Phát huy hiệu quả các mô hình, dự án giảm nghèo ở Lan Giới

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo sát sao, công tác giảm nghèo ở xã Lan Giới, huyện Tân Yên (Bắc Giang) có những chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần thúc đẩy KT-XH hội ở địa phương phát triển.

Xã Lan Giới có 8 thôn, gần 4,3 nghìn dân, hơn 1 nghìn hộ, trong đó khoảng 70% các hộ của xã làm nông nghiệp, số còn lại làm kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, lao động tự do, đi làm công nhân ở các công ty. Năm 2019, xã Lan Giới về đích nông thôn mới (NTM). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Đảng ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể xã đã tích cực vào cuộc chỉ đạo với nhiều giải pháp cụ thể.

 Cán bộ xã Lan Giới thăm mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình chị Đàm Thị Lan, thôn Đồn Hậu.

Cán bộ xã Lan Giới thăm mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình chị Đàm Thị Lan, thôn Đồn Hậu.

Một trong những điểm nhấn về công tác giảm nghèo được xã tập trung cao đó là triển khai dự án nuôi bò sinh sản. Năm 2023, từ nguồn vốn chương trình MTQG, trên cơ sở rà soát, đăng ký của các gia đình, 23 hộ nghèo và cận nghèo của xã được nhận 23 con bò sinh sản để nuôi. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lan Giới cho biết: "Đảng ủy xã có nghị quyết triển khai, phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách các thôn về công tác giảm nghèo nói chung, trong đó có hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án nuôi bò sinh sản".

Để dự án triển khai hiệu quả, UBND xã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho các hộ, như: Chọn nguồn thức ăn; vệ sinh chuồng trại; phòng, chống dịch bệnh…Cùng đó, cử cán bộ thường xuyên giám sát việc chăn nuôi của các hộ, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ bà con khi gặp khó khăn. Từ năm 2022 trở về trước, gia đình chị Đàm Thị Lan (SN 1977), thôn Đồn Hậu thuộc diện hộ nghèo của xã. Chồng chị là anh Phạm Sỹ Tuyển (SN 1972) bị mắc bệnh ung thư đại tràng từ năm 2022. Cứ 21 ngày, chị Lan lại phải đưa chồng vào viện xạ trị, chi phí thuốc men rất tốn kém; trong khi nhà có 5 nhân khẩu, mẹ chồng ngoài 80 tuổi già yếu. Cả nhà chị chỉ trông chờ vào vài sào ruộng.

Năm 2023, gia đình chị được nhận nuôi 1 con bò sinh sản từ Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Do được tập huấn, tuân thủ đúng kỹ thuật chăn nuôi nên bò phát triển khỏe mạnh. Ngoài làm 5 sào ruộng, chị còn trồng thêm 5 sào dưa chuột để tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, cuộc sống bớt khó khăn hơn. Năm 2023, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo. "Năm nay, gia đình tôi sẽ phấn đấu thoát nghèo. Tôi cảm ơn cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn, tạo điều kiện để phát triển kinh tế", chị Lan tâm sự.

Không chỉ gia đình chị Lan, hơn 20 hộ nghèo, cận nghèo của xã được hưởng lợi từ dự án nuôi bò sinh sản cũng đang nỗ lực quyết tâm phấn đấu giảm nghèo, thoát nghèo. Cùng với dự án nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi dê của xã được nhiều hộ triển khai. Đến nay, tổng đàn dê của xã là hơn 3 nghìn con, trải đều các thôn. Trung bình, mỗi hộ nuôi từ 60-70 con, hộ nhiều 300-400 con. So với nuôi lợn, nuôi dê có nhiều ưu điểm, như: Tận dụng thức ăn tự nhiên (lá, rau, củ), đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ rộng (cả ở trong và ngoài tỉnh).

Từ mô hình nuôi dê, kinh tế của nhiều hộ phát triển. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Doan, thôn Đá Ong, trong chuồng luôn duy trì nuôi khoảng 200 con dê thương phẩm. Mỗi năm xuất bán 3 lứa, chị thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Để có đàn dê khỏe mạnh, chị luôn tuân thủ kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh. Do có kinh nghiệm, chăn nuôi mang lại hiệu quả, nhiều hộ trong xã đến học hỏi, làm theo.

 Mô hình nuôi dê thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Doan, thôn Đá Ong.

Mô hình nuôi dê thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Doan, thôn Đá Ong.

Mặt khác, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng. Bên cạnh phát triển chăn nuôi, trồng trọt, xã phối hợp với các tổ chức, đơn vị tạo kiện để nông dân được vay vốn phát triển kinh tế; đào tạo nghề; giới thiệu việc làm ở các công ty, đi xuất khẩu lao động. Hiện toàn xã có khoảng hơn 500 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã Lan Giới giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2022, số hộ nghèo của xã còn 37 hộ, bằng 3,6% thì năm 2023 còn 29 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,8%. Năm nay, xã phấn đấu giảm còn 18 hộ; số hộ cận nghèo còn 49 hộ. Thời điểm này, toàn xã đã có 4/8 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Phố Thễ, Bãi Trại, Bình Minh, Chính Lan. Vài năm gần đây, 100% số thôn của xã đều đạt danh hiệu thôn văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt từ 97-98%.

Bài học kinh nghiệm về công tác giảm nghèo được Đảng ủy, UBND xã Lan Giới rút ra đó là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tạo điều kiện, động lực để các hộ nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thường xuyên chỉ đạo, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện ở các thôn, từng hộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng.

Bài ảnh: Phương Ngân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phat-huy-hieu-qua-cac-mo-hinh-du-an-giam-ngheo-o-lan-gioi-110542.bbg
Zalo