Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế thực hiện thắng lợi việc chuyển quân, tập kết theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954

Cách đây 70 năm, với Hiệp định Giơnevơ, chúng ta đã thực hiện thành công việc chuyển quân, tập kết cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc. Thắng lợi của việc chuyển quân, tập kết năm 1954 - 1955 trước hết là do chủ trương, cách thức tổ chức đúng đắn; đồng thời cũng là kết quả của việc tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước, của việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hiệp định Giơnevơ và vấn đề chuyển quân, tập kết

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự tại Đông Dương đã được ký kết. Theo Hiệp định, các nước công nhận và tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương; Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước; Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia.

Riêng đối với Việt Nam, Hiệp định quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, Quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không có giá trị là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7/1956.

Việc tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực được thực hiện trong vòng 300 ngày, kể từ ngày 21/7/1954. Ở miền Bắc, khu vực Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày, Hải Dương 100 ngày, Hải Phòng, Kiến An, Hồng Quảng 300 ngày của quân đội Pháp. Ở miền Nam, thời gian Việt Nam bàn giao cho phía Pháp quy định khác nhau. Tại Trung Bộ, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định là 300 ngày, các tỉnh khác bàn giao xong trước ngày 31/8/1954. Tại Nam Bộ, khu vực Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) vùng tập kết 80 ngày; vùng Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười là 100 ngày, riêng khu tập kết Cà Mau là 200 ngày.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đón tiếp cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tập kết, Đảng đã chỉ̉ đạo chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy, chính quyền đến các tổ chức đoàn thể nhân dân.

Ngày 31/8/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc”. Ban Bí thư quyết định thành lập Ban phụ trách chung về công tác đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Văn Lương, Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Bộ Thương binh Vũ Đình Tụng, các đại biểu của Mặt trận Liên Việt, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo làm Trưởng ban1.

Việc tổ chức đón và tiếp nhận người tập kết do nhiều cơ quan khác nhau đảm nhận. Phần lớn số bộ đội do Bộ Quốc phòng đảm nhận; số dân sự do Bộ Lao động và một số bộ, ngành đảm nhận; gia đình và con em cán bộ, chiến sĩ do Bộ Giáo dục giải quyết. Sau khi đón tiếp, những đơn vị tập kết được đưa về Hà Nội và các nơi khác ở miền Bắc. Bộ Lao động và các cơ quan hữu quan bố trí công việc hoặc vào cơ quan Nhà nước, hoặc vào các xí nghiệp, nông trường. Đối với học sinh miền Nam tập kết, Đảng và Nhà nước coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Chăm lo đời sống sinh hoạt, giáo dục cho học sinh miền Nam còn nhằm mục đích lâu dài là đào tạo nhân tài cho miền Nam.

Đối với các địa phương được giao nhận đồng bào tập kết, Ban Bí thư yêu cầu phải lập ngay ban phụ trách. Ban phụ trách các cấp từ khu đến xã sẽ gồm đại diện cấp ủy đảng, chính quyền, bộ đội, cơ quan thương binh; ở xã thì có đại diện chi ủy, ủy ban, tổ chức nông hội, Mặt trận Liên Việt, lực lượng dân quân. Ban phụ trách chuẩn bị việc tiếp đón và lập kế hoạch phân phối người về các huyện, các xã, là những nơi phải đủ các điều kiện như: nhân dân có giác ngộ chính trị cao, có chỗ ở tạm được, không hẻo lánh và khí hậu xấu.

Ở miền Bắc, các tỉnh được giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào và chiến sỹ miền Nam tập kết gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; trong đó Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Cửa Hội (Nghệ An) là những địa điểm đón tiếp cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tập kết theo đường biển; Hà Tĩnh và Quảng Bình đón tiếp qua đường bộ.

