Phát huy khí chất, bản lĩnh 'Quảng Bình quật khởi'

Ngày 15/7/1949, những hồi trống đầu tiên vang lên trong ban mai ở làng Hiển Lộc, xã Duy Ninh (Quảng Ninh), mở đầu cao trào 'Quảng Bình quật khởi' do Đảng bộ tỉnh Quảng Bình phát động. Từ ấy đến nay vừa tròn 75 năm, quê hương Quảng Bình đã đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, gần 50 năm thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước với rất nhiều thành quả vượt bậc trên mọi lĩnh vực.

Ngày 15/7/1949 được đánh giá là mốc lịch sử vàng ghi nhận sự xoay chuyển tình thế cách mạng, tạo sức bật mạnh mẽ cho những bước phát triển mới của phong trào kháng chiến chống Pháp trên địa bàn tỉnh, để lại bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình-Bài học tạo thế cân bằng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II, ngày 19/5/1949 đánh giá khách quan về tình hình thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Sau Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ, phong trào kháng chiến của Quảng Bình đã có những bước phát triển mạnh nhưng chưa đều khắp. Nhìn toàn cục phong trào kháng chiến nghiêng hẳn về hai huyện phía Bắc là Bố Trạch và Quảng Trạch …”.

Đại hội thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân: “Tỉnh ủy chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo phong trào kháng chiến ở hai huyện phía Nam, chưa nhận rõ vị trí quan trọng của Quảng Ninh, Lệ Thủy, chưa thấy được đây là vùng trọng điểm nhân tài vật lực của Quảng Bình…” và nghiêm khắc phê bình tư tưởng cầu an, ngại khó, ngại gian khổ của một số cán bộ, đảng viên, đồng thời nêu khẩu hiệu hành động “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh”. Tại đại hội này, Đảng bộ tỉnh quyết định phát động cao trào kháng chiến mang tên “Quảng Bình quật khởi” bắt đầu từ ngày 15/7/1949.

Hưởng ứng cao trào “Quảng Bình quật khởi” do Đảng bộ tỉnh khởi xướng và lãnh đạo, quân và dân khắp nơi đồng loạt tấn công thực dân Pháp trên mọi mặt trận và giành được thắng lợi toàn diện ở các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tình hình cách mạng chuyển biến nhanh chóng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, phát triển đồng đều trên các địa phương; quân dân Quảng Bình được tiếp thêm nguồn lực tinh thần mạnh mẽ, ngày càng phấn khởi dồn hết tâm sức để cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, đây là bước ngoặt lớn về tư duy lãnh đạo kháng chiến của Đảng bộ tỉnh. Bước ngoặt ấy bắt đầu từ việc dám nhìn thẳng vào sự thật, dám chịu trách nhiệm để đi đến quyết định mang tính chiến lược về đường lối lãnh đạo kháng chiến. Thắng lợi của cao trào “Quảng Bình quật khởi” chứng tỏ sức mạnh của tinh thần đoàn kết ý Đảng và lòng dân, quân với dân một ý chí, của tinh thần tự lực, tự cường cao độ nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Thời gian trôi đi nhưng tinh thần ngày 15/7 năm ấy mãi mãi là điểm tựa để Quảng Bình bật dậy trong mọi hoàn cảnh.

TP. Đồng Hới gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Hải

TP. Đồng Hới gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Hải

Từ Đại hội lần thứ II thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1949) đến Đại hội lần thứ XVII của thời kỳ đổi mới (2020), quê hương Quảng Bình từ chiến tranh đến hòa bình, từ khó khăn, đói nghèo lạc hậu đến đổi mới, phát triển hiện đại, văn minh, đường lối lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh vẫn thủy chung như nhất. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, dấu ấn tinh thần ngày 15/7 năm xưa đã được đưa vào sự nghiệp xây dựng phát triển quê hương.

Tinh thần kiểm điểm nghiêm túc, không bị chủ nghĩa thành tích chi phối:

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã nỗ lực phấn đấu rất quyết liệt, vượt qua nhiều khó khăn gay gắt, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng…Tuy nhiên, có 3 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt kế hoạch đề ra, đó là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; GRDP bình quân đầu người; thu ngân sách trên địa bàn. Kinh tế tăng trưởng còn chậm. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp. Kết cấu hạ tầng ở một số khu vực thiếu đồng bộ. Đời sống người dân một số vùng còn khó khăn. Một số hạn chế trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường chậm được khắc phục. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp có mặt còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật có nơi, có lúc chưa nghiêm; tội phạm và tệ nạn xã hội còn biểu hiện diễn biến phức tạp..”.

Thái độ nghiêm khắc, không né tránh khuyết điểm, yếu kém trong công tác lãnh đạo, điều hành:

… là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, khả năng cụ thể hóa, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền, ngành, địa phương còn chậm, có việc còn thiếu sâu sát, thiếu sáng tạo, nhạy bén. Tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu, ý thức tự khắc phục khó khăn để vươn lên trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa cao. Công tác dự báo tình hình chưa sát, thiếu toàn diện. Đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ…”.

Và đường lối lãnh đạo phù hợp, chủ trương phát triển cân bằng:

Phấn đấu xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung. Phát huy tối đa, có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế. Phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đặc biệt du lịch biển, nghỉ dưỡng, du lịch hang động, mạo hiểm; các ngành công nghiệp điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế, thân thiện với môi trường; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng chất lượng, giá trị, bền vững. Khai thác tối ưu và hợp lý các di sản văn hóa, thiên nhiên, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực có chất lượng; ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, văn minh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.”.

Bài học tạo thế cân bằng để phát triển bền vững trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng từ cao trào “Quảng Bình quật khởi” 75 năm trước vẫn vẹn nguyên ý nghĩa trong ngày hôm nay. Nếu năm xưa, Đảng bộ tỉnh tạo thế cân bằng trong lãnh đạo kháng chiến “Miền Nam mạnh thì Quảng Bình mạnh”, thì hôm nay là thế cân bằng trong phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội, các loại hình ngành nghề kinh tế. Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ: “4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế. Đó chính là công thức, là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho kinh tế Quảng Bình”.

75 năm trong 420 năm tỉnh Quảng Bình hình thành và phát triển chỉ là quãng ngắn của lịch sử, nhưng lại chứa nhiều sự kiện mấu chốt để có Quảng Bình hôm nay phát triển mạnh mẽ và tươi đẹp. 75 năm ấy dù tình thế cách mạng nhiều lần đổi thay, hoàn cảnh quê hương cũng có những thăng trầm, nóng lạnh nhưng từ đó đến nay phương châm lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh vẫn kiên định một con đường, thể hiện khí chất Quảng Bình, bản lĩnh Quảng Bình: Thẳng thắn và nghiêm khắc, kiên định và quyết tâm, tự lực-tự cường, cân bằng và bền vững. Đó là nền tảng của mọi thành công!

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, tập I (1930-1945).

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Tài liệu tuyên truyền “Quảng Bình-Hào khí 420 năm” (1604-2024).

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202407/phat-huy-khi-chat-ban-linh-quang-binh-quat-khoi-2219510/
Zalo