Phát hiện loài ốc lạ trong hang động lớn nhất hành tinh

Các nhà khoa học vừa phát hiện một loài ốc mới cư trú trong hố sụt của hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất hành tinh, thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Loài ốc mới phát hiện này có tên khoa học là Calybium plicatus sp.nov. thuộc giống Calybium, họ Helicinidae, bộ Cycloneritida, lớp Gastropoda, giới Animalia. Loài ốc mới này được các nhà khoa học phát hiện và thu thập tại hố sụt 1, hang Sơn Đoòng.

Ảnh chụp loài ốc mới trong hang Sơn Đoòng.

Ảnh chụp loài ốc mới trong hang Sơn Đoòng.

Đây là loài được ghi nhận đầu tiên về giống động vật thân mềm, chân bụng trên cạn của Việt Nam. Calybium plicatus sp.nov. có hình dạng vỏ tương tự như loài Calybium massiei, Morlet, 1892 nhưng khác ở chỗ có kích thước vỏ nhỏ hơn, thành đỉnh có sáu phiến đỉnh cách đều nhau.

Loài ốc mới phát hiện được các chuyên gia của Việt Nam mô tả trong đề tài “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững”, do PGS.TS. Vũ Văn Liên, Phó tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm. Loài mới này đã được nhóm nghiên cứu đề xuất đặt tên là ốc nón Sơn Đoòng.

Được biết, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hiện ghi nhận 2.954 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành. Trong đó có 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 3 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ.

Ảnh chụp loài ốc mới tại phòng thí nghiệm.

Ảnh chụp loài ốc mới tại phòng thí nghiệm.

Về động vật, đã ghi nhận 1.399 loài thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, 66 loài có tên trong các phụ lục CITES.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-hien-loai-oc-la-trong-hang-dong-lon-nhat-hanh-tinh-post1707910.tpo
Zalo