Phát hiện sinh vật biển 3 mắt nửa tỷ năm tuổi thở bằng mang ở... mông

Một phát hiện hóa thạch vừa được công bố tại Canada khi các nhà khoa học tìm thấy loài sinh vật biển kỳ lạ có niên đại hơn 500 triệu năm với khả năng thở qua các mang lớn nằm ở phần mông. Sinh vật này được đặt tên là Mosura fentoni, gợi nhớ đến con bướm khổng lồ Mothra trong phim Nhật Bản, dù kích thước thực tế chỉ bằng ngón tay người.

Nửa tỷ năm trước, đại dương nguyên thủy từng là nơi “ngự trị” của loài săn mồi nhỏ bé nhưng cực kỳ linh hoạt này. Mosura fentoni di chuyển bằng cách vỗ cánh giống như con bướm, dùng những cái càng móc con mồi đưa vào miệng, đồng thời thở nhờ các mang dài gắn ở phần đuôi - một điểm đặc biệt chưa từng thấy ở các loài chân khớp cổ đại.

Mosura fentoni là loài động vật ăn thịt nhỏ bé dưới đại dương trông hơi giống loài bướm đêm.

Mosura fentoni là loài động vật ăn thịt nhỏ bé dưới đại dương trông hơi giống loài bướm đêm.

Những hóa thạch quý hiếm được khai quật chủ yếu tại khu vực Burgess Shale, thuộc dãy núi Rockies của Canada, cho thấy chi tiết sinh học cực kỳ tinh vi: từ hệ thần kinh, hệ tuần hoàn đến cả đường ruột. Đây là một phát hiện hiếm có bởi các mô mềm thường rất khó được bảo tồn trong hóa thạch.

Jean-Bernard Caron, nhà cổ sinh vật học hàng đầu từ Bảo tàng Hoàng gia Ontario, cho biết: “Rất ít hóa thạch trên thế giới có thể tiết lộ cấu trúc bên trong của các mô mềm như thế này. Chúng tôi thậm chí nhìn thấy các bó thần kinh trong mắt, tương tự như ở các loài chân khớp hiện đại.”

Mosura fentoni thuộc nhóm radiodonts, tổ tiên của các loài chân khớp hiện đại, nổi bật với các cánh bên và chi đầu đặc trưng. Trước đây, các hóa thạch radiodonts thường cho thấy cơ thể có các đốt giống nhau, nhưng loài mới phát hiện này lại có nhiều đốt ở phần sau kèm mang thở dài - điều chưa từng được ghi nhận.

Đáng chú ý, các nhà khoa học đoán rằng mang ở phần mông này có thể là một hệ thống thở chuyên biệt, thích nghi với môi trường thiếu oxy hoặc lối sống năng động, thậm chí có thể liên quan đến việc sinh sản. Từ đó cho thấy radiodonts đa dạng và phức tạp hơn nhiều so với nhận định trước đây.

Joe Moysiuk, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Manitoba, nhấn mạnh: “Những bộ sưu tập hóa thạch trong bảo tàng chính là kho báu vô tận về kiến thức. Bạn chỉ cần mở một ngăn kéo là có thể phát hiện ra điều kỳ diệu.”

Phát hiện Mosura fentoni không chỉ làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của nhóm chân khớp - chiếm phần lớn động vật trên Trái Đất hiện nay - mà còn mở ra một chương mới đầy thú vị về sự đa dạng và khả năng thích nghi của các sinh vật cổ đại.

Như Ý (Live Science)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phat-hien-sinh-vat-bien-3-mat-nua-ty-nam-tuoi-tho-bang-mang-o-mong/20250517110654208
Zalo