Phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng văn bản luật gốc của nhà nước. Tại tỉnh Đắk Lắk, không khí thảo luận, góp ý kiến diễn ra sôi nổi, trách nhiệm và đầy tâm huyết.

Tại hội trường Tổ dân phố 13, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, đông đảo người dân đang tham gia thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Anh Nguyễn Phi Hùng, công dân trẻ của phường, cho biết mình đặc biệt quan tâm đến mô hình chính quyền địa phương hai cấp và cải cách thủ tục hành chính: “Tôi quan tâm đến vấn đề mô hình chính quyền địa phương hai cấp và rút gọn thủ tục hành chính hiện nay. Tôi nghĩ việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ giúp cho bộ máy nhà nước tinh gọn hiệu lực hiệu quả và hy vọng khi mà tôi góp ý qua ứng dụng VNeID sẽ tiếp cận được đến các bộ, ngành trung ương”.

Góp ý về những chủ trương lớn trong việc tổ chức lại bộ máy hành chính, ông Nguyễn Minh Hòa, ở phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột bày tỏ đồng thuận: “Sửa đổi Hiến pháp năm 2013 lần này, bản thân tôi và bà con nhân dân rất quan tâm để trên cơ sở chủ trương lâu nay của Đảng, Nhà nước về nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, nhập xã - phường nhằm giảm bớt quản lý hành chính là chủ trương lớn. Tôi rất đồng tình ủng hộ, tán thành chủ trương sửa đổi Hiến pháp lần này”.

Lần đầu tiên ứng dụng VNeID được sử dụng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (trong hình lực lượng công an hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID)

Lần đầu tiên ứng dụng VNeID được sử dụng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (trong hình lực lượng công an hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID)

Không chỉ về tổ chức bộ máy, việc đổi mới vai trò và cơ cấu tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng là nội dung được nhiều người dân quan tâm. Nhà giáo Hà Ngọc Đào chia sẻ góc nhìn từ thực tiễn: “Lần này đưa ra Hiến pháp đánh dấu một bước phát triển mới của đất nước. Sắp tới đây tất cả các tổ chức chính trị xã hội đều tập trung vào Mặt trận Tổ quốc, tôi thấy lâu nay cũng đã có tính độc lập của các tổ chức ấy nhưng chưa cao, sự đóng góp với xã hội chưa nhiều. Bây giờ tập trung vào Mặt trận thì sự đổi mới đó tốt hơn, khắc phục được tồn tại trước đây, làm cho trách nhiệm của các tổ chức ấy được đề cao hơn và đóng góp tốt hơn cho chính quyền”.

Phân tích cụ thể hơn về những nội dung trọng tâm được sửa đổi, ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nội dung cơ bản của sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung trọng tâm vào nhóm các vấn đề liên quan như sửa đổi về tổ chức bộ máy rồi mối quan hệ của Mặt trận và các thành viên của Mặt trận và một vấn đề nữa là lần này chúng ta sẽ triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng khi bộ máy ở địa phương hoạt động với mô hình chính quyền hai cấp thì nó sẽ đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả và thực chất hơn đối với tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và các vấn đề khác của địa phương”.

Ông Đỗ Đức Hà, phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng khi bộ máy ở địa phương hoạt động với mô hình chính quyền hai cấp sẽ đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả

Ông Đỗ Đức Hà, phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng khi bộ máy ở địa phương hoạt động với mô hình chính quyền hai cấp sẽ đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả

Điểm đáng chú ý, trong lần lấy ý kiến này, ứng dụng VNeID - lần đầu tiên được sử dụng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đây được xem là giải pháp phù hợp trong thời đại số, khi người dân đã quen với sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng định danh điện tử.

Thượng tá Phùng Minh Trí, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: lực lượng công an của tỉnh đã tích cực vào cuộc giúp người dân tiếp cận và sử dụng thành thạo ứng dụng VNeID.

“Tại địa bàn cơ sở, lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo Công an các xã thành lập các tổ công tác triển khai đến từng thôn buôn để bảo đảm phát huy quyền làm chủ của từng người dân trong việc tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Lực lượng công an đã chủ động triển khai các tổ công tác bám sát các địa bàn thôn buôn để tiến hành công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử mức 2 để tổ chức triển khai thực hiện”.

Công an phường Tân Thành hướng dẫn người dân các bước thực hiện ứng dụng VNeID để góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Công an phường Tân Thành hướng dẫn người dân các bước thực hiện ứng dụng VNeID để góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Đến nay, phần lớn ý kiến của các tầng lớp nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã được thu thập thông qua nhiều hình thức. Mỗi ý kiến đóng góp sẽ góp phần xây dựng Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân - nền tảng vững chắc cho sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phat-huy-quyen-lam-chu-tri-tue-cua-nhan-dan-trong-xay-dung-hien-phap-post1201432.vov
Zalo