Phát huy nguồn lực văn hóa, tạo sự phát triển toàn diện trong kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập, phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực văn hóa - nguồn lực tạo sức mạnh 'mềm' đứng trước nhiều thời cơ và thách thức, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương có chiến lược hành động phù hợp để phát triển toàn diện trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên 'vươn mình' của dân tộc.
Thúc đẩy phát triển từ tài nguyên vô giá
Theo PGS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong kỷ nguyên mới, khi đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong gìn giữ bản sắc dân tộc, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới. PGS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, văn hóa nói riêng. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đầu tư phát triển. Các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm giữ gìn. Môi trường văn hóa được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh. Các chính sách này không chỉ giúp bảo vệ các di sản văn hóa mà còn thúc đẩy nền văn hóa sáng tạo, đưa văn hóa Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về nguồn vốn văn hóa. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ cha ông đã sáng tạo nên nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Những sáng tạo đó qua thời gian kết tinh thành hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trở thành điểm tựa, sức mạnh tinh thần giúp dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách để không ngừng khẳng định mình.
Chỉ tính riêng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đến nay, cả nước có khoảng 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có một số di tích, di sản đã được UNESCO ghi danh, nhiều di tích, di sản được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia… Cả nước cũng có trên 290 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; trên 1.600 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể… Đây chính là những "báu vật", tài nguyên vô giá, nguồn vốn đặc biệt quan trọng để Việt Nam khai thác, phát huy, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ.
Đưa văn hóa lên tầm cao mới
Quan tâm đầu tư phát triển các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa là thể hiện sự phát huy hiệu quả nguồn lực nội sinh để đất nước phát triển toàn diện. PGS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, công cuộc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, sự tôn vinh di sản truyền thống và việc định vị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế là đòn bẩy quan trọng, đưa văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới. Qua đó, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn xây dựng một hình ảnh Việt Nam tự tin, sáng tạo và đầy bản lĩnh.
Đề cập giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo bước phát triển mới, PGS Nguyễn Thị Thu Phương nêu ý kiến: Công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước. Muốn thực hiện được điều này cần cụ thể hóa những mục tiêu đã được nêu ra trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045". Bên cạnh đó, từ thực tế cũng đòi hỏi có sự thay đổi, cải cách những vấn đề về thể chế pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa…