Phát huy tầm vóc, giá trị lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975, Quảng Trị vững bước đi lên

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh. Từ mốc son chói lọi này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng nỗ lực vượt khó, dựng xây quê hương ngày càng phát triển.

NGUYỄN ĐĂNG QUANG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị

Ngày 3/2/1930, dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đó, Đảng ta đã lãnh đạo để làm nên Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 7/5/1954, Đảng lãnh đạo quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải chấm dứt cuộc xâm lược ở Việt Nam.

Nhưng với dã tâm xâm chiếm Việt Nam, Chính phủ Mỹ đã phá hoại việc thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, xúc tiến kế hoạch xâm nhập vào miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, làm căn cứ tiến công miền Bắc-tiền đồn của hệ thống XHCN ở Đông Nam Á. Chế độ Mỹ - ngụy đã đàn áp dã man phong trào cách mạng ở miền Nam, mở rộng ném bom ra miền Bắc từ năm 1964.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự chi viện sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc, sự hỗ trợ tích cực của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN và của nhân dân các nước trên thế giới, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường đấu tranh chống chế độ Mỹ - ngụy, lần lượt đánh bại các chiến lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri 1973, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trong Ngày hội thống nhất non sông - Ảnh: Huy Nam

Khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trong Ngày hội thống nhất non sông - Ảnh: Huy Nam

Sau khi ký Hiệp định Pa-ri, Chính phủ Mỹ vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục viện trợ về kinh tế, quân sự cho chính quyền Sài Gòn nhằm phá hoại Hiệp định Pa-ri, giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Hội nghị Trung ương lần thứ 21 vào tháng 7/1973, đã phân tích thành quả cách mạng miền Nam trong 18 năm qua, khẳng định con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Phải có những đòn quyết định, tiêu diệt tập đoàn chiến lược lớn của địch để nhanh chóng thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và bước nhảy vọt về thời cơ.

Ngày 29/7/1974, quân ta đánh Chi khu quân sự Thượng Đức, qua 10 ngày chiến đấu liên tục, ta đã làm chủ Chi khu quân sự Thượng Đức. Tại hội nghị Bộ Chính trị ngày 30/9/1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá cao chiến thắng quân sự Thượng Đức: “Khi không dựa được vào sự chi viện lớn của không quân Mỹ, khi không còn nhiều đạn pháo để sử dụng thì sức chiến đấu của quân ngụy rất yếu. Cả trong tấn công cũng như phòng ngự. Cuối cùng, tôi khẳng định: thời cơ chiến lược đã đến...”.

Hội nghị đã thông qua kế hoạch quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 trên 2 hướng chiến lược là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy và kết thúc toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975 giải phóng toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Thắng lợi đó là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên CNXH.

Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IV của Đảng ta đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Mảnh đất Quảng Trị luôn thấm đẫm giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng, nơi cháy lên niềm tin bất diệt về khát vọng hòa bình, thống nhất và tương lai tươi sáng của dân tộc. Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là đầu cầu chiến lược nối liền hai miền Nam-Bắc, là căn cứ địa, là bàn đạp tiến công để giải phóng miền Nam, là vành đai thép trực tiếp bảo vệ miền Bắc XHCN. Góp sức làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, có hàng vạn người con Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu và hy sinh.

Sau ngày giải phóng toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Quảng Trị tiếp tục công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương từ hoang tàn, đổ nát; chung sức, đồng lòng đoàn kết, vượt khó đi lên cả khi cùng tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế trong ngôi nhà chung Bình Trị Thiên, hay khi trở về với tên gọi thân thương của mình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống anh hùng, đồng cam cộng khổ, cần cù và sáng tạo để tái thiết và xây dựng quê hương.

Những làng quê bị tàn phá bởi bom đạn của kẻ thù đang trở nên trù phú. Toàn tỉnh hiện có 75/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4/7 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là Cam Lộ, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng...

