Phát huy nội lực xây dựng Đại học Quốc gia

Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia (ĐHQG) là mục tiêu quan trọng để Thừa Thiên Huế được công nhận thành phố trực thuộc Trung ương. Phát huy nội lực được Đại học Huế tập trung thực hiện để hướng đến mục tiêu quan trọng này.

 Đại học Huế hướng đến đào tạo nguồn chất lượng cao cho khu vực miền Trung

Đại học Huế hướng đến đào tạo nguồn chất lượng cao cho khu vực miền Trung

Thời cơ không thể thuận lợi hơn

Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW có khẳng định “Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành ĐHQG, phấn đấu nằm trong Top 300 các trường đại học hàng đầu châu Á”. Gần đây nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định lại chủ trương phát triển Đại học Huế thành ĐHQG.

Chưa bao giờ, Đại học Huế có cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển thành ĐHQG như thế. Ngoài 2 Nghị quyết 54 và 26 đều khẳng định Đại học Huế sẽ trở thành ĐHQG, tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có kết luận hai vấn đề liên quan đến Đại học Huế. Đó là nhanh chóng phát triển thành ĐHQG và Viện Nghiên cứu sinh học thành Viên Sinh học Quốc gia khu vực miền Trung.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế thông tin, lộ trình để Đại học Huế tiến đến ĐHQG có cơ sở pháp lý rất vững chắc. Hiện, Đại học Huế đang xây dựng đề án phát triển thành ĐHQG và nỗ lực hoàn thiện để kịp với thời gian của tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

 Vị trí của Đại học Huế ngày càng cao trên các bảng xếp hạng

Vị trí của Đại học Huế ngày càng cao trên các bảng xếp hạng

Theo người đứng đầu Đại học Huế, bên cạnh tính pháp lý, Đại học Huế có nhiều thuận lợi để hướng đến mục tiêu ĐHQG. Đại học Huế đang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, rất thuận lợi để triển khai thành ĐHQG. Các ngành nghề truyền thống đến những ngành nghề mới nhất, theo xu hướng 4.0 đều được cập nhật và mở ngành đào tạo kịp thời. Hiện Đại học Huế có hai ngành, lĩnh vực đào tạo mà một số ĐHQG chưa có đào tạo, đó là nông lâm và nghệ thuật. Hợp tác đào tạo quốc tế, chuyển giao công nghệ đang được Đại học Huế triển khai hiệu quả. Từ đó, hướng đến quốc tế hóa và nâng tầm ngang hàng với các đại học trên thế giới.

Đại học Huế cũng đang tiên phong trong chuyển đổi số bằng nguồn lực sẵn có, kết hợp với phát triển môi trường số. Cùng với đó, nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp ở các nơi từng học ở Huế, học ở Đại học Huế trở về và đầu tư phát triển công nghệ. Sắp đến, sẽ có những sản phẩm về chuyển đổi số phục vụ sự phát triển của Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.

Nội lực là tiền đề

Không chỉ thuận lợi về cơ sở pháp lý, sự quan tâm từ Trung ương, khu vực và địa phương, vị thế của Đại học Huế đang ngày càng được khẳng định, có vị trí cao thời gian qua. Theo bảng xếp hạng đại học QS châu Á 2023 (bảng xếp hạng của Tổ chức giáo dục QS (Quacquarello Symonds, Anh)), Đại học Huế đã tiến từ vị trí 401 - 450 lên vị trí 351 - 400 châu Á, xếp thứ 61 khu vực Đông Nam Á và thứ 6 Việt Nam. Điều này cũng giúp Đại học Huế lần đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới THE năm 2023. Mới nhất, vào ngày 22/6/2023, Times Higher Education (Tạp chí về tin tức và những vấn đề có liên quan đến giáo dục đại học) công bố bảng xếp hạng đại học châu Á 2023 (THE Asia University Rankings 2023) thì Đại học Huế lần đầu tiên góp mặt với thứ hạng 601+.

Thời cơ đang mở ra, dù thế, Đại học Huế đứng trước hai khó khăn, một khách quan, một chủ quan, mà theo như PGS.TS. Lê Anh Phương hai khó khăn này đang ảnh hưởng đến đến lộ trình lên ĐHQG của Đại học Huế. Về khách quan, hiện nay chưa có tiêu chuẩn cho đại học vùng thành ĐHQG. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi để trình Chính phủ về điều kiện để đại học vùng thành ĐHQG. Khó khăn thứ hai là chưa phát huy hết nội lực mà Đại học Huế đang có. Khó khăn này được nhìn nhận rằng, nếu khắc phục tốt sẽ tạo ra nội lực, sức bật rất lớn cho Đại học Huế.

“Đại học Huế có trên 1.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài. Vấn đề đặt ra là mỗi cán bộ, mỗi giảng viên, mỗi tổ chức, mỗi khoa và mỗi trường đã kết nối lại thành “mạng lưới” vững chắc hay chưa? Vì vậy, Đại học Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch để phát huy nguồn nội lực này. Đó là nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, đoàn thể… Xem đây là tiền đề quan trọng để xây dựng ĐHQG”, PGS.TS. Lê Anh Phương nhấn mạnh.

Một giải pháp được Đại học Huế xác định phải làm tốt hơn nữa trong thời gian đến là liên kết, quốc tế hóa giáo dục. Làm thế nào đó để cùng hợp tác phát triển. Sự gắn kết lấy người học làm trung tâm và phải biết chấp nhận thua thiệt để mang lại lợi ích cho người học. Tác động của công nghệ khiến đào tạo nguồn nhân lực nhiều thay đổi. Dưới tác động của công nghệ, nhiều ngành nghề sẽ mất đi, giáo dục sẽ có nhiều thay đổi. Trước đây, đào tạo một ngành, một nghề, nay phải là liên ngành, liên nghề. Liên kết thực hiện tốt hơn nữa, để Đại học Huế là “trung tâm”, tạo ra nguồn lực chất lượng cho cả miền Trung như định hướng.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc/phat-huy-noi-luc-xay-dung-dai-hoc-quoc-gia-129707.html
Zalo