Thực hiện sự phân công của Trung ương, Liên khu ủy Liên khu IV đã ra Chỉ thị số 161/CT-LK4 “Về kế hoạch đón tiếp quân đội, cán bộ, đồng bào miền Nam”, quy định các điểm đón tiếp, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuẩn bị các điều kiện vật chất cho công tác đón tiếp. Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư và của Liên Khu ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã thành lập Ban đón tiếp. Các sở, ty chuyên môn được giao phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực như: xây dựng lán trại, bố trí nơi ở, cung cấp lương thực thực phẩm, đảm bảo cuộc sống cho đồng bào tập kết.

Ở miền Nam, để chuẩn bị cho công việc chuyển quân tập kết, tháng 7/1954, Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị số 41/CT-TWC “Về việc tập kết quân đội và chính quyền”, quán triệt đến các cấp ủy đảng, đảng viên mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của người tập kết ra miền Bắc và người ở lại tiếp tục hoạt động ở miền Nam. Tiếp đó, ngày 23/10/1954, Trung ương Cục ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy chuyển quân ở các khu, các tỉnh và khu tập kết Cà Mau. Đảng ủy chuyển quân cấp tỉnh đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy chuyển quân cấp khu; Đảng ủy chuyển quân Khu Cà Mau đặt dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục. Các địa phương, cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang các cấp tiến hành lập danh sách, phân loại, cử người tiếp tục ở lại và người ra đi tập kết2.

Việc chuyển quân, tập kết cán bộ, chiến sỹ và nhân dân miền Nam ra miền Bắc và Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia về nước diễn ra trong bối cảnh miền Bắc còn nhiều khó khăn và tâm lý của cán bộ, chiến sỹ miền Nam có những phức tạp nhất định.

Ở miền Nam, việc chuyển quân tập kết từ miền Nam ra miền Bắc thực sự là cuộc đấu tranh tư tưởng, tuy âm thầm nhưng đầy quyết liệt của quân và dân miền Nam, nhất là ở những vùng tự do, khu du kích, căn cứ du kích.

Hội nghị Geneve 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. ẢNH TƯ LIỆU

Hội nghị Geneve 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. ẢNH TƯ LIỆU

Như chúng ta đã biết, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Liên khu V và rất nhiều vùng khác ở miền Nam là vùng tự do, do ta làm chủ. Thực hiện chủ trương chuyển quân, tập kết, đồng bào miền Nam trong vùng tự do vừa phải chia tay hàng chục ngàn cán bộ và con em tập kết ra Bắc; đồng thời phải trở lại sống dưới sự kiểm soát của địch. Những người ở lại nảy sinh tư tưởng và suy nghĩ băn khoăn lo lắng: Liệu kẻ địch có thi hành Hiệp định Giơnevơ hay không, dưới chính quyền địch cuộc sống của người dân sẽ ra sao; con em của những người tập kết liệu có bị phân biệt, trả thù hay không?.

Trong khi đó ở miền Bắc, vào cuối năm 1953 đầu năm 1954, nhân dân vùng tự do Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như các tỉnh khác tập trung nhân lực, vật lực cho chiến trường Điện Biên Phủ, do vậy đến thời điểm năm 1954, đời sống của nhân dân các tỉnh này rất khó khăn, thậm chí có địa phương bị thiếu đói.

Để thực hiện thành công việc chuyển quân, tập kết theo Hiệp định Giơnevơ, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở cả hai miền nhằm đi đến sự đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Tuyên truyền, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chuyển quân, tập kết

Ngày 22/7/1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, giải thích rõ yêu cầu, mục đích của việc chuyển quân, tập kết: "Ðể thực hiện hòa bình, bước đầu tiên là quân đội hai bên phải ngừng bắn. Ðể ngừng bắn, thì cần phải tách quân đội hai bên ra hai vùng khác nhau: tức là điều chỉnh khu vực. Ðiều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử… Ðó là một việc cần thiết. Nhưng Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng"3.

