Phát huy giá trị di tích Cột cờ Nam Định

Nằm trên đường Tô Hiệu (thành phố Nam Định), di tích Cột cờ Nam Định là công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa độc đáo. Được xây dựng vào thế kỷ XIX, cùng với các cột cờ nổi tiếng khác như cột cờ ở Kinh thành Huế (1807), cột cờ Hà Nội (1812) và cột cờ thành Bắc Ninh (1838), Cột cờ Nam Định đã trở thành biểu tượng, là niềm tự hào của người dân Thành Nam. Cùng với việc bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, thời gian qua Cột cờ Nam Định trở thành địa chỉ thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái.

Toàn cảnh di tích Cột cờ Nam Định hiện nay.

Toàn cảnh di tích Cột cờ Nam Định hiện nay.

Đến di tích Cột cờ Nam Định vào dịp cuối tuần, chúng tôi chứng kiến các du khách được cán bộ Bảo tàng tỉnh nhiệt tình hướng dẫn, cung cấp những thông tin bổ ích về lịch sử và văn hóa của công trình này. Du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc cột cờ, mà còn được nghe những trang sử hào hùng từ các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến Cách mạng Tháng Tám của quân dân Nam Định. Theo sự giới thiệu của cán bộ Bảo tàng tỉnh, Cột cờ Nam Định (còn gọi là Kỳ đài) được khởi dựng từ năm Gia Long 11 (1812) đến năm Quý Mão (1843) hoàn thành. Đây là công trình quan trọng của Thành cổ Nam Định, nằm ở phía nam nội thành, trước điện Kính Thiên (Chùa Vọng Cung). Trong suốt quá trình tồn tại, Cột cờ Nam Định là nơi diễn ra các trận chiến đấu rất ác liệt của quân và dân Nam Định chống lại thực dân Pháp vào các năm 1873 và 1883. Nhiều người con quê hương đã anh dũng hy sinh, trong đó có Anh hùng liệt nữ Nguyễn Thị Trinh (ngày 11/12/1873). Sau khi mất, bà được Vua Tự Đức và Vua Thành Thái truy phong “Tiết liệt anh phong”, “Giám thương Công chúa - Bà Chúa coi kho”, nhân dân Thành Nam suy tôn là Bản Cảnh Thành hoàng và lập miếu thờ tại Kỳ đài. Vào thời điểm sôi sục của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên đỉnh Cột cờ Nam Định đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của chiến thắng và niềm tự hào của người dân Thành Nam. Năm 1967, Nam Định trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Cột cờ là nơi đặt tổ quan sát máy bay của lực lượng tự vệ nhà máy Dệt Nam Định. Vào ngày 11/6/1972, trong một cuộc oanh tạc ác liệt, máy bay Mỹ đã bắn rocket và ném bom trúng vào khu vực Cột cờ, khiến toàn bộ công trình bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố, Cột cờ Nam Định được phục dựng lại theo kiến trúc nguyên bản, giữ gìn vẻ đẹp cổ kính và uy nghiêm vốn có.

Cột cờ Nam Định hiện nay được chia thành ba phần chính gồm: chân đế (phần bệ), thân cột (thân dài) và vọng canh (vọng lâu). Phần chân đế của Cột cờ gồm hai bệ hình vuông, với bệ dưới lớn hơn bệ trên. Cả hai bệ đều được xây dựng kiên cố bằng gạch nung già màu đỏ sẫm. Phía ngoài bệ có hàng lan can bảo vệ. Từ bệ dưới lên bệ trên có các bậc thang lên xuống, tạo sự thuận tiện cho người đi lại. Trên mặt bệ thứ hai, có cửa đi vào thân cột cờ. Bốn mặt của bệ này đều xây lan can và có bốn cửa. Trên cửa phía đông có khắc hai chữ “Nghênh húc” (đón ánh ban mai), còn cửa phía nam có hai chữ “Hướng quang” (hướng theo đức sáng). Dưới bệ, có một đền thờ nhỏ, thờ Bà chúa Cột cờ - Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh. Phần thân cột cờ cao 12,65m, thu nhỏ dần về phía trên và được chia thành hai phần: phần dưới là hình trụ bát giác, phần trên là hình trụ tròn. Thân cột có cầu thang xoáy trôn ốc gồm 54 bậc, chiếu sáng bởi 32 ô cửa sổ hình hoa thị, tạo nên vẻ đẹp độc đáo và hài hòa với kiến trúc tổng thể. Phần vọng canh được xây dựng theo hình trụ tròn, có hàng lan can và được bố trí 4 cửa vòm cùng 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ mặt vọng canh, có một cầu thang sắt nhỏ dẫn lên đỉnh cột cờ, nơi treo lá quốc kỳ. Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và giá trị kiến trúc, năm 1962, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH, TT và DL) đã xếp hạng Cột cờ Nam Định là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 1997, Bộ VH, TT và DL đã cấp Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cho công trình này.

