lực sẽ được đào tạo từ sớm (ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư) để nghiên cứu công nghệ đầu tư, quản lý dự án...
Như vậy, qua 18 năm ấp ủ, nghiên cứu, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, cũng như những tiềm năng, cơ hội của nguồn lực trong nước khi đầu tư xây dựng ĐSTĐC Bắc - Nam.
Bài toán về vốn, công nghệ, nhân lực cũng đã được tính toán với các phương án cụ thể nhằm “phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến không thể thành có thể” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.