Tiếp sau đó, ngày 27/7/1954, trong Chỉ thị “Tuyên truyền về những Hiệp định của Hội nghị Giơnevơ. Tình hình và nhiệm vụ mới”, Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Việc điều chỉnh thành hai vùng đóng quân dứt khoát ở Việt Nam là một việc làm cần thiết để thực hiện ngừng bắn và đình chiến và cũng là việc làm tạm thời trước khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam. Đó không phải là “chia cắt đất đai” không phải là “phân trị”… “Cần nêu khẩu hiệu “Điều chỉnh để đình chiến, tuyển cử để thống nhất”4.

Để thực hiện tốt việc chuyển quân, tập kết, ngày 31/8/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc, trong đó nêu rõ: “Việc đón tiếp, phân phối công tác, tìm nơi tạm ở và công ăn việc làm cho số người nói trên là rất trọng yếu, có ảnh hưởng và tác dụng chính trị rất lớn không những đối với tinh thần tư tưởng của những người ra ngoài này, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần đồng bào miền Nam ở trong kia”5, do đó, Ban Bí thư yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng để cho “cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là một nghĩa vụ và cũng là một vinh dự... Cần có thái độ ân cần, săn sóc, giúp đỡ anh chị em miền Nam giải quyết mọi sự khó khăn, lo lắng như với anh chị em ruột thịt… là thái độ đối với những người có công với Tổ quốc”6.

Tại miền Nam, trong Chỉ thị số 41/CT-TWC “Về việc tập kết quân đội và chính quyền”, Trung ương Cục miền Nam nêu rõ: “Việc xây dựng tư tưởng là một việc rất quan trọng. Có xây dựng tư tưởng chu đáo mới tránh được tình trạng cán bộ ở lại thì cảm thấy bị bỏ rơi, cán bộ ra đi cảm thấy như không được tin cậy”. Phải tuyên truyền cho mọi người nhận thức rõ “Đi hay ở đều là công tác, là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đều vinh quang như nhau”7. Tiếp đó, trong Chỉ thị số 50/CT-TWC ngày 20/8/1954, Trung ương Cục miền Nam yêu cầu lãnh đạo và xây dựng tư tưởng cho cán bộ và nhân viên các cấp: "Cách mạng cần đi thì đi, cách mạnh cần ở thì ở. Tuyệt đối không phải đi hay ở để hưởng lợi lộc cá nhân, để trốn tránh trách nhiệm, để chạy giặc"8.

Tại các điểm tập kết ở miền Nam, các đơn vị tập kết đẩy mạnh tuyên truyền thắng lợi kháng chiến và ý nghĩa của Hiệp định Giơnevơ, củng cố phát triển Mặt trận Dân tộc Thống nhất, xây dựng cơ sở mật, thực hiện các quyền tự do dân chủ, tăng cường công tác xã hội, khôi phục sản xuất, mua bán của nhân dân. Để giảm bớt khó khăn cho Trung ương trong việc đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết, Liên khu ủy miền Tây Nam Bộ đã huy động và gửi theo tàu ra miền Bắc khoảng 20.000 tấn gạo9.

Tại địa điểm tập kết Cà Mau, hàng ngàn đồng bào các nơi kéo về đây để tiễn bộ đội và con em lên tàu ra miền Bắc. Trong những ngày này, diễn ra nhiều câu chuyện xúc động, thể hiện tình cảm của nhân dân miền Nam với miền Bắc, với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong ngày tiễn đưa bộ đội ra Bắc, Má Tư Hố (Huỳnh Thị Sảnh), Hội trưởng Phụ nữ cứu quốc xã Trí Phải (huyện Thới Bình, Bạc Liêu) đã giao cho đồng chí Trung Kiên, đại đội trưởng đại đội hỏa lực Tiểu đoàn 307 cây vú sữa do bà ươm trồng và nói rằng: “Nhân dân xin tặng Bác Hồ cây vú sữa như hứa hẹn với Bác rằng: Đồng bào miền Nam, nhân dân Trí Phải luôn luôn giữ vẹn lòng chung thủy son sắt với sự nghiệp cách mạng do Bác lãnh đạo và nguyện vượt mọi khó khăn để bảo vệ và xây dựng đất nước”10.