Du khách đến tham quan bên trong di tích Cột cờ Nam Định.

Du khách đến tham quan bên trong di tích Cột cờ Nam Định.

Năm 2011, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận quản lý di tích Cột cờ Nam Định. Vào các ngày lễ, tết của dân tộc, các nghi lễ truyền thống luôn được Bảo tàng tỉnh tổ chức, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng. Từ năm 2012 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức các hoạt động trưng bày “Một số hình ảnh tiêu biểu về Thành Nam xưa và di tích lịch sử - văn hóa Cột cờ Nam Định” với các chủ đề: “Di tích Cột cờ và sự tích Giám thương Công chúa”, “Thành cổ Nam Định”, “Trường thi Hương Nam Định”, “Phố cổ Thành Nam”… góp phần tuyên truyền, giáo dục lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nhờ vị trí thuận lợi, nằm ngay trong khu vực trung tâm thành phố, Cột cờ Nam Định dễ dàng kết nối với các di tích nổi tiếng khác trong tỉnh. Điều này mở ra tiềm năng lớn để phát triển các tour du lịch kết hợp văn hóa - tâm linh, giúp khách du lịch có cơ hội khám phá sâu hơn những giá trị di sản đặc sắc của Nam Định. Một số hành trình nổi bật như viếng thăm Đền Trần, Phủ Dầy, Chùa Cổ Lễ... Sau đó, điểm dừng chân cuối cùng tại Cột cờ Nam Định sẽ là nơi du khách cảm nhận trọn vẹn tinh thần hào hùng của đất và người Nam Định. Tại đây, mỗi người sẽ được sống lại những thời khắc lịch sử oanh liệt của vùng đất Thành Nam, từ cuộc chiến chống thực dân Pháp cho đến những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy cam go. Được chiêm ngưỡng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ, du khách sẽ cảm nhận được niềm tự hào và tinh thần bất khuất của người dân Nam Định, những con người đã kiên cường đấu tranh vì độc lập và tự do của Tổ quốc. Chị Nguyễn Thị Nhung, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng với không gian và lịch sử của Cột cờ Nam Định. Mỗi chi tiết, mỗi câu chuyện mà cán bộ Bảo tàng chia sẻ đều mang đến cho tôi một cảm giác như được sống lại trong những khoảnh khắc lịch sử đầy gian nan nhưng cũng đầy tự hào của dân tộc. Đây không chỉ là một điểm tham quan du lịch mà còn là nơi tôi có thể hiểu hơn về tinh thần yêu nước, kiên cường của người dân Nam Định”.

Cột cờ Nam Định không chỉ là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa của người dân Nam Định. Việc phục dựng và bảo tồn Cột cờ Nam Định là hành động thiết thực, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Đây cũng là một điểm đến du lịch ý nghĩa, giúp mỗi du khách khám phá vẻ đẹp lịch sử và văn hóa của thành phố Nam Định, mảnh đất giàu truyền thống anh hùng và giàu bản sắc.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/phat-huy-gia-tri-di-tich-cot-co-nam-dinh-5cc4bd0/
Zalo