Một góc thành phố Đông Hà - Ảnh: Huy Nam

Một góc thành phố Đông Hà - Ảnh: Huy Nam

Nhiều đô thị được hình thành và phát triển, trong đó thành phố Đông Hà đã được công nhận đô thị loại II. Những địa danh của một thời hoa lửa: Thành Cổ Quảng Trị, Hiền Lương-Bến Hải, Cồn Tiên Dốc Miếu, Cửa Việt, Chiến khu Ba Lòng, Đường 9 Khe Sanh, Đảo Cồn Cỏ tiền tiêu và nhiều địa danh khác đã trở thành biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là điểm du lịch tâm linh, hòa bình và hữu nghị yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nền kinh tế hiện nay đã có sự phát triển khá toàn diện với những mũi đột phá, hiệu quả trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh riêng có. Từ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại-dịch vụ, phát triển năng lượng tái tạo đã có bước tiến quan trọng, đúng hướng; môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Trong định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các dự án động lực nhằm tạo bước đột phá, quyết tâm phát triển toàn diện, từng bước khẳng định vị thế, trong đó, đáng chú ý như: Khu bến cảng Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỉ đồng, đóng vai trò chiến lược trong việc phát triển kinh tế biển, tạo đòn bẩy cho hoạt động logistics và xuất nhập khẩu của khu vực; Khu công nghiệp Quảng Trị với tổng vốn đầu tư 2.074 tỉ đồng, đây là điểm nhấn trong việc thu hút doanh nghiệp sản xuất, tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương.

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ giúp Quảng Trị kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế; Cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ và đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây sẽ góp phần nâng cao hạ tầng giao thông, giúp Quảng Trị phát huy vai trò là cửa ngõ của Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Sản xuất ván ép tại Khu Công nghiệp Quán Ngang - Ảnh: Huy Nam

Sản xuất ván ép tại Khu Công nghiệp Quán Ngang - Ảnh: Huy Nam

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng phát triển bền vững, không chỉ tận dụng tối đa tiềm năng tự nhiên mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá trong nhiều năm liên tục, quy mô nền kinh tế được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với gần 80% phi nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được đẩy mạnh, củng cố. Lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục...và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân được quan tâm đầu tư. Công tác an sinh xã hội, lao động, việc làm, giảm nghèo, chăm lo người có công với cách mạng, đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và đối ngoại được tăng cường.

Đặc biệt, vào tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị và từ những chỉ đạo của Tổng Bí thư đã trở thành “kim chỉ nam” cho các quyết sách chiến lược, tạo động lực mạnh mẽ để Quảng Trị đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực miền Trung.

Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn chính quyền và Nhân dân Quảng Trị giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, chủ động sáng tạo, cùng với thời cơ vận hội mới, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tạo bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Đạt được thành tựu trên là nhờ sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà qua các thời kỳ đã phát huy cao độ sức mạnh nội sinh, sự đồng thuận xã hội, nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn để dựng xây quê hương ngày càng phát triển.

Quá khứ vinh quang chỉ thật sự được trân trọng khi hiện tại và tương lai được tiếp nối một cách bền vững và ngày càng nở hoa, kết trái. Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn, người cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị quyết tâm tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, tất cả vì cuộc sống của Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc và tốt đẹp hơn.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư ở huyện Hướng Hóa, Đakrông, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Huy Nam

Nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư ở huyện Hướng Hóa, Đakrông, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Huy Nam

Với niềm tin, khát vọng cháy bổng, tỉnh Quảng Trị quyết tâm khắc phục khó khăn, hạn chế, loại bỏ các điểm nghẽn, lực cản của sự phát triển. Phát huy tốt tài nguyên con người, nhất là đặc tính thông minh, hiếu học, cần cù, chịu khó, khả năng thích ứng trước những thay đổi của người Quảng Trị.

Không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, củng cố, xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị thực sự vững mạnh để tập trung lãnh đạo, thực hiện các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện công tác quy hoạch tỉnh phục vụ tốt hơn cho thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tiếp tục khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh hạnh phúc; thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo vìlợi ích chung. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tích cực cải cách hành chính; thu hút đầu tư có chất lượng.

Ưu tiên nguồn lực và ngân sách để phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, logistics trọng yếu của tỉnh, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch, các tuyến đường bộ từ cửa khẩu quốc tế La Lay, Lao Bảo về cảng biển Mỹ Thủy, phát huy lợi thế Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Phối hợp với các tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) nghiên cứu, đề xuất thực hiện các chính sách chung cho phát triển kinh tế biên giới; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị làm hạt nhân, động lực cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tập trung tháo gỡ các nút thắt phát triển, tạo đột phá thực sự cho các ngành kinh tế có tiềm năng dựa trên các lợi thế của tỉnh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng, biến nơi đây thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Gắn với đó là chú trọng đầu tư cho giáo dục vày tế, thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm chăm lo tốt đối tượng chính sách, gia đình người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quê hương.

Từ tầm vóc, giá trị lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975, thành tựu sau 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-huy-tam-voc-gia-tri-lich-su-cua-dai-thang-mua-xuan-nam-1975-quang-tri-vung-buoc-di-len-193300.htm
Zalo