Ngày 26/1/1955 (mùng 3 Tết Ất Mùi), đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam đã thay mặt đồng bào Nam Bộ tặng cây vú sữa cho Bác Hồ. Xúc động trước món quà đặc biệt của đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây vú sữa bên cạnh nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Cây vú sữa trong vườn Bác đã trở thành biểu tượng cho tấm lòng đồng bào miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm của Người đối với đồng bào miền Nam ruột thịt.

Ở miền Bắc, đến thời điểm này, đời sống của nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh còn rất nhiều khó khăn do tập trung nhân lực, vật lực cho chiến trường Điện Biên Phủ, song theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, nhân dân các địa phương đã dốc lòng, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang này.

Tại Thanh Hóa, khi được chọn là nơi đón đồng bào miền Nam tập kết, Chính quyền và Mặt trận Liên Việt xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) đã huy động, hàng nghìn ngày công lao động của quân và dân để xây dựng các cơ sở đón tiếp. Cả xã trở thành đại công trường, người người san lấp mặt bằng, dựng cột kèo, lán trại làm nơi cho cán bộ, đồng bào nghỉ ngơi, sinh hoạt; người thì làm đường, mở rộng đường ra Cảng Hới, làm tuyến cầu phao luồng dài hàng kilômét để đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam.

Nhân dân các huyện khác như: Quảng Xương, Nga Sơn, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân… đã cung cấp hàng ngàn con trâu, bò, lợn, hàng vạn con gà, vịt; hàng chục ngàn bộ quần áo, hàng ngàn màn, chăn, áo ấm. Đồng bào các huyện miền núi Như Xuân, Cẩm Thủy cung cấp hàng vạn cây luồng, nứa, bương, gỗ để xây dựng nhà cửa, lán trại. Nhân dân các địa phương đã cùng ngành y tế xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), 1 bệnh xá ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, đồng bào và học sinh miền Nam. Đến 1/5/1955, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đón 45 chuyến tàu, với 79.996 người; trong đó gồm 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết11.

Tại Nghệ An, cảng Cửa Hội được chọn làm nơi đón tiếp bằng đường biển. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và Mặt trận Liên Việt đã tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chủ trương tập kết với khẩu hiệu “nhường cơm, sẻ áo”, “vì miền Nam ruột thịt”, vận động nhân dân chuẩn bị cơ sở vật chất, nhường nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ và đồng bào, bố trí trường học cho các cháu học sinh miền Nam. Đến cuối tháng 12/1954, tại cảng Cửa Hội, nhân dân Nghệ An đã đón tiếp 26.629 cán bộ, bộ đội, thương binh và đồng bào miền Nam tập kết12.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình được phân công tiếp đón trên đường bộ, nhân dân địa phương đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các trạm tiếp đón, cung cấp lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn cho đồng bào tập kết.

Riêng ở Vĩnh Linh, địa phương tiếp giáp với miền Nam, trong điều kiện còn hết sức khó khăn, nhưng bà con Vĩnh Linh đã nhường 783 mẫu ruộng, góp sức mua được 207 con trâu và 427 con bò, sắm hàng chục ghe thuyền, hàng trăm xăm lưới để đồng bào tập kết có tư liệu sản xuất13. Trên tuyến đường bộ, các tỉnh thuộc Liên khu IV đã đón 11.345 người từ Quảng Trị, Thừa Thiên, trong đó có 4.608 cán bộ, chiến sĩ; 497 thương binh, 1.278 cán bộ Dân - Chính - Đảng, 3.061 người thuộc gia đình cán bộ và 1.163 hàng binh. Cùng với đó, Liên khu đã tổ chức 6 đợt đón tiếp Quân tình nguyện Việt Nam và Giải phóng quân Lào và quân đội Campuchia với số lượng 7.162 ngươì14.

