Phát huy hiệu quả cửa hàng thực phẩm an toàn tại địa phương

Để cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) tại xã, thị trấn là địa chỉ uy tín trong việc cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn cho người dân địa phương cần có những giải pháp, cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Hà Văn Giáp, Quyền Chánh Văn phòng điều phối về vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh; Trương Mạnh Linh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Như Thanh; Mai Ngọc Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Tân.

Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

PV: Phát huy hiệu quả của các cửa hàng TPAT, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cần những giải pháp nào, thưa ông?

PV: Phát huy hiệu quả của các cửa hàng TPAT, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cần những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Hà Văn Giáp:

Hiện, toàn tỉnh có 389 chợ truyền thống, 2 trung tâm thương mại, hơn 60.000 cửa hàng kinh doanh thương mại đang hoạt động, trong đó có 537 cửa hàng kinh doanh TPAT tại các khu vực đông dân cư. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính được nhiều người dân lựa chọn, nhất là tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân tăng, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi và các cửa hàng thực phẩm nhỏ, được xây dựng ở các địa điểm tiện mua sắm cho người tiêu dùng.

Những xã không có chợ thì phải xây dựng cửa hàng TPAT, để người dân địa phương có địa chỉ đáng tin cậy về nguồn TPAT, trong đó khuyến khích các cửa hàng bày bán, giới thiệu nông sản, đặc sản địa phương và các vùng miền. Để cửa hàng kinh doanh TPAT phát huy hiệu quả cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đồng thời có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và ngành chức năng. Trong đó, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh; đồng thời vận động người tiêu dùng sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Các hội, đoàn thể tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng TPAT” của hội phụ nữ; phong trào “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn”, “Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục” của hội nông dân... nâng cao ý thức thay đổi hành vi, trở thành người tiêu dùng thông minh.

Củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, cùng với việc hỗ trợ xây dựng cửa hàng kinh doanh TPAT tại các địa phương, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, loại bỏ những cửa hàng kinh doanh thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, chủ cửa hàng cần chú trọng xây dựng thương hiệu bằng chất lượng và trước khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ nhu cầu thị trường, tâm lý khách hàng ở từng địa phương để có cách thức cung ứng phù hợp... Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa giá cả là yếu tố quan trọng vì vậy, cần tìm nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm giảm bớt các khâu trung gian, giảm chi phí vận chuyển... cung cấp giá thành phù hợp mà vẫn đảm bảo chất lượng cho người dân.

Niềm tin cho người tiêu dùng

PV: Một trong những điều quan trọng khiến người tiêu dùng đến mua sắm tại cửa hàng TPAT là niềm tin, ông cho biết địa phương có những giải pháp nào giúp các cửa hàng tạo dựng niềm tin cho khách hàng?

PV: Một trong những điều quan trọng khiến người tiêu dùng đến mua sắm tại cửa hàng TPAT là niềm tin, ông cho biết địa phương có những giải pháp nào giúp các cửa hàng tạo dựng niềm tin cho khách hàng?

Ông Trương Mạnh Linh:

Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch là vấn đề cần được quan tâm. Theo đó, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với ngành chức năng mở lớp tập huấn kiến thức nâng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng bán hàng... cho chủ cơ sở kinh doanh.

Ngoài các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, các cửa hàng cần trang bị thêm thiết bị kiểm tra tại chỗ các chỉ tiêu đối với sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, chủ cửa hàng nên chủ động đổi mới, linh hoạt trong kinh doanh để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Nên đa dạng, phong phú các mẫu mã và hàng hóa. Bởi khách hàng rất ngại đến cửa hàng mua một loại thực phẩm, sau đó lại phải mất thời gian sang một cửa hàng khác mua thực phẩm khác. Các cửa hàng cũng cần làm ăn chuyên nghiệp hơn như có website bán hàng hoặc thường xuyên giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, phát triển nhiều dịch vụ phục vụ khách hàng như shipper, cung cấp thực phẩm tận nhà...

Việc bày bán không chỉ có những sản phẩm đặc trưng đã được gắn sao, chỉ dẫn địa lý... mà khuyến khích bán những sản phẩm có tiềm năng. Đó là những sản phẩm đã và đang được người dân địa phương tin tưởng, việc này không những giúp quảng bá sản phẩm đến gần hơn với nhiều người mà còn nâng uy tín cửa hàng.

Bên cạnh đó, các đoàn thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện, xã, thị trấn sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nông sản được bày bán tại các cửa hàng cũng như nơi sản xuất để tạo sự tin cậy cho người dùng.

Cần thời gian để thay đổi thói quen người tiêu dùng

PV: Theo ông, cần làm gì để thay đổi thói quen người tiêu dùng?

PV: Theo ông, cần làm gì để thay đổi thói quen người tiêu dùng?

Ông Mai Ngọc Kiệm:

Thay đổi thói quen tiêu dùng, trở thành người tiêu dùng “thông minh” cần một quá trình, có thời gian để người dân nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi. Trong đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và ngành chức năng cùng những giải pháp đồng bộ.

Trong đó, tuyên truyền được xem là giải pháp mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, nhất là trên mạng xã hội. Tại các hội nhóm của thôn, xã thường xuyên đăng tải, thông tin về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với nhiều nội dung theo chủ đề; tổ chức các cuộc thi phòng chống thực phẩm bẩn; lồng ghép tuyên truyền các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cuộc họp... Đồng thời, các đoàn thể tại xã đẩy mạnh phát triển các mô hình, phong trào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như “Nói không với thực phẩm bẩn”, “Phụ nữ 5 không, 3 sạch”...

Bên cạnh đó, chính quyền cùng người dân nỗ lực xây dựng sản phẩm đặc trưng, giới thiệu sản phẩm có tiềm năng bày bán nhiều hơn tại cửa hàng TPAT. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra nhằm xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng.

Vân Anh (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-huy-hieu-qua-cua-hang-thuc-pham-an-toan-tai-dia-phuong-33619.htm
Zalo