Phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã sửa đổi các quy định liên quan đến đến việc tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC) và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển.

Xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc sửa đổi luật lần này nhằm đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp; khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương; bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức ĐVHC và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm: cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, ĐVHC kinh tế - đặc biệt.

Đối với cấp tỉnh, dự thảo Luật giữ như quy định hiện hành gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời để mở rộng không gian phát triển. Cùng với đó, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay để hình thành các ĐVHC cấp cơ sở, gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp với mô hình tổ chức mới. ĐVHC kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.

Trên cơ sở mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), dự thảo Luật quy định theo hướng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng: Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và bảo đảm tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh. Cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.

Nhận định về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ giúp khắc phục triệt để sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, tổ chức trung gian cồng kềnh; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đồng quan điểm này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, việc tinh giản cấp trung gian, không tổ chức cấp huyện sẽ giúp giảm bớt thời gian cũng như chi phí để đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, bảo đảm tính minh bạch và rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân.

Chính quyền địa phương cấp cơ sở đảm nhận nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã, cấp huyện

Để thực hiện nhất quán nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.

Trong khi đó, đối với chính quyền địa phương cấp cơ sở, dự thảo Luật quy định đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay. Đồng thời, dự thảo Luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, chính quyền địa phương cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho chính quyền địa phương cấp cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp cơ sở, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương đặc khu để trao quyền tự chủ trong quản lý nhà nước ở khu vực hải đảo, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.

Nhằm bảo đảm cho chính quyền địa phương các cấp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở. Theo đó, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ bản giữ như quy định hiện hành. Dự thảo Luật chỉ tăng số lượng số lượng thích hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh và bổ sung quy định Ủy viên của Ban của HĐND cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để kế thừa quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.

Đối với chính quyền địa phương cấp cơ sở, dự thảo Luật quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu) cơ bản thiết kế như đối với HĐND và UBND cấp huyện (trước khi giải thể) nhưng có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, số lượng đại biểu HĐND cấp cơ sở tối đa là 40 đại biểu (riêng đối với các xã do có vị trí biệt lập không tiến hành tổ chức lại nếu có quy mô dân số ít thì cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành). HĐND cấp cơ sở có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. UBND cấp cơ sở được tổ chức các cơ quan chuyên môn với số lượng phù hợp.

Việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, không tổ chức cấp huyện nhằm phân cấp, phân quyền từ cấp tỉnh xuống cấp xã, phường, bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Và điều quan trọng nhất, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là để cán bộ, công chức gần gũi và phục vụ người dân tốt hơn.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-huy-tinh-chu-dong-sang-tao-cua-chinh-quyen-dia-phuong-cac-cap-post410057.html
Zalo