Phát huy tiềm lực của phụ nữ

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ và dần thay đổi tư duy, suy nghĩ của các chị em phụ nữ để bắt kịp tiến trình phát triển kinh tế và xã hội. Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội LHPN Việt Nam và 14 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, phóng viên Báo Cà Mau có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, về chủ đề phát huy tiềm lực của phụ nữ trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội.

Nữ lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh tại sự kiện Họp mặt kỷ niệm 94 ngày thành lập Hội LHPN Việt năm 2024.

Nữ lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh tại sự kiện Họp mặt kỷ niệm 94 ngày thành lập Hội LHPN Việt năm 2024.

- Thưa bà, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã có những đổi mới nào nổi bật trong hoạt động để góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống gia đình, xã hội?

Bà Trần Thị Kiều Yến: Phụ nữ Cà Mau chiếm 48,89% dân số của tỉnh, là lực lượng lao động tiềm năng quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, thời gian qua, các cấp hội tập trung đổi mới các hoạt động sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động. Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Cà Mau thời đại mới” - có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, gắn với những việc làm cụ thể để phụ nữ từng bước tự tin, năng động, sống có trách nhiệm, tham gia vào các hoạt động xã hội. Chú trọng tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp phụ nữ kiến thức về phong trào quốc gia khởi nghiệp, khởi nghiệp khởi sự kinh doanh, Ðề án 939 của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Ðề án 01 của Chính phủ về “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ”, các chính sách của Nhà nước quan tâm ưu tiên hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, thúc đẩy ý chí phụ nữ vươn lên có việc làm, có thu nhập, tự chủ về kinh tế, chủ động chung tay giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ...

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động “Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ”. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng màu, đan đát, phát triển sản phẩm OCOP, kinh tế hộ gia đình, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã... cho lao động phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ có việc làm, phát triển các nguồn tài nguyên bản địa, nâng cao năng suất sản xuất (bình quân hằng năm tổ chức 217 lớp/10.850 lao động).

Song song với tập huấn kiến thức, Hội chú trọng giới thiệu việc làm, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển ý tưởng, tạo việc làm, mở rộng sản xuất (hiện dư nợ Hội tín chấp cho chị em vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền trên 1.503 tỷ đồng, giúp 45.428 hộ vay; huy động tiết kiệm giúp nhau tại các chi, tổ phụ nữ 41,52 tỷ đồng, giúp hơn 20 ngàn hội viên phát triển sinh kế); nhận đỡ đầu giúp hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững (bình quân hằng năm giúp 400 hội viên thoát nghèo)... Ðến nay, Hội đã vận động và hỗ trợ thành lập được 136 tổ hợp tác, 16 hợp tác xã, có 51 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và 4 sao.

Chị em phụ nữ tự học nghề để chủ động về kinh tế, làm chủ cuộc sống.

Chị em phụ nữ tự học nghề để chủ động về kinh tế, làm chủ cuộc sống.

Thứ ba, quan tâm đề xuất, kết nối, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ. Hội tăng cường kết nối với các chương trình, khai thác kinh phí hợp tác từ các dự án phi Chính phủ hỗ trợ cây, con giống, vật tư, máy móc... giúp phụ nữ phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo, số tiền trên 9 tỷ đồng...

Thông qua các hoạt động trọng tâm tiêu biểu, các cấp hội đã từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy của phụ nữ tỉnh nhà; ngày càng có nhiều phụ nữ tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, năng động, sáng tạo, không ngừng học hỏi, tiếp cận công nghệ hiện đại, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh theo hướng đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; vị thế, vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống gia đình, xã hội ngày được nâng cao.

