Phát huy giá trị sản phẩm OCOP theo chiều sâu

Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Chương trình được sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, các cấp và cộng đồng người dân địa phương. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các sở, ngành, đơn vị ngày càng chặt chẽ. Tỉnh đã tập trung chuẩn hóa nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Cùng với đó, các địa phương quan tâm, khai thác các nguồn tài nguyên bản địa; hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm.

 Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các chủ thể Chương trình OCOP tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các chủ thể Chương trình OCOP tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao; 86 sản phẩm 4 sao; 366 sản phẩm 3 sao) của 175 chủ thể.

Để phát huy giá trị, tiềm năng của sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Đồng thời bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình; chủ động, quyết tâm và phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.500 cán bộ quản lý Nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) thực hiện Chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu có khoảng 150 sản phẩm mới của 70 chủ thể tham gia Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo, có ít nhất có 15 sản phẩm đạt 5 sao. Triển khai thực hiện hiệu quả 2 mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh: Dự án các sản phẩm từ sen (huyện Tháp Mười) và Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc (TP Sa Đéc)...

Để thực hiện theo đúng kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đạt tiêu chí sản phẩm OCOP trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên bản địa hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; trang web của Chương trình OCOP; dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh; trong các đợt hội nghị, hội thảo, tập huấn...

Ngoài ra, tỉnh xây dựng đội ngũ tư vấn từ các thành viên là các sở, ban, ngành tỉnh (thuộc lĩnh vực ngành nghề quản lý, phụ trách theo Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP) hướng dẫn hỗ trợ cho cấp huyện, thành phố và các chủ thể OCOP tham gia đánh giá phân hạng Chương trình OCOP hàng năm...

Trang Huỳnh

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giam-ngheo-thong-tin/phat-huy-gia-tri-san-pham-ocop-theo-chieu-sau-127280.aspx
Zalo