Phát huy '4 tại chỗ' ứng phó với thiên tai

Cơn bão số 2 và cơn bão số 3 diễn ra vừa qua, đã làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Sự chỉ đạo phòng tránh từ sớm, từ xa, nhất là thực hiện phương châm '4 tại chỗ', hết sức cần thiết, ứng phó với những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết hiện nay.

Lực lượng tại chỗ thành phố Sơn La tiếp cận nhà bị ngập sâu trong nước tại bản Phứa Cón, phường Chiềng An.

Lực lượng tại chỗ thành phố Sơn La tiếp cận nhà bị ngập sâu trong nước tại bản Phứa Cón, phường Chiềng An.

Mệnh lệnh “4 tại chỗ”

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, các ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) gắn với xây dựng cộng đồng “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) là một trong những nội dung chỉ đạo mang tính “mệnh lệnh” của Trung ương và của tỉnh trong phòng chống thiên tai, nhất là qua 2 cơn bão tàn khốc vừa diễn ra.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo tập trung công tác ứng phó với lũ, bão, như Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 4/9/2024, Công văn số 3985/UBND-KT ngày 6/9/2024, chỉ đạo các huyện, thành phố quán triệt thực hiện nghiêm chế độ ứng trực, theo dõi cập nhật kịp thời diễn biến mưa, lũ trên địa bàn. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các hồ đập, khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, ngập úng, khu vực vùng sâu, vùng xa, cách trở, các hầm lò khai thác khoáng sản, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các phương án khắc phục hậu quả, cương quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm...

Lực lượng chức năng sử dụng các phương tiện tiếp cận khu vực ngập sâu trong nước tại phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Lực lượng chức năng sử dụng các phương tiện tiếp cận khu vực ngập sâu trong nước tại phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Qua thực tế cho thấy, việc ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” với các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La, như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán... rất quan trọng. Việc huy động người, phương tiện tại chỗ đến ứng cứu các điểm xảy ra thiên tai nhanh chóng, góp phần bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân.

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, cho biết: Căn cứ vào dự báo lượng mưa và cảnh báo lũ, sạt lở đất, Ban Chỉ huy thông báo các huyện, thành phố chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại chỗ sẵn sàng ứng cứu, san, gạt đất, đá. Đồng thời, di dời người và tài sản đến nơi an toàn, chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế nhanh nhất. Do đó, năng lực chỉ huy tại chỗ và khả năng ứng phó của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” là quan trọng nhất. Khả năng phán đoán, nhận định tình hình để chỉ huy phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế nhằm giảm nhẹ thiệt hại tại địa phương.

ĐVTN huyện Bắc Yên cùng lực lượng Công an huyện hỗ trợ nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

ĐVTN huyện Bắc Yên cùng lực lượng Công an huyện hỗ trợ nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

Sát thực tế cơ sở

Trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 vào tháng 7/2024, tại thành phố Sơn La xảy ra ngập úng cục bộ nhiều điểm và ngập úng sâu tại một số bản thuộc phường Chiềng An, xã Chiềng Đen với mức ngập 2-7m. Thành phố huy động lực lượng công an, quân đội và dân quân đến các điểm ngập úng hỗ trợ bà con di dời tài sản. Ngoài ra, nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố bị ngập úng lớn. Do đó, đã phải bố trí lực lượng tại các điểm ngập úng sâu hỗ trợ nhân dân di chuyển.

Chị Tòng Thị Thuận, bán Phứa Cón, phường Chiềng An, thành phố Sơn La chia sẻ: Thời điểm nước làm ngập nhà, gia đình tôi đã được cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội đến hỗ trợ di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn. Sau khi nước rút, gia đình tôi còn được các chiến sĩ hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa. Mặc dù đồ đạc, tài sản bị hư hỏng do nước dâng nhanh, nhưng may mắn nhận được sự hỗ trợ kịp thời nên cuộc sống đã dần ổn định.

Còn ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 vừa qua, tuyến quốc lộ 43 từ xã Gia Phù đi các xã Tân Phong, Bắc Phong, Đá Đỏ của huyện Phù Yên đã bị sạt trượt hầu hết phần mặt đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Đây là tuyến huyết mạch, nếu ùn tắc quá lâu, ảnh hưởng đến việc kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục thiên tai của các xã. Cùng với đó, giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa các xã trong huyện Phù Yên và giữa hai huyện Phù Yên - Mộc Châu cũng bị ảnh hưởng. Do đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Phù Yên đã triển khai nối lại giao thông tạm thời, bằng cách đào một lối đi tạm bên phía ta luy dương đủ cho 1 làn xe.

Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết: Qua khảo sát, đánh giá cho thấy đoạn đường bị sạt lở tại Km22+800, quốc lộ 43 và khu vực quanh điểm khu vực này có nền đất khá yếu. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban tham mưu, đề xuất phương án khắc phục, chống sạt tại khu vực này. Ngoài ra, việc sử dụng một lối đi tạm phía ta luy dương chỉ mang tính thời điểm, nên về lâu dài huyện đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án gia cố, nền đường và nối lại tuyến đường này trong thời gian sớm nhất, đảm bảo việc đi lại an toàn cho nhân dân.

Bắc Yên huy động phương tiện tại chỗ thực hiện san, gạt đất sạt lở.

Bắc Yên huy động phương tiện tại chỗ thực hiện san, gạt đất sạt lở.

Nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó

Các loại hình thiên tai xảy ra trong những năm gần đây, diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai được chú trọng, như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh của các bản, tiểu khu, tổ dân phố và các nhóm Facebook, zalo thông tin về thời tiết tại cơ sở. Từ đó, chủ động đưa ra các biện pháp để ứng phó kịp thời.

Trong 2 tháng qua, ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2, số 3, đã gây ngập lụt một số xã trên địa bàn huyện Thuận Châu, gây tổn thất lớn về tài sản của nhân dân. Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu cho hay: Tình hình mưa lũ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, do đó, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo, thông báo tới nhân dân. Chủ động các phương tiện, lực lượng tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Khuyến cáo không cho người dân ra suối vớt củi; sẵn sàng di chuyển người và tài sản trong khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Đại tá Bùi Văn Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh thông tin: Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, phương án, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương ứng phó với từng loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn. Khi có thiên tai xảy, huy động tối đa lực lượng dân quân tự vệ tại các địa phương tham gia ứng phó, nhất là di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác PCTT&TKCN. Vận động các gia đình trong vùng thường hay xảy ra bão lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác, đảm bảo cuộc sống dài ngày khi có bão, lụt; huy động các lực lượng dân quân cơ động chuẩn bị các phương tiện để vận chuyển lương thực đến phục vụ nhân dân bị ngập lụt…

Phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai luôn được Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các địa phương trong tỉnh tuân thủ thực hiện, đảm bảo sẵn sàng chủ động ứng phó, xử lý sự cố thiên tai có thể xảy ra ở các địa phương bất kỳ thời điểm nào.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/phat-huy-4-tai-cho-ung-pho-voi-thien-tai-TMWAiGgNg.html
Zalo