Phát huy thế mạnh, tiềm năng vùng U Minh Hạ

Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của huyện U Minh (Cà Mau) từng bước khởi sắc, nhiều mô hình kinh tế mới được hình thành, phát triển ổn định, tạo nền tảng để địa phương bứt phá trong tương lai.

Để nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của địa phương, về lộ trình, định hướng phát triển nhằm đưa nền kinh tế huyện U Minh vươn mình, xứng với tiềm năng, lợi thế trong thời gian tới, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh.

- PV: Ông có thể thông tin về tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện U Minh trong 5 năm trở lại đây?

- Phó chủ tịch Lê Hồng Thịnh:Năm 2020, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện U Minh còn gặp những khó khăn nhất định. Song dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng với sự quyết tâm, đồng lòng phấn đấu của các cấp các ngành và toàn thể nhân dân, huyện đã vượt qua những khó khăn, góp phần đưa kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tiếp tục ổn định, phát triển.

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh

Ðược sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành các cấp, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện U Minh đã tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hành trình phát triển.

Kết quả, 9 tháng đầu năm 2024, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện nghị quyết của Huyện ủy đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, có 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch năm, 5 chỉ tiêu đạt từ 80 - 90%; đời sống kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục ổn định và phát triển. Sản xuất nông nghiệp tăng so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch các trà lúa đạt 89,58%, sản lượng đạt 94,36% kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 81,55%, tăng so với cùng kỳ. Tàu cá trong diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình bắt buộc thực hiện đạt 100%. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh.

Huyện U Minh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái

Huyện U Minh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái

- Được biết huyện U Minh có hệ sinh thái đa dạng, thuận lợi để phát triển nhiều loại hình kinh tế (du lịch, rừng, biển, nuôi trồng thủy sản...). Vậy ông cho biết hiện nay huyện đang quan tâm, chú trọng phát triển loại hình kinh tế nào là trọng tâm và kết quả đạt được như thế nào?

- Ông Lê Hồng Thịnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện U Minh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển kinh tế biển; phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, điều kiện tự nhiên của huyện là các nhiệm vụ trọng tâm trong 3 đột phá về phát triển kinh tế của huyện U Minh.

Theo đó, Huyện ủy U Minh đã tập trung chỉ đạo UBND huyện và các ngành, cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án "Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện U Minh" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, kế hoạch, đề án đã hoàn thành và đang được đưa vào triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Mật ong rừng là sản phẩm nổi tiếng của huyện U Minh

Mật ong rừng là sản phẩm nổi tiếng của huyện U Minh

Kinh tế biển là một trong những lĩnh vực trọng tâm để phát triển kinh tế của địa phương. Toàn huyện hiện có trên 1.065 phương tiện khai thác thủy sản lớn nhỏ với hơn 4.024 thuyền viên đang hoạt động khai thác thủy sản biển. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Khánh Hội với hơn 618 phương tiện, hằng năm ngư dân ra khơi đánh bắt thủy hải sản thu về hàng chục nghìn tấn; từ đó góp phần thúc đẩy đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Đồng thời, địa phương đã đầu tư, xây dựng hoàn thành 3 khu dân cư, hiện đã đưa vào sử dụng gồm các khu dân cư Hương Mai, Lung Ranh và khu dân cư xen ghép xã Khánh Hội; qua đó góp phần ổn định đời sống của ngư dân khu vực ven đê biển. Ngoài ra, xã Khánh Hội đã được UBND tỉnh công nhận đô thị loại 5 năm 2022.

Để tiếp tục đưa kinh tế biển của huyện ngày càng phát triển, hiện tại huyện U Minh đã và đang tập trung phối hợp với các sở ngành tỉnh thực hiện một số dự án trọng điểm đang trong giai đoạn hoàn thành như: đầu tư xây dựng bến cá Khánh Hội, khu neo đậu tàu thuyền xã Khánh Hội với sức chứa 700 tàu neo đậu, xây dựng làng nghề cá khô biển xã Khánh Hội; phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá ở 2 xã Khánh Hội và Khánh Tiến; tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản và sản lượng tối đa cho phép khai thác bền vững; xây dựng và thực hiện đề án phát triển chuỗi liên kết các cơ sở thu mua, gian hàng quảng bá hải sản chủ lực ở địa phương.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững, huyện còn tập trung kiêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch vùng ven biển; khuyến khích, tạo điều kiện vận dụng các chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú tại các xã ven biển của huyện để thu hút khách đến tham quan, du lịch; tạo ra giá trị gia tăng đối với lĩnh vực du lịch, góp phần tạo bước phát triển kinh tế biển của huyện đúng theo kế hoạch đã được đề ra.

Du lịch trải nghiệm là loại hình thu hút du khách

Du lịch trải nghiệm là loại hình thu hút du khách

Song song với việc phát triển kinh tế biển, huyện U Minh còn tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt đề án "Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện U Minh" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được đầu tư và phát triển, tiêu biểu như: khu du lịch sinh thái Hương Tràm, khu du lịch sinh thái Hoa Rừng… đã thu hút số lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế của huyện.

