Phát huy sức mạnh mềm của quốc gia

Thương hiệu quốc gia Việt Nam phụ thuộc vào cách chúng ta kể câu chuyện của chính mình - một câu chuyện thương hiệu đầy bản sắc, đậm tính nhân văn và hướng tới tương lai bền vững.

Bà Trần Tuệ Tri, Đồng sáng lập kiêm Cố vấn cao cấp của Vietnam Brand Purpose

Bà Trần Tuệ Tri, Đồng sáng lập kiêm Cố vấn cao cấp của Vietnam Brand Purpose

Thương hiệu quốc gia không chỉ là biểu tượng của hình ảnh đất nước mà còn là yếu tố cốt lõi để Việt Nam cạnh tranh trên trường quốc tế. Một thương hiệu mạnh giúp định hình nhận thức tích cực, thúc đẩy quyết định đầu tư, kinh doanh, hay lựa chọn du lịch của cộng đồng quốc tế.

Để xây dựng được thương hiệu như vậy, Việt Nam cần tận dụng những lợi thế vốn có như di sản văn hóa đa dạng, con người thân thiện, và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện.

Quan trọng hơn, thương hiệu quốc gia phải chạm đến trái tim con người thông qua sức mạnh mềm trong kỷ nguyên vươn mình, mà văn hóa chính là nền tảng cốt yếu.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên mà mọi người đều có cuộc sống ấm no hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển làm giàu, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Sứ mệnh của kỷ nguyên vươn mình không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn xây dựng sự phát triển bền vững dựa trên các giá trị văn hóa và nhân văn. Văn hóa là thứ không thể sao chép, là “hồn cốt” của dân tộc, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Một yếu tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu quốc gia là sự nhất quán trong nhận thức và hành động. Chúng ta không thể chỉ nói về văn hóa, lịch sử hay tiềm năng mà phải chứng minh điều đó qua các thành tựu cụ thể. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ nhà nước, doanh nghiệp đến từng cá nhân, với mục tiêu biến nhận thức thành hành động cụ thể.

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rõ những quốc gia thành công trong việc xây dựng thương hiệu gắn liền với văn hóa. Hàn Quốc với K-pop, K-drama, những bộ phim cổ trang hấp dẫn và đầy cuốn hút, không chỉ giúp quảng bá đất nước mà còn tạo nên sức hút khó cưỡng đối với người trẻ toàn cầu.

Mỹ, thông qua phim Hollywood, đã kể những câu chuyện mang đậm tính văn hóa và lịch sử, từ đó định hình nhận thức của thế giới về giá trị Mỹ. Singapore, một thành phố hiện đại bậc nhất, đã khéo léo kết hợp văn hóa Á Đông với sự đổi mới sáng tạo để xây dựng một trung tâm văn hóa, giải trí hàng đầu Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng có những lợi thế vượt trội, với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú. Từ câu chuyện lịch sử hào hùng về Hai Bà Trưng, ba lần chiến thắng quân Nguyên, đến những giá trị văn hóa hiện đại, chúng ta có vô số nội dung để khai thác và phát triển. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao để kể câu chuyện của mình một cách hấp dẫn và hiện đại, để thế giới không chỉ biết đến mà còn yêu mến Việt Nam?

Văn hóa không chỉ là những giá trị truyền thống mà còn phải được tái hiện sáng tạo để phù hợp với thời đại, gắn kết trong nước và hội nhập quốc tế.

Phim ảnh và giải trí là những công cụ hiệu quả để kể câu chuyện văn hóa. Những bộ phim như “Đào, phở và piano” đã chứng minh rằng các câu chuyện lịch sử, khi được tái hiện sáng tạo và hiện đại, có thể chạm đến trái tim của người trẻ.

Hàn Quốc đã thành công khi sử dụng các bộ phim cổ trang kết hợp yếu tố hiện đại để tạo ra sức hút toàn cầu. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi, với những câu chuyện lịch sử phong phú.

Các chương trình văn hóa hiện đại như À Ố Show, Tinh hoa Bắc Bộ hay Ký ức Hội An… đã chứng minh tiềm năng của việc kết hợp giữa văn hóa truyền thống và cách thể hiện mới mẻ để thu hút khán giả quốc tế. Sử dụng các vật liệu truyền thống như mây, tre, nứa, chương trình không chỉ giữ được nét đặc sắc của văn hóa Việt mà còn chạm đến cảm xúc người xem thông qua cách dàn dựng hiện đại, âm nhạc tinh tế. Đây là một ví dụ điển hình về việc làm mới giá trị cũ, để chúng không chỉ tồn tại mà còn phát triển.

