Phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm

Sau gần 2 năm thực hiện Đề án 'Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025', Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho người lao động vay vốn. Nguồn vốn này là 'đòn bẩy' giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương.

Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động

Tháng 1/2023, UBND tỉnh ban hành Đề án “Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025”. Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động vay vốn để tạo việc làm, thu hút thêm lao động mới, tránh tình trạng thiếu việc làm cục bộ, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự, hạn chế hoạt động “tín dụng đen”. Nguồn vốn thực hiện Đề án do T.Ư phân bổ và địa phương bố trí ngân sách.

 Khu vực chế biến của cơ sở sản xuất bánh bao Bảo Phát.

Khu vực chế biến của cơ sở sản xuất bánh bao Bảo Phát.

Cơ sở sản xuất bánh bao Bảo Phát, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) là một trong những đơn vị được vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Năm 2013, gia đình anh Vương Văn Quyền bắt đầu làm bánh bao và bán đồ dùng làm bánh. Nhận thấy làm bánh bao có thu nhập ổn định nên cách đây 4 năm, vợ chồng anh đầu tư mua máy móc, nguyên liệu mở rộng quy mô sản xuất. Không chỉ bán trong tỉnh, bánh bao Bảo Phát còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, TP như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội…

Do thị trường tiêu thụ thuận lợi nên năm ngoái, gia đình anh Quyền tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất bánh. Anh Quyền chia sẻ: “Khi mở rộng xưởng làm bánh, tôi được Ngân hàng CSXH tỉnh hướng dẫn cho vay 500 triệu đồng trong thời gian 5 năm với lãi suất ưu đãi 7,92%/năm. Từ số tiền vay, tôi xây thêm nhà xưởng, lắp đặt kho lạnh. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất 3-4 nghìn chiếc bánh, doanh thu mỗi tháng đạt 350-400 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động”.

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, thực hiện Đề án “Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025”, đến nay, toàn tỉnh có hơn 9 nghìn dự án của các tổ chức, cá nhân được vay vốn với tổng dư nợ hơn 760 tỷ đồng. Thông qua các dự án này, toàn tỉnh có 9,2 nghìn lao động được tạo việc làm.

Tương tự, đầu năm ngoái, Hợp tác xã (HTX) Sao Thần Nông, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) được Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay 800 triệu đồng với lãi suất ưu đãi trong 5 năm để đầu tư sửa chữa kho lạnh, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất lúa thơm, khoai tây, dưa hấu… và thu mua nông sản tại địa phương. Theo chị Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc HTX, từ nguồn vốn vay, HTX có điều kiện duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động vốn thu mua nông sản cho bà con. 6 tháng năm nay, doanh thu của HTX đạt hơn 50 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái khoảng 5 tỷ đồng. HTX đang tạo việc làm trực tiếp cho 7 lao động và hàng chục lao động gián tiếp”.

Không chỉ hai cơ sở trên được vay vốn, theo Ngân hàng CSXH tỉnh, thực hiện Đề án “Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025”, đến nay, toàn tỉnh có hơn 9 nghìn dự án của các tổ chức, cá nhân được vay vốn với tổng dư nợ hơn 760 tỷ đồng. Thông qua các dự án này, toàn tỉnh có 9,2 nghìn lao động được tạo việc làm. Qua rà roát, kiểm tra của Ngân hàng CSXH tỉnh, các trường hợp được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, sản xuất, kinh doanh phát huy hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Kiểm soát, thẩm định chặt chẽ

Thực tế, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Đề án của tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay. Lĩnh vực ưu tiên cho vay vốn là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP; các dự án khởi sự kinh doanh; người lao động không có đất nông nghiệp; lao động nông thôn đã hoàn thành các khóa đào tạo nghề, có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp…

Mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho một lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo 7,92%/năm.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Do đó, quá trình thực hiện Đề án, Ngân hàng đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay.

Đặc biệt, để nguồn vốn giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, trước khi giải ngân vốn, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thẩm định kỹ lưỡng từng dự án. Sau khi giải ngân một tháng, các tổ chức hội tập trung kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các trường hợp thụ hưởng sử dụng vốn đúng mục đích. Các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở đôn đốc các trường hợp vay vốn trả lãi và gốc theo định kỳ, không để phát sinh nợ quá hạn.

Dự báo đến năm 2025, dân số của toàn tỉnh là gần 2 triệu người, trong đó dân số ở độ tuổi lao động hơn 1,2 triệu người. Theo Đề án, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giải quyết việc làm ổn định, tạo việc làm mới, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động. Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thị xã, TP triển khai giải ngân vốn bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai hiệu quả Đề án. Cùng đó, Ngân hàng đề nghị các địa phương lồng ghép các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi với chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phat-huy-hieu-qua-von-vay-giai-quyet-viec-lam-073401.bbg
Zalo