Phát huy giá trị 'Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam'
Gần 200 hiện vật gốc, tài liệu, hình ảnh về 'Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam' và cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Bùi Trang Chước được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội, vào ngày 29/8.
Triển lãm “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9, 78 năm ngày thành lập Bộ Nội vụ và ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, Quốc huy Việt Nam là biểu tượng thiêng liêng, là niềm tự hào, thể hiện khát vọng mãnh liệt, thiết tha về một nền hòa bình, độc lập, tự do của đất nước. Quá trình hình thành, ra đời của Quốc huy Việt Nam là câu chuyện đặc biệt gắn liền với lịch sử đất nước và hành trình đấu tranh, bảo vệ dân tộc, đồng thời cũng là câu chuyện đầy thú vị, gắn với cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Bùi Trang Chước.
Cũng theo ông Tùng, các tư liệu trưng bày lần này là một phần trong khối tư liệu lưu trữ được các cá nhân, gia đình, dòng họ có nhiều cống hiến, đóng góp cho đất nước đã tin tưởng gửi cơ quan lưu trữ Nhà nước.
Thời gian qua, các cơ quan lưu trữ đã có nhiều hoạt động, nhiều hình thức phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ, phát huy các di sản này, tích cực phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước và tiếp tục được nhiều dòng họ, gia đình, người thân của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng tin tưởng trao gửi cơ quan lưu trữ Nhà nước nhiều tài liệu gốc, quý. Các tài liệu này được bảo quản, đồng thời phát huy giá trị, giới thiệu rộng rãi đến công chúng qua nhiều hình thức khác nhau, tương tự như các hoạt động trưng bày, giới thiệu các phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam.
Theo bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều sự kiện, đặc biệt là bố trí không gian trưng bày sang trọng, giới thiệu các di sản – Bảo vật quốc gia đang lưu trữ tại Trung tâm. Khu triển lãm “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” là phòng trưng bày đầu tiên về Bảo vật quốc gia cũng như về các tư liệu, tài liệu liên quan đến cá nhân được sưu tầm, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Thông qua trưng bày, Trung tâm bày tỏ sự trân trọng và lời cảm ơn chân thành đối với các cá nhân, gia đình, dòng họ đã tin tưởng, gửi trọn những giá trị văn hóa, tinh thần của mình cho Trung tâm.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng xúc động chia sẻ, đằng sau mỗi hiện vật là rất nhiều câu chuyện về con người, đất nước ở nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Các hiện vật tại triển lãm “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” chứa đựng nhiều câu chuyện đặc biệt về thân thế, sự nghiệp của họa sĩ Bùi Trang Chước và cả hành trình để mẫu quốc huy được trả về đúng tên tác giả, được công nhận là bảo vật quốc gia, họa sĩ Bùi Trang Chước được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2023.
Ban Tổ chức mong muốn, triển lãm này sẽ góp phần tôn vinh những biểu tượng dân tộc, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tiêu biểu, quý hiếm được bảo quản tại Trung tâm, mang đến góc nhìn đa chiều, chân thực về quá trình hình thành Quốc huy Việt Nam, đồng thời thắp lên ngọn lửa niềm tin trong mỗi cá nhân cống hiến hết mình cho những đam mê tốt đẹp.
Cùng với lễ khai mạc triển lãm, dịp này, Trung tâm giới thiệu đến độc giả ấn phẩm “Bảo vật quốc gia – Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam”. Ấn phẩm có cùng kết cấu với triển lãm, bao gồm 3 phần. Phần 1 chủ đề “Quốc huy Việt Nam - Biểu tượng tự hào dân tộc” giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh Quốc huy Việt Nam được thể hiện trên các sự kiện, địa điểm trên đất liền cũng như biên giới, hải đảo, trong các giấy tờ quan trọng,…
Phần 2 “Hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam” giới thiệu một số văn bản khởi nguồn cho việc sáng tác Quốc huy Việt Nam, như: Công văn số 87-NG ngày 28/1/1951 của Bộ Ngoại giao gửi Ban Thường trực Quốc hội đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn; Công văn số 467-NG ngày 8/6/1951 của Bộ Ngoại giao về phát động cuộc thi họa mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Tiếp đó là hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy của Họa sĩ Bùi Trang Chước, từ những nét phác thảo đầu tiên với những cây tre, con trâu, bông lúa… cùng những lời tự sự về hành trình sáng tác mẫu Quốc huy của họa sĩ.
Các tài liệu cho thấy, sau những lần được đề nghị chỉnh sửa, đến tháng 9/1955, họa sĩ Bùi Trang Chước đã hoàn thành mẫu Quốc huy cuối cùng gồm 1 bản màu và 2 bản tách màu đen trắng để trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I. Sau khi đưa ra bàn thảo và được chỉnh sửa một vài chi tiết, Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức được Quốc hội phê duyệt. Ngày 14/1/1956, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 254-SL ban bố mẫu Quốc huy Việt Nam.
Phần 3 - “Họa sĩ Bùi Trang Chước - Người tạo hình Quốc huy Việt Nam” giới thiệu chân dung, quê hương, gia đình, quá trình học tập, lao động, sáng tạo của họa sĩ Bùi Trang Chước, khắc họa hình ảnh của người nghệ sĩ đa tài với nhiều tác phẩm có giá trị ứng dụng: Mẫu Quốc huy, mẫu tem, tiền, huy hiệu, chân dung Lê-nin, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh… Các ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với tài năng, cống hiến của họa sĩ qua nhiều Huân chương, giải thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (1988), Huân chương Lao động hạng Nhì (1988), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2023). Tên của họa sĩ Bùi Trang Chước cũng đã được đặt cho hai đường phố tại Thủ đô Hà Nội và TP Đà Nẵng.