Kỷ nguyên vươn mình là cơ hội vàng để Việt Nam tái định vị hình ảnh đất nước. Ảnh: Lê Toàn

Kỷ nguyên vươn mình là cơ hội vàng để Việt Nam tái định vị hình ảnh đất nước. Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa và giải trí mạnh mẽ, chúng ta cần đầu tư bài bản vào công nghệ và hạ tầng, từ sân khấu, điện ảnh, đến các sản phẩm truyền thông khác. Một ví dụ tiêu biểu là cách các quốc gia phát triển tận dụng công nghệ để nâng tầm văn hóa. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam: làm sao để công nghệ và văn hóa cùng phát triển, tạo nên sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ.

Những chương trình biểu diễn (concert) chất lượng dành cho giới trẻ được tổ chức mới đây với quy mô hàng chục nghìn người đã chứng minh Việt Nam có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, để thu hút khán giả quốc tế thì sẽ cần nhiều nỗ lực hơn.

Không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa còn có thể được lồng ghép vào các sản phẩm kinh doanh, tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu. Hình ảnh truyền thống của Việt Nam trong những sản phẩm quốc dân như chiếc bút bi Thiên Long hay gốm sứ Minh Long được thiết kế hiện đại, phù hợp với giới trẻ năng động và hội nhập đã đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa.

Tương tự, các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống như tranh sơn mài, tre, nứa, khi được thiết kế hiện đại, sẽ mang đến sức hút mới cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên cần lưu ý, phở Việt Nam khi xuất khẩu không thể giữ nguyên hương vị truyền thống mà phải điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của người nước ngoài, trong khi vẫn giữ được giá trị cốt lõi, tinh túy. Văn hóa Việt khi mang ra thế giới vẫn cần giữ được bản sắc nhưng cần tinh chỉnh cho phù hợp trong cách truyền tải để cuốn hút công chúng toàn cầu.

Đó là sự hài hòa giữa bản sắc văn hóa và yêu cầu thị trường, một bài toán khó nhưng cần thiết để thương hiệu Việt Nam vươn xa.

Ngoài ra, ngành công nghiệp ẩm thực cũng có thể trở thành kênh quảng bá văn hóa hiệu quả khi Việt Nam đang được kỳ vọng trở thành bếp ăn sạch của thế giới. Hàn Quốc đã thành công khi gắn kết ẩm thực với các giá trị văn hóa thông qua phim ảnh, khiến các món ăn truyền thống như kim chi, mì ramen trở thành biểu tượng văn hóa toàn cầu. Việt Nam, với bề dày văn hóa ẩm thực như phở, bánh mì, bún chả, hoàn toàn có thể đi theo con đường này.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách kể câu chuyện đằng sau mỗi món ăn, để mỗi món ăn không chỉ ngon miệng mà còn đọng lại trong lòng người thưởng thức những giá trị văn hóa độc đáo.

Câu chuyện thương hiệu quốc gia cũng cần sự cộng hưởng giữa các lĩnh vực. Kinh doanh, điện ảnh, ẩm thực, du lịch và các sản phẩm văn hóa phải cùng nhau tạo thành một hệ sinh thái bền vững.

Chẳng hạn, khi Nhật Bản bán bút, họ kết hợp với manga và anime để tạo nên một sản phẩm không chỉ mang tính chức năng mà còn chạm đến cảm xúc của người dùng trẻ. Đây chính là bài học lớn cho Việt Nam: làm sao để mỗi sản phẩm, mỗi ngành hàng không chỉ kể câu chuyện của riêng mình mà còn hợp sức vươn xa và cùng nhau phát triển thương hiệu dân tộc trên sân chơi toàn cầu.

Xây dựng thương hiệu quốc gia không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà cần sự chung tay của mọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Chúng ta cần tạo cảm hứng và môi trường để mỗi người dân đều có ý thức và trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Một hệ sinh thái sáng tạo, với sự hỗ trợ từ các chính sách, hạ tầng và truyền thông, sẽ là nền tảng quan trọng để văn hóa Việt Nam vươn xa.

Kỷ nguyên vươn mình là cơ hội vàng để chúng ta tái định vị hình ảnh đất nước, biến văn hóa thành sức mạnh mềm, và thương hiệu quốc gia thành cầu nối để Việt Nam bước ra thế giới. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta không chỉ cần sự sáng tạo mà còn cần sự quyết tâm và kiên trì.

Chỉ khi văn hóa được bảo tồn và phát triển, thương hiệu quốc gia mới thật sự mạnh mẽ, đủ sức chinh phục trái tim và khối óc của mọi người. Thương hiệu quốc gia Việt Nam phụ thuộc vào cách chúng ta kể câu chuyện của chính mình - một câu chuyện đầy bản sắc, đậm tính nhân văn và hướng tới tương lai bền vững.

Trần Tuệ Tri, Cố vấn cao cấp của Vietnam Brand Purpose

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/phat-huy-suc-manh-mem-cua-quoc-gia-d38862.html
Zalo