- Công tác bình đẳng giới và chuyển đổi số được các cấp hội phụ nữ thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Kiều Yến: Những năm qua, các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh không ngừng nỗ lực vươn lên, hăng hái thi đua, tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Thực hiện chức năng đại diện, vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quan trọng liên quan đến Chương trình Mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới, sửa đổi, bổ sung Luật, nghị quyết của HÐND, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Hằng năm, hội LHPN các cấp quan tâm rà soát, đề xuất đưa cán bộ Hội đi đào tạo; phối hợp với trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp; tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ, chính sách xã hội có liên quan đến đời sống của phụ nữ và trẻ em, chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, chính sách đối với lao động mất việc, nghỉ việc, chính sách hỗ trợ nước sạch, nhà ở, bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi... Qua đó, từng bước nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực...

Thực hiện Dự án 8 về "Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em", các cấp hội đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở về thực hiện Luật và các văn bản về bình đẳng giới, các chính sách, pháp luật, vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em (đất đai, hôn nhân gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, giảm nghèo...).

Hội LHPN tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với chủ đề “Phụ nữ Cà Mau đổi mới, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng tổ chức hội vững mạnh”, triển khai thực hiện đến các cấp hội trong tỉnh. Ðề xuất trang bị trang thiết bị, phần mềm trực tuyến cho Hội LHPN tỉnh, huyện; 100% hội LHPN các cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lãnh đạo điều hành, tuyên truyền hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ (hướng dẫn phụ nữ cài đặt định danh điện tử VNeID, sử dụng các phần mềm trực tuyến, zoom, google meet...)... Ngoài ra, các cấp hội còn đẩy mạnh kết nối tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của phụ nữ trên trang Website của Trung ương Hội, Trang thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ vận dụng các phần mềm tiện ích, Internet, mạng xã hội như Zalo, Facebook (đã thành lập 369 nhóm Zalo, 218 trang Facebook) để đăng tải, giới thiệu thường xuyên các sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ ở địa phương, nhất là duy trì hiệu quả mô hình "Mỗi tuần một sản phẩm" trên trang Facebook của các cấp hội.

- Bà có thể chia sẻ về nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ trong thời gian tới, cũng như các hoạt động dịp chào mừng kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10?

Bà Trần Thị Kiều Yến: Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu phụ nữ tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2021-2026 gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Cà Mau thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... Quá trình triển khai thực hiện, các cấp hội chủ động, linh hoạt cụ thể hóa thành những việc làm, mô hình thiết thực, phù hợp với đặc điểm hội viên, phụ nữ trên địa bàn; vừa hướng dẫn vừa đồng hành, hỗ trợ cho cơ sở; phát huy tiềm lực của phụ nữ đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; quan tâm phát hiện, chăm bồi, tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến tiêu biểu.

Hưởng ứng cùng phụ nữ cả nước chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội LHPN Việt Nam và 14 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Tỉnh hội chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh tổ chức các hoạt động chào mừng phù hợp với điều kiện của cơ sở, qua đó giáo dục truyền thống, tuyên truyền lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, cũng như sự phát triển và trưởng thành của phong trào phụ nữ tỉnh Cà Mau. Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc. Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà tri ân nguyên lãnh đạo Hội qua các nhiệm kỳ...

Ðối với Tỉnh hội, tổ chức các hoạt động: họp mặt, tọa đàm nữ doanh nghiệp, nữ sản xuất kinh doanh tiêu biểu năm 2024 (đã diễn ra vào ngày 14/10); tọa đàm về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và giải pháp xây dựng tổ chức hội vững mạnh nhiệm kỳ 2021-2026 (vào ngày 18/10); họp mặt nguyên lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, huyện qua các nhiệm kỳ; tổ chức 4 cuộc Hội thi Gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam, của Hội LHPN Việt Nam qua 94 năm trưởng thành và phát triển; chủ động, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Các cấp hội trong tỉnh không ngừng chú trọng xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thực hiện tốt chức năng đại diện, vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ; khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức hội, của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

- Xin cảm ơn bà!

Lam Khánh thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-huy-tiem-luc-cua-phu-nu-a35024.html
Zalo