Để đảm bảo đời sống cho đồng bào miền Nam tập kết, Liên khu IV đã thành lập 51 tập đoàn sản xuất nông, lâm ngư nghiệp dành cho các gia đình và cán bộ dân chính đảng. Tại Thanh Hóa, đồng bào được tiếp nhận vào làm việc trong các nông trường Phúc Do (huyện Cẩm Thủy), Thạch Quảng (huyện Thạch Thành), Lam Sơn (huyện Thọ Xuân), Thống Nhất (huyện Yên Định), Yên Mỹ (huyện Nông Cống). Cùng với đó, ngành đường sắt nhận 3.000 người; Bộ Lao động nhận 3.199 công nhân; Bộ Y tế nhận đưa vào bệnh viện gần 2.000 bệnh nhân, Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức ba khóa học cho 1.907 cán bộ Dân - Chính - Đảng, sau khi học xong được bố trí công tác tại các cơ quan ban ngành Trung ương và các tỉnh; 2.886 thương binh đã được chuyển đến các viện Quân y điều trị và Bộ Thương binh để điều dưỡng. Mặt trận Liên Việt đón 10 thân sĩ và gia đình; tổ chức lớp học cho 52 cán bộ15.

Đối với học sinh miền Nam tập kết, Đảng và Nhà nước coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Chăm lo đời sống sinh hoạt, giáo dục cho học sinh miền Nam còn nhằm mục đích lâu dài là đào tạo nhân tài cho miền Nam. Từ giữa tháng 10/1954 đến cuối tháng 5/1955, miền Bắc đón nhận vào các trường 12.089 học sinh, gồm 7.000 học sinh Liên khu V và gần 5.000 học sinh Nam Bộ. Số còn lại là học sinh Thừa Thiên, Quảng Trị… Hầu hết học sinh miền Nam ra Bắc được sắp xếp vào các trường học theo đúng trình độ, lứa tuổi, trong đó có 500 học sinh đã được đưa đi học tập tại các nước xã hội chủ nghĩa; số còn lại được đưa vào học trong các trường phổ thông16.

Đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia

Với đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng, trong suốt 9 năm kháng chiến, nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân đã hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Trong việc chuyển quân tập kết, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhờ Liên Xô giúp đỡ. Phía bạn đã lập một ủy ban hỗn hợp lo việc thuê tàu và tổ chức chuyên chở.

Từ ngày 26/8/1954, các tàu vận tải mang tên Arkhangelsk và Stavropol (của Liên Xô), Kilinski (của Ba Lan) bắt đầu đưa những đoàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc. Ngày 25/9/1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến Lạch Hới, Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ðến cuối tháng 10/1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở hai khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc và Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở khu vực Cà Mau ra đến miền Bắc. Ngày 16/5/1955, chuyến cuối cùng rời cảng Quy Nhơn, kết thúc việc chuyển quân, tập kết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng thời gian từ tháng 8/1954 đến 2/1955, tàu Arkhangelsk đã thực hiện 12 chuyến Nam - Bắc, chuyên chở hơn 30.000 người và hơn 1.300 tấn hàng; tàu Kilinski từ tháng 10/1954 đến 5/1955 đã thực hiện 27 chuyến, vận chuyển 85.000 người, 3.500 vũ khí các loại, 250 tấn đạn dược. Riêng tàu Stavropol, sau những chuyến Bắc - Nam, từ tháng 1/1955 đã chuyển sang chở gạo viện trợ từ Trung Quốc sang Việt Nam17.