- Tiềm năng của huyện U Minh là gì và đã phát triển xứng tầm hay chưa? Địa phương cần phải làm gì để vực dậy tiềm năng đó, thưa ông?

- Ông Lê Hồng Thịnh: Tiềm năng của địa phương là rừng tràm và được UNESCO công nhận Vườn quốc gia U Minh Hạ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, huyện U Minh là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Thời gian gần đây, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện U Minh ngày càng tăng. Vào những ngày cuối tuần, các khu, điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện: Hoa Rừng, Hương Tràm (xã Khánh An); Khang Huy, Ba Liêm (xã Nguyễn Phích); vườn chim Năm Quốc, Sông Trẹm (xã Khánh Thuận), vườn nho Duy Minh, vườn sầu riêng của anh Trần Văn Nhất, tại ấp 10, xã Nguyễn Phích... Khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm nhiều dịch vụ, trò chơi hấp dẫn, thú vị như: gác kèo ong, đặt lờ bắt cá, tát mương bắt cá, bơi xuồng tham quan xuyên rừng, chạy xe đạp qua cầu treo, trượt cáp, cầu lắc, bơi xuồng ba lá… Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với du khách là được tận mắt xem các loài động vật quý hiếm tại khu du lịch sinh thái Sông Trẹm.

Du khách trải nghiệm đặt lợp bắt cá đồng

Du khách trải nghiệm đặt lợp bắt cá đồng

Đặc biệt, tại khu du lịch sinh thái Hoa Rừng, chủ lực là đàn cừu, đây là trang trại cừu đầu tiên tại Cà Mau. Tất cả các khu, điểm du lịch sinh thái đều được bố trí nhiều tiểu cảnh để du khách thỏa thích chụp hình lưu niệm và “check-in sống ảo” và trải nghiệm cuộc sống dân dã, yên bình chốn thôn quê với bộ đồ bà ba truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất U Minh như lẩu mắm rừng U Minh, cá lóc nướng trui, mắm ong, lươn um rau ngổ, chuột đồng chiên sả ớt, đọt choại luộc...

U Minh từng bước hình thành, phát triển du lịch thành một trong những ngành có giá trị lớn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế của huyện. Đồng thời, địa phương đã xây dựng một chương trình phát triển du lịch nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện. Phát triển du lịch thông minh theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiện đại, thời gian qua, các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện U Minh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với doanh nghiệp và du khách.

Huyện từng bước đưa ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá những sản phẩm du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: thành lập trang web du lịch, ứng dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để quảng bá, từ đó du khách trong và ngoài nước được biết, tìm hiểu về các sản phẩm du lịch của địa phương. Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Kết quả, trong 10 tháng đầu năm 2024 các khu du lịch trên địa bàn huyện đón 5.748 lượt khách, doanh thu 560 triệu đồng, lũy kế có 88.618 lượt khách, doanh thu hơn 9 tỉ đồng.

Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có điểm du lịch sinh thái, cộng đồng nào đạt chuẩn OCOP. Điều đó cho thấy sản phẩm OCOP của huyện U Minh thuộc lĩnh vực này vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện U Minh đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung phát triển sản phẩm OCOP lĩnh vực du lịch.

Mô hình lúa - tôm ở huyện U Minh

Mô hình lúa - tôm ở huyện U Minh

Qua khảo sát thực tế các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện, căn cứ vào các quy định, cũng như các điều kiện, huyện thống nhất chọn điểm du lịch sinh thái Hương Tràm để phát triển sản phẩm OCOP. Qua đánh giá bước đầu, Hương Tràm đáp ứng cơ bản các tiêu chuẩn đề ra và đang tích cực hướng dẫn chủ thể khu du lịch hoàn thiện hồ sơ để trình hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.

- Xin ông cho biết đời sống của người dân địa phương hiện nay như thế nào và đâu là động lực để huyện thúc đẩy kinh tế phát triển?

- Ông Lê Hồng Thịnh: Các tổ chức liên kết kinh tế khu vực vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Từ đó, huyện cần tạo lập một thị trường sản xuất và tiêu dùng rộng lớn, thúc đẩy đầu tư và thương mại nội khối, tăng cường hợp tác, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ trong khu vực; thúc đẩy quá trình mở của thị trường ở nhiều nơi, tạo cơ hội việc làm, thu hút đầu tư.

Hiện nay, huyện U Minh quan tâm xây dựng và phát triển được 5 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao và 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm đều khẳng định được giá trị kinh tế, không ngừng mở rộng được thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, trước mắt là phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2025 ở địa phương và trên cả nước. Huyện tiếp tục, mở rộng thị trường tiêu thụ, các chủ thể cần nâng cao chất lượng, mẫu mã khi các sản phẩm được xếp hạng theo tiêu chí đánh giá sản phẩm chương trình OCOP.

Nông dân phấn khởi thu hoạch tôm càng xanh

Nông dân phấn khởi thu hoạch tôm càng xanh

Chính vì thế, các cấp ngành của huyện U Minh không ngừng quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó, người dân tăng thêm thu nhập, đời sống ngày càng được nâng lên, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phat-huy-the-manh-tiem-nang-vung-u-minh-ha-226517.html
Zalo