Phát huy lợi thế kinh tế tập thể

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) có sự chuyển biến tích cực cả chất và lượng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tăng về lượng và chất

Huyện hiện có 1 liên hiệp HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn điều lệ 300 triệu đồng; 35 HTX (trong đó có 29 HTX nông nghiệp), tổng số vốn điều lệ đăng ký 6.397,5 triệu đồng; 525 thành viên tham gia (bình quân 18 người/HTX).

Ðến nay, có hơn 7 công ty, 14 HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa, tổng diện tích sản xuất lúa tham gia liên kết là 2.200 ha với sản lượng 10 ngàn tấn, góp phần ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho người dân trong mô hình.

Nổi bật trong năm 2023, ngành nông nghiệp huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ, kêu gọi doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ lúa hữu cơ. Kết quả, có 230 ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, gồm: HTX dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực) 50 ha, HTX Kênh Ngang (xã Tân Lộc Bắc) 130 ha, HTX Thành Công (xã Thới Bình) 50 ha. Các giống lúa chủ yếu: ST24, OM2517; năng suất bình quân đạt từ 4,8-5,2 tấn/ha và được DN bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1-1,5 ngàn đồng/kg.

Huyện tổ chức hội nghị “Phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình năm 2023”, hội nghị “Triển khai một số chính sách mới và xúc tiến hợp tác, liên kết phát triển kinh tế tập thể huyện Thới Bình năm 2023”. Kết quả có trên 1.000 ha lúa - tôm được DN tham gia liên kết sản xuất.

Bên cạnh lợi thế cây lúa sạch, lúa hữu cơ, huyện còn chủ động mời gọi, thu hút công ty, DN tham gia vào chuỗi liên kết với mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế. Năm 2023, Công ty TNHH xã hội Tôm chứng nhận Minh Phú (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) phối hợp với HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực và HTX Ðoàn Phát xây dựng vùng nuôi tôm sú đạt chứng nhận nuôi trồng thủy sản trách nhiệm (ASC) khoảng 1.000 ha. Hiện công ty tiếp tục phối hợp với các HTX trên địa bàn đánh giá khoảng 1.600 ha nuôi tôm theo chứng nhận ASC và chứng nhận Tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP).

Kinh tế tập thể đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (Trong ảnh: Người dân xã Tân Bằng thu hoạch tôm càng xanh dịp cuối năm 2023).

Kinh tế tập thể đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (Trong ảnh: Người dân xã Tân Bằng thu hoạch tôm càng xanh dịp cuối năm 2023).

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, nhận định: "Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Luật Hợp tác xã 2012 đã và đang tiếp tục được triển khai sâu rộng để hình thành và thúc đẩy phát triển phong trào HTX. Doanh thu bình quân của HTX và thu nhập của thành viên, người lao động được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ".

Cùng với sự gia tăng về số lượng, nhiều HTX mở rộng phạm vi hoạt động, các HTX áp dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều. Ðặc biệt, các HTX nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương (OCOP), thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, công ty, DN lớn để mở rộng thị trường.

Mục tiêu đến năm 2025

Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đang là xu thế nổi bật hiện nay. Vì vậy, mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam, trong đó có KTTT, HTX phải chủ động hội nhập, có tâm thế hợp tác và cạnh tranh không chỉ trong nước mà với khu vực và thế giới.

Huyện Thới Bình nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung có ưu thế riêng về thổ nhưỡng, khí hậu cũng như cây trồng, vật nuôi, nên việc thành lập các mô hình HTX hoạt động quy mô liên xã, với sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu cần hướng đến. Thời gian tới, bên cạnh phát triển KTTT, HTX, việc mở rộng quy mô và tăng cường liên kết với các thành phần kinh tế khác rất quan trọng, cần được tập trung để làm cơ sở hỗ trợ thành viên, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện xây dựng mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025: khuyến khích phát triển KTTT, mở rộng quy mô thành viên; ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với DN; bảo đảm lợi ích thành viên... Tiếp tục phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng, nòng cốt là các HTX với hệ thống sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa gắn với phát triển làng nghề và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tăng cường liên kết, hợp tác “5 nhà”. Khuyến khích thành lập mới HTX, liên hiệp HTX trên các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của địa phương, gắn với xây dựng mô hình điểm hoạt động hiệu quả.

Hoàn thành 100% tiến độ xây dựng thí điểm 2 mô hình HTX điểm và 6 mô hình HTX vệ tinh của các mô hình HTX điểm (mỗi HTX điểm có 3 HTX vệ tinh); tăng số lượng bình quân thành viên/HTX nông nghiệp toàn huyện đạt 30 thành viên/HTX; tăng vốn điều lệ thực góp bình quân toàn huyện đạt 300 triệu đồng/HTX nông nghiệp; các HTX điểm và HTX vệ tinh tại các xã có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN đạt 100%; số HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào quá trình điều hành sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản, phát triển HTX gắn với sản phẩm OCOP đạt 100% các HTX điểm và HTX vệ tinh của HTX điểm.

Ðể hoàn thành mục tiêu đặt ra, địa phương tập trung chỉ đạo kiện toàn các HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX 2023, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện cho đến cơ sở./.

Kim Hoài

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-huy-loi-the-kinh-te-tap-the-a33855.html
Zalo