Đối với cách mạng Lào và Campuchia, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước và cùng với việc đón quân tình nguyện Việt Nam, miền Bắc còn tiếp nhận một bộ phận quân đội và nhân dân Lào, Campuchia tập kết. Trên tuyến đường biển, trong lực lượng tập kết ra miền Bắc có 1.038 người của cách mạng Campuchia, gồm 6 cán bộ cấp Trung ương, 16 cán bộ cấp miền, tỉnh, 30 cán bộ cấp huyện, 12 sinh viên đại học và trung học, trong đó có 128 người là đảng viên Đảng Nhân dân Campuchia. Trên tuyến đường bộ, các tỉnh thuộc Liên khu IV đã tổ chức 6 đợt đón tiếp Quân tình nguyện Việt Nam, Quân giải phóng Lào và Quân đội cách mạng Campuchia, với số lượng 7.162 người; trong đó Quân giải phóng Lào có 3.979 người cùng với 162 phụ nữ và 83 thiếu nhi và 140 người của Quân đội cách mạng Campuchia tập kết theo các đơn vị của Hạ Lào18.

Cách đây 70 năm, thi hành Hiệp định Giơnevơ, chúng ta đã thực hiện thành công việc chuyển quân, tập kết, đưa hơn 120 nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, 500 tấn súng đạn, 600 tấn máy móc khí tài, 236 ô tô các loại từ Nam ra Bắc19.

Tổng kết cuộc chuyển quân, tập kết, trong bản báo cáo trình bày tạị Kỳ họp lần thứ 4, phiên họp thứ 2, Quốc hội khóa I, ngày 20/3/1955 về “Tình hình thi hành Hiệp định Geneva trong 8 tháng qua”, thay mặt Chính phủ, Ðại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định: "… Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn Liên Xô, Ba Lan trong việc vận chuyển, chúng ta đã thực hiện các việc nói trên đúng thời hạn hoặc sớm hơn thời hạn đã định. Và hiện nay trừ một bộ phận lực lượng của ta còn tạm đóng trong vùng Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, trên 7 vạn quân ta và một số anh em cán bộ và đồng bào ta ở miền Nam đã an toàn chuyển ra miền Bắc”20.

Như vậy, với chủ trương của Đảng là: “đề cao tinh thần yêu nước, yêu mến đồng bào miền Nam, đề cao tinh thần đoàn kết của nhân dân, cán bộ và bộ đội toàn quốc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất và hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc”21, nhân dân các địa phương miền Bắc đã dốc lòng, yêu thương, đùm bọc cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tập kết với tinh thần “Nam - Bắc một nhà, anh em ruột thịt”.

Việc tổ chức thắng lợi nhiệm vụ chuyển quân, tập kết cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam ra Bắc năm 1954 - 1955 là kết quả của chủ trương và sự chỉ đạo đúng đắn, của đường lối phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế của Đảng trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn. Kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, cách thức tổ chức, về việc phát huy lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển quân tập kết năm 1954 - 1955 luôn có giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Chú thích:

1,4,5,6,21. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 15, tr. 260, 241, 259, 261-262.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 51.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 2.

7,8. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn phòng: Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946 - 1975, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tập 5 (1953-9/1954), tr. 881-884, 915.

9,10. Ban Biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, tr. 362, 366.

11,13,14,15,17,18,19. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: 300 ngày đấu tranh, thi hành Hiệp định Giơnevơ (22/7/1954 - 17/5/1955), tr.168-172.

12. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An: Lịch sử Nghệ An tập II từ năm 1945 - 2005, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 235.

16. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam, tập 12, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr. 99.

20. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 1, 1945 - 1960. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 585.

NGUYỄN VĂN NHẬT - Phó Giáo sư, Tiến sỹ,

Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

nguyên Viện trưởng Viện Sử học

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-huy-suc-manh-doan-ket-dan-toc-doan-ket-quoc-te-thuc-hien-thang-loi-viec-chuyen-quan-tap-ket-theo-hiep-dinh-gionevo-nam-1954-57802.html
Zalo