Phát hiện hơn 125 nghìn website giả mạo cơ quan, sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn lừa đảo người dùng
Hàng loạt các website của cơ quan, tổ chức tài chính ngân hàng, các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp lớn, nhà mạng...bị đối tượng xấu giả mạo để lừa đảo. Trong số 55 trang web giả mạo thương hiệu doanh nghiệp, có đến gần một nửa thuộc lĩnh vực thương mại điện tử...
Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin vừa cho biết, qua thực hiện công tác kiểm tra, rà soát an toàn thông tin trên không gian mạng, đã ghi nhận 125.226 địa chỉ trang web giả mạo cơ quan, tổ chức.
Các đối tượng sử dụng website giả mạo này để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo.
Theo Cục An toàn thông tin, mục tiêu hướng đến của các đối tượng là lừa đảo người dân thông qua giả mạo các website của cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính- ngân hàng, các sàn thương mại điện tử, các công ty lớn.
Riêng trong tháng 8/2024, hệ thống giám sát của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phát hiện 55 trang web (website) giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng.
Trong số 55 trang web giả mạo thương hiệu doanh nghiệp, có đến gần một nửa là lĩnh vực thương mại điện tử.
Cụ thể, có tới 12 trang web giả mạo website sàn thương mại điện tử Tiki, 6 trang web giả mạo website sàn thương mại điện tử Shopee, 3 trang giả mạo sàn thương mại điện tử Lazada, 3 trang web giả mạo sàn thương mại điện tử Sendo, giả mạo sàn thương mại điện tử Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam.
Có 1 trang web giả mạo Amazon; 1 trang web giả mạo website của Điện máy xanh. Lĩnh vực bưu chính- logistics có tới 8 trang giả mạo website của Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm.
Lĩnh vực tài chính- ngân hàng cũng bị giả mạo khá nhiều, gồm: 4 trang giả mạo Ngân hàng TMCP Bảo Việt, 4 trang web giả mạo website của Ngân hàng TMCP Quân đội, 2 trang web giả mạo các Ngân hàng TMCP Á Châu. Bên cạnh đó còn có các trang web giả mạo Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng TMCP Phương Đông và Quốc tế.
Thậm chí, còn có web còn giả mạo website của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; giả mạo các tập đoàn lớn trong nước như Viettel, VNPT.
Từ thực tế giả mạo website lừa đảo trên, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động rà quét, phát hiện sớm các website lừa đảo giả mạo tổ chức của mình, cảnh báo sớm đến người dùng nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng, bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức.