Phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với cả nước, lực lượng vũ trang (LLVT) Long An lập nên nhiều chiến công vang dội để cùng cả nước hoàn thành mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong những thắng lợi đó, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật góp phần to lớn bảo đảm cho các lực lượng tham gia chiến đấu. Việc phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác hậu cần - kỹ thuật là bài học kinh nghiệm quý báu còn nguyên giá trị cho hiện tại và tương lai.

Đại tá Hà Thanh Tuấn - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Đại tá Hà Thanh Tuấn - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Trước hết, phải nâng cao khả năng độc lập, tự lực bảo đảm các mặt hậu cần - kỹ thuật của các đơn vị cơ sở. Những ngày đầu thành lập LLVT tỉnh, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn. Vũ khí, gạo, quần áo, thuốc men đều thiếu trầm trọng, y tế phải dùng cưa thợ mộc để phẫu thuật không có gây mê,...

Đứng trước những khó khăn đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành Hậu cần - Kỹ thuật được giao nhiệm vụ xây dựng công tác hậu cần - kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ chiến đấu lâu dài. Từ đó, các đơn vị bộ đội của tỉnh, huyện, dân quân du kích xã chủ động, tích cực tăng gia sản xuất, chủ động nguồn lương thực, thực phẩm. Việc chủ động tăng gia sản xuất góp phần giải quyết được tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, giúp bộ đội bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, ngành Quân y chủ động áp dụng các phương pháp dân gian, thu thập các cây thảo dược làm thuốc về trồng tại vườn thuốc. Các chiến sĩ quân y được đào tạo, nâng cao trình độ cứu chữa. Nhiều loại thuốc được Quân y tỉnh chủ động sản xuất như huyết thanh mặn, ngọt, vitamin B6, vitamin B12, Nôvacaine, Philatop,... Công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội ngày càng được cải thiện.

Đối với ngành Quân giới, đã chủ động thành lập các cơ sở sửa chữa và sản xuất vũ khí. Các quận, huyện đều chủ động thành lập các ban, các tổ, xưởng sửa chữa vũ khí.

Riêng đầu năm 1961, tỉnh xây dựng từ 2 tổ sản xuất vũ khí thành 2 xưởng quân giới. Những xưởng quân giới này có thể sản xuất được mìn FT (phá tường), cải tạo pháo cối lép thành mìn. Mỗi tháng, 2 xưởng sản xuất được 100 quả lựu đạn phóng, 200 quả lựu đạn gài, 250 lựu đạn ném, 15 mìn FT, “rờ sạc” 5.000 viên đạn.

Các công trường huyện cũng sản xuất nhiều lựu đạn gài, sửa súng hỏng,... Sự phát triển của ngành Quân giới đã cung cấp một số lượng lớn vũ khí cho các đơn vị chiến đấu. Vì vậy, việc nâng cao khả năng tự lực bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho đơn vị cơ sở là vấn đề có ý nghĩa sống còn trong các hoạt động chiến đấu liên tục, dài ngày.

Phụ nữ Kiến Tường tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí đạn (Ảnh tư liệu)

Phụ nữ Kiến Tường tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí đạn (Ảnh tư liệu)

Phát huy khả năng bộ đội, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa tích cực tham gia công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật. Trong điều kiện chiến đấu gian khổ và ác liệt, tỷ lệ thương vong trong các trận đánh, các chiến dịch là không thể tránh khỏi. Đời sống sinh hoạt của bộ đội thiếu thốn, khó khăn nhiều mặt, từ ăn uống đến thuốc điều trị. Vì vậy, việc huy động, động viên lực lượng bộ đội tích cực tham gia công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật góp phần to lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho chiến đấu.

Trước hết phải tổ chức giáo dục, xây dựng cho mọi cán bộ, chiến sĩ có ý thức trách nhiệm cao, tự giác, chủ động tham gia các mặt công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật như vận chuyển vật chất, cứu chữa thương binh để tự bảo đảm cho chính đơn vị mình, bản thân mình và đồng đội mình. Mặt khác, đối với ngành Hậu cần - Kỹ thuật các cấp ở đơn vị cơ sở, nhất là tuyến trung đoàn, tiểu đoàn phải xác định những nội dung công tác hậu cần - kỹ thuật của đơn vị để bộ đội tham gia có hiệu quả, phù hợp.

Xây dựng thế trận hậu cần - kỹ thuật liên hoàn, vững chắc. Bố trí, triển khai lực lượng hậu cần - kỹ thuật trên địa bàn tác chiến gắn với thế bố trí, triển khai lực lượng, các cơ sở KT-XH của địa phương như bệnh viện, kho tàng, cơ sở sản xuất nhằm tạo nên thế liên hoàn vững chắc, tiện lợi trong huy động, khai thác lực lượng, cơ sở vật chất hậu cần - kỹ thuật tại địa phương, bảo đảm cho lực lượng tác chiến kịp thời, liên tục, lâu dài, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho bộ đội.

Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho bộ đội tác chiến thọc sâu gặp rất nhiều khó khăn vì phải vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí trang bị từ ngoài biên giới vào các lõm căn cứ trong nội địa. Trước những khó khăn đó, Bộ Chỉ huy Phân khu phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy thành lập Hội đồng cung cấp do đồng chí Lê Mâu - Bí thư Huyện ủy Đức Hòa làm Trưởng ban; động viên đồng bào các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí.

Phòng Hậu cần Phân khu 2 có 1 xưởng quân khí, 1 bệnh xá 100 giường bệnh; lúa gạo vận động nhân dân tích trữ để bán và ủng hộ bộ đội. Đối với Phân khu 3, do chiến trường khó khăn nên đã chủ động tổ chức nhiều chốt cụm nhỏ như Hậu cần huyện Châu Thành, Cụm hậu cần Long Cang - Cần Đước, Cụm hậu cần Nhà Bè. Thế trận đó đã bảo đảm kịp thời mọi mặt hậu cần cho các lực lượng tiến công và nổi dậy.

Kết hợp huy động lực lượng và khai thác cơ sở, vật chất hậu cần - kỹ thuật tại chỗ bảo đảm kịp thời, liên tục cho bộ đội. Trong tác chiến chiến dịch, việc phối hợp các đơn vị tham gia tác chiến trên địa bàn rộng, thời gian dài nên nhu cầu bảo đảm rất lớn, nhất là bảo đảm vũ khí, trang bị và cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh.

Bởi vậy, việc huy động lực lượng và khai thác vật chất hậu cần tại chỗ bảo đảm cho tác chiến là yếu tố hết sức quan trọng nhằm bảo đảm được kịp thời, liên tục mọi mặt hậu cần trong mọi tình huống tác chiến.

Để thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta vận động mỗi gia đình chuẩn bị từ 3-4 giạ gạo đựng vào thùng phuy chôn giấu ở trong nhà hoặc sông, rạch chờ bộ đội đến nhận gạo. Bộ đội hành quân chỉ phải mang theo 2 cơ số đạn và 2, 3 ngày lương khô, còn gạo ăn dọc đường hành quân có các chốt hậu cần bảo đảm. Vận chuyển hàng tấn vũ khí từ biên giới, ta đã huy động xuồng, ghe của nhân dân, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác bảo dưỡng xe sẵn sàng chiến đấu

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác bảo dưỡng xe sẵn sàng chiến đấu

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, với đối tượng tác chiến có vũ khí trang bị hiện đại, hỏa lực không quân, pháo binh, UAV trinh sát, UAV cảm tử, tên lửa rất mạnh, khả năng cơ động nhanh, tác chiến rất ác liệt trên không gian rộng, không phân tuyến,...

Điều này làm cho việc bảo đảm hậu cần - kỹ thuật rất khó khăn, phức tạp. Bởi vậy, phải nghiên cứu, xây dựng cơ cấu tổ chức lực lượng hậu cần các cấp một cách hợp lý. Đặc biệt xây dựng yếu tố con người, đó là xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chiến sĩ hậu cần có phẩm chất cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, không ngừng phát triển, đổi mới các trang bị, phương tiện vật chất hậu cần - kỹ thuật theo hướng hiện đại.

Người chỉ huy các cấp phải chủ động nắm chắc khả năng nguồn nhân tài, vật lực của hậu cần - kỹ thuật khu vực phòng thủ, hậu cần - kỹ thuật nhân dân để có các biện pháp kết hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi mặt cho huấn luyện chiến đấu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và tác chiến.

Với những thực tế sinh động trên, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật khẳng định bài học quan trọng của ngành là phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của mọi cấp, mọi ngành, đặc biệt là phát huy vai trò, khả năng của bộ đội, của nhân dân địa phương tham gia công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật./.

Đại tá Hà Thanh Tuấn - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phat-huy-suc-manh-tong-hop-trong-cong-tac-bao-dam-hau-can-ky-thuat-a187415.html
Zalo